Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

     GS.TS. Đỗ Thanh Bình
ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy
(Đại học Sư phạm Hà Nội)
Thế kỷ XVI, XVII và XVIII là thời kỳ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế ngoại thương ở Đại Việt. Đặc biệt, thế kỷ XVII được coi là giai đoạn phát triển phồn thịnh nhất. Góp vào sự phồn thịnh của kinh tế ngoại thương nói riêng và cả nền kinh tế Đại Việt nói chung trong các thế kỷ này là sự xuất hiện của các thương điếm với vị trí như những trung tâm thương mại, tổ chức việc buôn bán giữa Đại Việt với các nước phương Tây. Sự có mặt của các thương điếm của thương nhân Hà Lan, Anh, Pháp ở những đô thị lớn, như Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến và Hội An…đã khiến cho diện mạo của nền kinh tế phong kiến vốn mang tính tự cấp, tự túc có những thay đổi đáng kể.
1. Sự ra đời và hoạt động của các thương điếm (1) phương Tây ở Đại Việt thế kỷ XVII
Trong hai thế kỷ XVI, XVII và những thập niên đầu của thế kỷ XVIII, tình hình kinh tế – xã hội thế giới nói chung, ở châu Âu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng đã diễn ra nhiều chuyển biến quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến kinh tế – xã hội Đại Việt.
Ở châu Á – Thái Bình Dương, thế kỷ XVI, XVII, những hoạt động thương mại đường biển sôi động của người Trung Hoa (dưới triều Minh, Thanh), của người Nhật Bản (dưới thời Tokugawa) và phần nào của người Indonesia (thời Java) đã tạo nên một hệ thống mậu dịch châu Á.
Ở châu Âu, sau những cuộc phát kiến địa lý thế kỷ XV, một nền thương mại quốc tế xuyên đại dương đã hình thành. Bồ Đào Nha là nước tiên phong thực hiện những cuộc thám hiểm tràn sang phương Đông. Tiếp theo, người Hà Lan, Anh, Pháp cũng nối gót xâm nhập vào thế giới Đông Bắc Á và Đông Nam Á (mà họ gọi chung là Đông Ấn) tìm kiếm thị trường và nguồn nguyên liệu.
Tất cả những yếu tố mới đó đã tạo nên một kỷ nguyên thương mại mới của thế giới.
Ở châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian này đã hình thành hai trục giao thương chính:
Trục tuyến Bắc – Nam nối liền Nhật Bản qua các vùng bờ biển Trung Quốc, Đài Loan xuống đến Đại Việt và các nước Đông Nam Á khác.
Trục tuyến Đông – Tây với trạm dừng chân là Ấn Độ. Từ đây, các tàu thuyền phương Tây qua eo Malacca, tới Indonexia, Xiêm, Đại Việt, Trung Quốc, Philippin và Nhật Bản.
Hai trục giao thương Bắc – Nam và Đông – Tây đó đã tạo nên nhiều con đường trên biển, như: con đường tơ lụa, con đường gốm sứ, con đường truyền giáo…Đại Việt đã là giao điểm của các tuyến trung chuyển đó.
Khi xâm nhập vào phương Đông, công cụ chủ yếu của các nước phương Tây là các Công ty Đông Ấn và hệ thống các thương điếm.
Bồ Đào Nha là nước đầu tiên xâm nhập vào phương Đông và cũng là những người đầu tiên đến Đại Việt, nhưng chỉ tiến hành các hoạt động buôn bán riêng lẻ, không lập công ty.
Hà Lan là nước có nền kinh tế phát triển khá sớm và một nền thương mại hàng hải hùng hậu. Tuy xâm nhập vào vùng biển Thái Bình Dương sau người Bồ Đào Nha, nhưng Hà Lan đã dần vươn lên chiếm ưu thế ở vùng này vào thế kỷ XVII.
So với Bồ Đào Nha, Hà Lan có nhiều thuận lợi trong việc buôn bán với Đại Việt. Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) được thành lập năm 1602, có tiềm lực lớn lao và được chính phủ bảo trợ mạnh mẽ. Hà Lan cũng đã đặt được những căn cứ vững chắc của mình ở Indonesia: Batavia (Jacarta sau này) và Bantam, dùng làm trụ sở đại bản doanh của công ty trước khi xâm nhập vào Đại Việt.
Trong những năm 1601, 1613 và 1617 đã có những thuyền buôn đầu tiên của VOC cập bến, thăm thú vùng Đàng Trong. Nhưng, phải đến năm 1633, Hà Lan mới chính thức có quan hệ buôn bán với Đàng Trong sau sự kiện Paulus Traudenius ở Batavia cử đại diện của mình đến Hội An thương thuyết. Kết quả là một thương điếm của Hà Lan được thành lập ở Hội An do Duijcker đứng đầu và C.Caesar làm phụ tá. Năm 1637, tàu Petten của Hà Lan từ Đài Loan đến Hội An, mang theo tiền resal, bạc và đồng, trị giá tổng cộng lên tới 120.960 florins (1 florins = 1 quan = 1/2 lạng bạc ). Đổi lại, chúa Nguyễn cam kết sẽ cung cấp 500 tạ tơ và 5000 tạ đường đen cho công ty.
Tuy nhiên, quan hệ giao thương giữa Hà Lan và Đàng Trong sớm gặp nhiều sóng gió. Hà Lan trách cứ các chúa Nguyễn đã vô lý tịch thu hàng hóa trên mấy tàu của Hà Lan bị đắm ở Cù Lao Chàm và quần đảo Hoàng Sa. Chúa Nguyễn bất bình vì Hà Lan liên kết và giúp đỡ Đàng Ngoài tấn công Đàng Trong ở cửa Thuận An (1642). Sau những căng thẳng, hai bên đã cố gắng dàn hòa để nối lại giao thương bằng một thỏa ước năm 1651, nhưng đã không đưa đến một kết quả cụ thể nào. Thương điếm của Hà Lan ở Hội An chính thức đóng cửa năm 1654.
Quan hệ giao thương của Hà Lan với Đàng Ngoài diễn ra muộn hơn nhưng có nhiều thuận tiện và đem lại kết quả nhiều hơn. Năm 1637, chiếc tàu Grol xuất phát từ Nhật Bản qua Đài Loan đến Đàng Ngoài. Tàu mang theo 40 hòm bạc, sắt, đồng, các hàng hóa châu Âu và Nhật Bản với tổng trị giá 190.000 florins (2).
Ở Kẻ Chợ, trưởng đại diện của Hà Lan là Karel Hartsinck đã tìm cách tiếp cận với chính quyền Lê – Trịnh (vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng), các triều thần phụ trách tàu hải quan và thu thuế, tặng quà và thương thuyết những vấn đề kinh tế – chính trị. Quan hệ song phương khá tốt đẹp và thân thiện. Lê Thần Tông đã đồng ý cho Hà Lan mở một thương điếm ở Phố Hiến (Hưng Yên). Đổi lại, Hà Lan ngầm hứa với các chúa Trịnh là sẽ ủng hộ Đàng Ngoài trong cuộc chiến tranh với chúa Nguyễn.
Thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Phố Hiến xây bằng gạch, gần bờ sông Hồng. Đến năm 1645, thương điếm được phép dời lên Kẻ Chợ, Phố Hiến vẫn được duy trì như một chi nhánh. Thương điếm Hà Lan ở Đàng Ngoài đã tồn tại 64 năm (1637 – 1700), trải qua 13 đời giám đốc (3).
Trong những năm đầu, thương điếm Phố Hiến làm ăn khá phát đạt. Thống kê cho thấy, trong khoảng thời gian 1638 – 1642 đã có 5 tàu của Hà Lan cập bến Phố Hiến mang theo 1.323.631 florins, 20.000 lạng bạc và các hàng hóa trao đổi và mua được số lượng lớn các mặt hàng tơ sống, vải lụa đã dệt, lĩnh và quế chi.
Thương điếm Hà Lan ở Kẻ Chợ được dựng ngoài thành Đại La, bên bờ sông Nhị. Trong những thập kỷ đầu, những tàu buôn của Hà Lan từ Nhật Bản, Đài Loan và Batavia đã cập bến Kẻ Chợ buôn bán, mang đến nhiều tiền bạc và hàng hóa (năm 1646 là 130.000 lạng bạc, năm 1649 là 457.928 florins, năm 1650 là 329.613 florins, năm 1661 là 150.200 florins, năm 1681 là 123.354 florins, năm 1682 là 165.420 florins). Đổi lại, họ được một chuyến hàng 500, 600 tạ tơ sống, những tấm lĩnh…Thời gian sau, danh mục các mặt hàng xuất khẩu còn thêm gốm sứ thô, xạ hương, long não, đồ sơn son thiếp vàng. Hàng đem vào thì có thêm diêm tiêu, lưu huỳnh, vũ khí như các cỗ súng đại bác bằng gang, thậm chí còn có cả gạo vào những năm đói kém (1642). Những hàng hóa đem lại lợi nhuận lớn hơn cả cho Công ty Đông Ấn Hà Lan là tơ lụa và gốm sứ (4). Lãi suất hàng năm của công ty (giai đoạn 1641 – 1654) lên tới 186% (5).
Lái buôn Hà Lan ở Đàng Ngoài rất có kinh nghiệm và tài nghệ trong ứng xử kinh doanh. Theo Ch.Maybon, “những người Hà Lan ở Đàng Ngoài cũng như ở các nơi khác, chịu biết uốn mình theo hoàn cảnh” (6). Một mặt, họ tìm đủ mọi cách để cạnh tranh thắng lợi đối với các đối thủ Bồ Đào Nha, Trung Hoa; mặt khác, họ tìm cách mua chuộc tầng lớp vua chúa và các quan khám tàu thu thuế bằng cách tặng quà biếu, không lấy lại tiền đặt trước. Họ cũng đã tích cực vận động những người môi giới như các bà phi, người phiên dịch trong việc tiếp xúc với vua quan. Họ cũng không quản ngại hàng đêm xuống tận từng gia đình thợ dệt để mua tơ, đặt hàng dệt. Vì theo họ, những người thợ dệt Đàng Ngoài muốn đến giao dịch trực tiếp tại các thương điếm thường bị lính canh của các quan đuổi đánh.
Trong những năm cuối thế kỷ XVII, tình hình buôn bán của thương điếm Hà Lan ở Đàng Ngoài gặp nhiều khó khăn. Phần vì bị người Anh cạnh tranh gay gắt. Phần do chính sách gây phiền hà, mua rẻ, bán đắt của chính quyền Lê – Trịnh, thái độ sách nhiễu, tham quan của những quan thu thuế.
Sau khi cân nhắc, năm 1700, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã chỉ thị cho giám đốc thương điếm J.Van Loo đóng cửa vĩnh viễn thương điếm ở Đàng Ngoài, rút hết nhân viên, thiết bị về Batavia.
Người Anh đến Đông Nam Á muộn hơn người Bồ Đào Nha và Hà Lan, tuy rằng, công ty Đông Ấn Anh (EIC) đã được thành lập từ năm 1600. So với VOC, EIC có số vốn ít hơn, hoạt động trong phạm vi nhỏ hơn nhưng lại thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Năm 1613, thương điếm Anh ở Hirado đã cử Tempest Peacock và Walter Cawarden đến vùng Hội An thăm dò và dự định mua hàng, mang theo 720 bảng Anh và 1000 pesos cùng thư ngoại giao gửi chúa Nguyễn. Tuy nhiên, đây lại là một sự khởi đầu tai hại vì hai người đó đều không trở về, tiền hàng bị mất hết. Năm 1617, thương điếm cử tiếp W.Adam và E.Sayer đến Đàng Trong nhưng cũng không mang lại kết quả.
Hơn nửa thế kỷ sau, người Anh đã thành công trong việc giao thương với Đàng Ngoài. Năm 1672, chiếu tàu Zant, xuất phát từ trụ sở EIC ở Bantam do Patrick chỉ huy, đã đưa W.Gyfford theo đường sông Thái Bình, qua Phố Hiến lên tới Kẻ Chợ, mang theo 10.000 réaux và thư đề nghị giao thương buôn bán. W.Gyfford được chúa Trịnh Tạc tiếp đón và đồng ý cho mở một thương điếm ở Phố Hiến.
Năm 1683, Công ty EIC được phép dời thương điếm từ Phố Hiến lên Kẻ Chợ, xây trụ sở ở bờ Nam sông Tô Lịch, gần thành Đại La. Theo những điều ghi chép của W.Dampier năm 1688 thì “thương điếm của người Anh không có nhiều người, tọa lạc một cách bình yên ở phía Bắc thành phố và quay mặt ra ngoài sông. Đây là một ngôi nhà thấp, trông đẹp mắt và là ngôi nhà đẹp nhất…Ở chính giữa có một phòng ăn xinh xắn và ở các phía là những căn phòng tiện nghi dành cho thương nhân, nhân viên thương điếm và người hầu của công ty” (7).
Cũng như thương điếm Hà Lan, trong những năm đầu, thương điếm của Anh ở Đàng Ngoài làm ăn rất phát đạt. Hàng năm đều có các tàu buôn Anh từ Bantam, Đài Loan, Nhật Bản đến Đàng Ngoài buôn bán.
Những mặt hàng EIC nhập khẩu vào Đàng Ngoài khá phong phú. Ngoài bạc là diêm tiêu, lưu huỳnh, những tấm dạ khổ rộng, nỉ xoắn tuyết, vải in hoa, chì, súng lớn, trong đó có loại súng trường thon dài là loại được ưa chuộng hơn cả. Các nguyên liệu phục vụ chiến tranh như đồng, sắt rèn, lưu huỳnh, diêm tiêu, thuốc súng…hợp kim kẽm đúc tiền cũng được nhập khẩu nhiều.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Đàng Ngoài vẫn là tơ lụa. Theo Farrington, lưu trữ của EIC đã ghi lại nhiều mặt hàng tơ lụa khác nhau của Đàng Ngoài như nhung, lĩnh, sồi, hockins (?), peniascoes (?), lụa, the, dạ, lượt. Năm 1676, EIC đã giao 2.342.200 đồng tiền đặt cọc cho 4630 tấm vải lụa (8). Những loại lĩnh trắng trơn hoặc in hoa thưa, khổ rộng là những mặt hàng được ưa chuộng.
Sau tơ lụa là hàng gốm sứ. Để cạnh tranh với các đồ gốm sứ cao cấp, đắt tiền của Trung Quốc và Nhật Bản, thương điếm của Anh thường chọn mua những đồ gốm phổ thông, rẻ tiền (bát đàn men nâu Bát Tràng) của Đàng Ngoài với số lượng lớn, đem bán lại cho các địa phương khác ở Đông Nam Á (Indonesia, Miến Điện…) và Ấn Độ. Năm 1688, thuyền trưởng Pool đã mua ở Kẻ Chợ 10.000 chiếc bát đàn đem sang bán ở Sumatra.
Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu còn có đường, xạ hương, đồ gỗ sơn thếp. Năm 1687, Công ty đã đặt mua của Đàng Ngoài 7184 đồ gỗ sơn.
Cũng như Hà Lan, trong những năm sau, công ty Đông Ấn Anh gặp khó khăn trong giao thiệp với Đại Việt, nhất là với những viên quan khám hàng, thu thuế. Họ than phiền về thói tham lam và kiêu căng của giới này, sự khó khăn trong việc thanh toán thuế má với chính quyền. Mặt khác, một thị trường mới lớn hơn đã mở ra là Trung Quốc. EIC không mặn mà với Đàng Ngoài mà muốn tìm một nơi khác thuận lợi hơn là Đàng Trong.
Năm 1695, Ban lãnh đạo EIC ở Madras (Ấn Độ) đã cử Thomas Bowyear đến Đà Nẵng xin gặp chúa Nguyễn dâng thư đề nghị giao thương gồm 7 điểm, trong đó có một điểm là đề nghị xin lập thương điếm. Chuyến đi được coi là thân thiện về mặt ngoại giao nhưng không đem lại kết quả cụ thể. Ở Đàng Ngoài, thương điếm của Anh ở Kẻ Chợ cũng chính thức đóng cửa năm 1697, với sự ra đi của của viên giám đốc cuối cùng Richard Watt và các đồng sự.
Là người phương Tây đến Đại Việt muộn màng nhất, quan hệ ngoại giao Việt – Pháp chỉ được chính thức thiết lập dưới triều vua Lui XIV (1643 – 1715). Những hoạt động này nằm trong sự tính toán của giáo sĩ Pallu lúc đó đang chi phối chính trị triều đình Pháp: kết hợp truyền bá tôn giáo, khuếch trương sự vinh quang của nhà vua với các hoạt động buôn bán.
Năm 1699, giám mục La Motte Lambert cập bến ở Đàng Ngoài với hai sứ mệnh: truyền giáo và buôn bán. Phái bộ được đón tiếp nhưng không đem lại kết quả cụ thể. Sau đó, những năm 1671, 1676, Lambert cũng đã đến Đàng Trong và được các chúa Nguyễn tiếp kiến.
Năm 1680, Công ty Ấn Độ của Pháp (CIO) đã cử Chappelian đi trên chiếc tàu “Tonquin” đến Đàng Ngoài thương thuyết mang theo 3000 réaux tiền hàng và 20.000 écus để mua tơ lụa và xạ hương. Chappelian cũng mang nhiều đồ vật quý hiếm làm quà biếu vua chúa, các quan để gây cảm tình. Kết quả chuyến đi được đánh giá là “một sự khởi đầu thắng lợi”. Chính quyền Lê – Trịnh đón tiếp thân thiện phái đoàn, trao tặng vua Lui XIV một số tặng phẩm, đồng ý cho người Pháp lập một thương điếm ở Phố Hiến.
Ở Phố Hiến, người Pháp có một ngôi nhà, nhưng không rõ là trụ sở của thương điếm hay nhà của giám mục: “Người Pháp có một ngôi nhà ở đây nhưng chúng tôi không thể nói rành mạch đó là dùng cho việc buôn bán hay nhằm mục đích truyền giáo. Điều đó chứng tỏ chắc chắn là những quan hệ buôn bán chỉ được đặt ra sau khi thành lập những khu thừa sai” (9). Bản thân Công ty Đông Ấn Pháp chỉ có trên danh nghĩa, hoạt động kém hiệu quả, kém xa người Hà Lan và người Anh.
Năm 1682, tàu Saint Joseph chở hai giám mục Deydier và Bourges từ Xiêm đến Đàng Ngoài mang theo quốc thư của vua Lui XIV gửi vua Lê – chúa Trịnh đề nghị được tự do buôn bán và truyền đạo. Nhà nước Đàng Ngoài sau đó đã viết thư phúc đáp. Lời lẽ trong thư tỏ ra rất mềm mỏng về phương diện giao thương: “Phép lịch sự không phải là điều gì khác thường ở nước chúng tôi. Không có người ngoại quốc nào lại không được chúng tôi đón tiếp ân cần. Làm sao chúng tôi có thể từ chối những con người của nước Pháp, là một vương quốc lừng lẫy nhất hoàn cầu, vì lòng yêu mến nước chúng tôi đã mong muốn lui đến đây để mang cho nước chúng tôi hàng hóa”. Lá thư cũng thẳng thừng từ chối đề nghị truyền đạo với lý do cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những luật lệ mà nhà nước xưa nay đã đề ra, ngăn cấm việc truyền đạo.
Những việc tiếp sau là khó khăn bất lợi cho việc giao thương của người Pháp ở Đàng Ngoài. Năm 1682, Hà Lan đánh chiếm Bantam, trục xuất thương điếm làm Pháp mất chỗ dựa. Những quà tặng của vua Lê – chúa Trịnh gửi vua Lui XIV khi về đến bờ biển Madagaxca đã bị sóng đánh đắm hết. Chúa mới Trịnh Căn tỏ ra dè dặt với những đề nghị của người Pháp.
Sau năm 1682, không còn một thương thuyền nào của CIO được cử đến Đàng Ngoài. Thậm chí năm 1683, CIO còn bị cáo buộc chống lại sứ mệnh truyền giáo của Hội truyền giáo Pari (MEP). Các giáo sĩ còn cho rằng, thương điếm Đàng Ngoài của Pháp thực chất chỉ là cái danh. Người ta cử Chapelain đến đây để dạy cho dân chúng ở đây cách làm ăn buôn bán thôi.
Từ năm 1685, sau khi Trung Quốc mở một số thương cảng cho người phương Tây cùng với sự suy thoái của thương mại VOC – Đàng Ngoài từ thập niên 50 của thế kỷ XVII, các thương nhân châu Âu có xu hướng tìm đến thị trường Trung Quốc. Cảng Quảng Châu được mở rộng đã thu hút số lượng thương thuyền từ khắp nơi đến buôn bán. Đối với Pháp, việc thâm nhập vào thị trường Đại Việt đã có sự chuyển hướng mà trọng tâm là một số địa điểm của Đàng Trong, nhưng cũng không có kết quả.
Theo như nghiên cứu của F.Mantienne, số hàng hóa đem đến thị trường Đàng Ngoài của tàu buôn Tonquin do CIO cử đến tập trung vào các mặt hàng chính với số lượng như sau:
1. Vũ khí và các mặt hàng chiến lược, gồm: hai khẩu đại bác làm quà tặng, diêm tiêu, lưu huỳnh.
2. Dạ châu Âu: loại mịn của Pháp, các màu như đỏ, sẫm.
3. Đồng bạc réaux: theo yêu cầu tiền đồng, bạc Đàng Ngoài, gồm bạc nén và bạc đúc tiền.
4. Hạt tiêu, phần lớn để xuất sang Trung Quốc.
5. Vải bông Ấn Độ, gồm vải trắng thô, Chitte (loại vải bông, hoa văn để vẽ in), Palempore (loại vải được trang trí vẽ hoa), Barampoux, loại vải sợi nhuộm kẻ carô.
6. Gỗ đàn hương: xuất sứ từ đảo Timor (Indonexia) được bán sang Trung Quốc (10).
Trong khi đó, các mặt hàng được các tàu Tonquin và Saint Joseph (đến Đại Việt năm 1682) nhập từ thị trường Đàng Ngoài phần lớn chỉ là những hàng mẫu, như: tơ, lụa, xạ, vàng… Mặc dù đã có những mặt hàng nhất định được trao đổi trong quan hệ giao thương giữa Đàng Ngoài và CIO qua thương điếm của Pháp, nhưng sự giao thương đó chưa có chứng cứ và số liệu rõ ràng. Hơn nữa, các sản phẩm trên thường dùng làm quà biếu, hàng mẫu và hàng tái xuất sang Trung Quốc. Do vậy, thực tế thương điếm của Pháp ở Đàng Ngoài chỉ đóng vai trò như một nơi trung chuyển để chở tiếp hàng sang Trung Quốc.
Như vậy, trong số những nước phương Tây đến Đại Việt trừ Bồ Đào Nha, các nước Hà Lan, Anh, Pháp đều lập thương điếm thực hiện việc buôn bán với Đại Việt. Ở những mức độ khác nhau, các thương điếm này đã hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu của các nước phương Tây trên con đường xâm nhập vào thị trường của các nước phương Đông. Điều này cũng có những tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Đại Việt ở thế kỷ XVII.
2. Đặc điểm của các thương điếm phương Tây ở Đại Việt thế kỷ XVII
Thứ nhất, điều dễ nhận thấy là hầu hết thương điếm của các nước phương Tây ở Đại Việt đều chủ yếu được xây dựng ở các thương cảng lớn của Đàng Ngoài: Kẻ Chợ, Phố Hiến. Ngoại trừ trường hợp duy nhất là thương điếm Hội An của người Hà Lan (1633 – 1654) ở Đàng Trong nhưng hoạt động buôn bán cũng nhanh chóng suy tàn.
Nguyên nhân làm nên đặc điểm này một phần do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Kẻ Chợ và Phố Hiến rất thuận lợi để tàu thuyền phương Tây có thể đến Đại Việt đặt quan hệ buôn bán. Một phần khác khá quan trọng có lẽ là do chính sách cởi mở của chính quyền Lê – Trịnh đối với các khách buôn phương Tây trong thế kỷ XVII.
Chẳng hạn, đối với thương khách Hà Lan, do có nhu cầu giúp đỡ về quân sự cũng như vũ khí trong chiến tranh với họ Nguyễn, nên triều đình Lê – Trịnh đã rất dễ dãi cho phép họ buôn bán ở Đàng Ngoài. Người Hà Lan sau 8 năm, kể từ năm 1637 đã bắt đầu được triều đình Lê – Trịnh cho lập thương điếm ở Phố Hiến, thì năm 1645 đã được phép dời trụ sở chính của thương điếm lên Kinh thành. Không những vậy, người Hà Lan còn được phép cư trú và xây dựng nhà cửa tại Kinh thành. Đây là một trong những ưu đã rất đặc biệt của chính quyền Lê – Trịnh giành cho thương khách Hà Lan.
Đối với thương khách Anh cũng vậy. Họ là loại khách thứ hai thuộc phương Tây được phép vào trú ngụ và lập thương điếm tại Thăng Long.
Những sự việc trên đã góp phần kích thích được nền ngoại thương của Đại Việt tiến triển thêm những bước mới.
Thứ hai, hầu hết các thương điếm này đều ra đời và hoạt động trọn vẹn trong thế kỷ XVII. Cuối thế kỷ XVII, lần lượt các thương điếm lớn của các nước phương Tây đều chấm dứt hoạt động tại Đại Việt và chuyển sang khu vực khác hiệu quả hơn, ngoại trừ thương điếm của người Pháp. Tuy vậy, hoạt động buôn bán của thương điếm Pháp thực sự không có hiệu quả và thua xa người Hà Lan, người Anh. Đầu thế kỷ XVIII, hoạt động của thương điếm này kết hợp chặt chẽ với những hoạt động của MEP. Và thương điếm của Pháp trở thành căn cứ bàn đạp để người Pháp tiến hành công cuộc xâm lược Việt Nam vào thế kỷ kế tiếp.
Có nhiều lý do khiến cho các nước phương Tây sớm rút khỏi Đàng Ngoài, như: nền kinh tế Đàng Ngoài còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế ngoại thương; sự vươn lên mạnh mẽ của các thị trường khác trong khu vực; chính sách của nhà nước phong kiến chưa phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu buôn bán đương thời…Có thể tạm lý giải mấy nguyên nhân sau đây:
Một là, việc buôn bán với các nước phương Tây không xuất phát từ yêu cầu chung của nền kinh tế mà từ lợi ích riêng biệt của chính quyền phong kiến, như về vũ khí phục vụ cho cuộc chiến, hoặc vì những lợi ích khác. Thậm chí, khi không đạt được mục đích thì các chúa lại sẵn sàng khước từ việc buôn bán. Một thương khách Hà Lan đã than phiền: “Vì công ty đã giúp đỡ trong cuộc chiến tranh với Đường Trong, chúa không đòi hỏi gì hết trong những năm 1642 và 1643. Nhưng chúa không hài lòng về sự giúp đỡ quá ít ỏi năm vừa qua, chúa lại đòi phải nộp như trước, rồi cuối cùng, chúa cũng nhận một số dưới 50.000 lạng bạc” (11).
Thế kỷ XVII, những cuộc xung đột giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn còn diễn biến khá phức tạp, cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều có nhu cầu thiết lập quan hệ buôn bán với các nước phương Tây, vừa là để tìm một đồng minh vững chắc, vừa là tìm người cung cấp vũ khí cho cuộc chiến tranh của hai bên. Thế kỷ XVIII, chiến tranh Trịnh – Nguyễn tạm ngưng, nhu cầu mua vũ khí của phương Tây giảm sút. Việc buôn bán với phương Tây cũng sa sút dần.
Hai là, nhà nước không có những quy định rõ ràng trong việc giao thương với các nước ngoài đến Đại Việt. Cuối thế kỷ XVII, thương khách người Anh đã than phiền về việc không có luật lệ viết thành văn ở Đường Ngoài, làm khó khăn rất nhiều cho những người nước ngoài đến buôn bán ở đây.
Bên cạnh đó, nhà nước phong kiến Lê – Trịnh còn có những ứng xử thiếu công bằng đối với các khách buôn đến Đại Việt. Chẳng hạn, việc phải nộp trước một ít bạc khi đặt hàng không được thực hiện đối với tất cả các loại thương khách mà chỉ thực hiện đối với thương khách đến từ châu Âu, không áp dụng đối với những thương khách đến từ châu Á, cụ thể là khách buôn Hà Lan chứ không phải khách buôn Trung Quốc. Việc này đã được phản ánh trong báo cáo của thương khách Van Ricbeek như sau: “Đối với những người Trung Quốc, người bản xứ có cảm tình hơn là đối với người Hà Lan…Người Trung Quốc không phải nộp bạc trước cho chúa để mua tơ. Nếu người Hà Lan nâng cao giá lên một chút để cạnh tranh với người Trung Quốc, thì lần sau chúa sẽ trao cho họ số tơ ít đi so với số bạc đã từng ứng ra” (12).
Ba là, sự nhũng nhiễu và thiếu minh bạch trong việc thực thi nhiệm vụ của các quan lại thừa hành..
Trong khi phía nhà nước không có thái độ rõ ràng thông qua những chính sách về ngoại thương, thì những quan lại thừa hành lại góp thêm một bước cản trở nữa. Tình hình này được một khách buôn Hà Lan phản ánh như sau: “Các quan lớn trong triều hiện nay gây khó khăn cho người Hà Lan…Họ cố vét tất cả tơ đã sản xuất ra ở các cửa hàng, khiến cho người Hà Lan không thể nào không mua chuộc các quan lớn đó nếu muốn mua được tơ” (13). Hoặc là “Năm 1647, các quan lớn trong triều cho tung tin trong khắp xứ là có lệnh cấm không cho bán tơ cho người Hà Lan”. Tuy gặp khó khăn như vậy nhưng vì lợi nhuận trong buôn bán, họ cũng nhận thấy rất rõ rằng: “Kết tội bọn hoạn quan trước mặt chúa là một việc làm vô ích, đó là húc đầu vào tường. Của cải và tính mạng của nhân viên công ty lập tức bị đe dọa, và có thể phải bỏ hẳn việc buôn bán với Đàng Ngoài” (14).
Bốn là, do nền sản xuất của Đại Việt còn khá manh mún, lạc hậu. Người sản xuất chưa quen với việc làm ăn lớn nên không thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra của khách hàng.
Khách buôn nước ngoài muốn mua được nhiều sản phẩm tự nhiên hoặc mặt hàng thủ công chế biến từ sản phẩm tự nhiên ở Việt Nam thì lại gặp thêm một khó khăn nữa là tàu buôn của họ phải lưu lại ở Việt Nam khá lâu, vì phải chờ sản xuất sau khi đặt mua hàng. Chẳng hạn, đối với hai mặt hàng tơ và đường, tuy chỉ là sản phẩm thủ công của nước ta nhưng mỗi khi khách đến mua được đủ hàng cũng phải chờ hàng tháng trời, có khi ba, bốn tháng trời.
Chính những điều bất cập trên đã khiến cho việc buôn bán với các nước phương Tây tuy có đem lại lợi nhuận cho họ, song họ vẫn nhận thấy có sự khá phiền phức. Và cuối cùng, khi không đáp ứng được yêu cầu của họ thì họ sẵn sàng rút lui, tìm đến nơi nào có nhiều lợi nhuận hơn. Tình hình này xảy ra vào đầu thế kỷ XVIII khi một thị trường rộng mới, lớn hơn, hấp dẫn hơn được mở ra ngay cạnh Việt Nam, đó là thị trường ở Quảng Đông (Trung Quốc).
3. Vai trò của các thương điếm phương Tây đối với nền kinh tế Đại Việt thế kỷ XVII
Thế kỷ XVII đi vào lịch sử nhân loại như một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của ngoại thương thế giới khi tuyến buôn bán trực tiếp Á – Âu được thiết lập từ thế kỷ trước được củng cố và mở rộng. Là một mắt xích quan trọng trong hệ thống thương mại châu Á được các nước phương Tây thiết lập trong thế kỷ XVII, với những hoạt động sôi nổi của các thương điếm Hà Lan, Anh…, Đại Việt đã chịu những ảnh hưởng và tác động trực tiếp của luồng thương mại kể trên.
Thứ nhất, sự mở rộng của nền ngoại thương Đại Việt trong thế kỷ XVII, trong đó có sự ra đời và hoạt động của các thương điếm phương Tây đã đưa tới sự hình thành của hệ thống thương mại liên hoàn Doméa – Phố Hiến – Kẻ Chợ ở Đàng Ngoài. Trong đó, Doméa là bến đỗ, nơi lưu trú của thủy thủ đoàn ở vùng cửa sông. Phố Hiến mang trong mình cả chức năng thương mại và tuần ty, nhưng chức năng là một tuần ty nổi bật hơn cả. Thăng Long – Kẻ Chợ là trung tâm thương mại chủ đạo – nơi hàng hóa xuất khẩu được sản xuất và tập trung về để thương nhân ngoại quốc cất hàng đưa đi bán khắp thị trường khi vực và châu Âu.
Trong bài viết “Hải cảng miền Đông Bắc và hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVII (Qua các nguồn tư liệu phương Tây)”, tác giả Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Sự thịnh đạt của ngoại thương Đàng Ngoài thế kỷ XVII có liên quan trực tiếp đến sự ra đời và phát triển của hệ thống thương mại xoay quanh trục chính là “sông Đàng Ngoài” với 3 khu vực đảm trách 3 chức năng riêng biệt nhưng gắn bó khá cơ hữu với nhau” (15).
Tác giả cũng cho rằng, sự hình thành của hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVII chính là điểm đưa đến sự khác biệt căn bản với ngoại thương Đại Việt ở các thế kỷ trước đó.
Trong thế kỷ XVII, người nước ngoài được phép đến tận các làng xã lân cận để đặt và mua tơ lụa…và người địa phương được quyền đến tận các thương điếm của nước ngoài để bán sản phẩm – mặc dù luôn bị bọn quan lại cản trở. Người ngoại quốc được đi lên kinh đô buôn bán tự do sau khi đã nộp đủ số lượng vốn nhất định cho vua chúa và quan lại để thu mua sản phẩm từ những người này…Trên phương diện lý thuyết giao lưu thương mại, những thay đổi căn bản trên ở miền Đại Việt trong thế kỷ này đã phần nào cởi bỏ được sự o ép trong thông thương trước đây và nhìn chung phù hợp với mô hình phát triển thương mại giữa các vùng nội địa.
Thứ hai, sự hoạt động tích cực của các thương điếm phương Tây ở Đại Việt, nhất là thương điếm Hà Lan và Anh cũng là một trong những nhân tố kích thích nhu cầu cải tiến và phát triển kỹ thuật trong thủ công nghiệp. Thêm nữa, do tính chất buôn bán chủ yếu của thương nhân nước ngoài – chủ yếu bằng thuyền và ở lại có thời hạn, nên phương thức sản xuất một số mặt hàng thủ công của Đại Việt phải có những thay đổi để đáp ứng với yêu cầu và thị hiếu của họ.
Thứ ba, với những hoạt động tích cực của các Công ty Đông Ấn phương Tây, gần
hơn là của các thương điếm phương Tây tại Đại Việt đã đưa Đại Việt trở thành một mắt xích hữu cơ trong các luồng hải thương liên hoàn kết nối thế giới Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á và châu Âu. Tơ lụa của Đại Việt đã thu hút các thương nhân Hà Lan, Anh, Pháp…đến buôn bán ở Đại Việt trong những thập niên đầu của thế kỷ XVII. Kế đến là sản phẩm gốm sứ của Đại Việt cũng trở thành thương phẩm hấp dẫn thị trường Đông Nam Á hải đảo trong các thập kỷ tiếp theo.
Bên cạnh những tác động rất tích cực của hệ thống thương điếm phương Tây đối với nền kinh tế Đại Việt trong các thế kỷ XVII thì sự tồn tại của các thương điếm này cũng là “cầu nối quan trọng” đưa các nước phương Tây can thiệp bằng quân sự để chiếm thị trường và đất đai của Đại Việt một cách dễ dàng hơn. Điều này đã được minh chứng qua hoạt động thương mại của Công ty Đông Ấn Pháp mà trung gian là thương điếm Pháp ở Đại Việt và Hội truyền giáo Pari (MEP) những năm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII và cuộc xâm lược vũ trang của Pháp vào Đại Việt nửa sau thế kỷ XIX.
Xem xét toàn bộ hoạt động của CIO ở Đại Việt thì điểm nổi bật nhất là sự liên hệ chặt chẽ, tương hỗ “mang tính chất tự nhiên” giữa CIO và MEP. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn cho rằng, MEP gần như có mặt trong tất cả các hoạt động thương mại của CIO trên đất Đại Việt nói chung và ở Viễn Đông nói riêng.
Bản thân sự ra đời của CIO là dựa trên mô hình của VOC và EIC nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng quan hệ ngoại thương của Pháp. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong mối quan hệ thương mại giữa CIO và Đại Việt là số lượng trao đổi hàng hóa. Nguyên nhân là do người Pháp hiểu biết về thị trường Đại Việt tương đối muộn hơn so với các nước châu Âu khác. Mặt khác, họ cũng không phải là những thương nhân có nhiều kinh nghiệm. Ngay cả khi EIC, VOC đã rút lui khỏi thị trường Đại Việt cuối thế kỷ XVII, CIO vẫn không rút ra được những bài học cần thiết cho quá trình thâm nhập vào thị trường Đàng Trong ở đầu thế kỷ XVIII. Do vậy, trọng tâm hoạt động thương mại của CIO nói chung và thương điếm Pháp ở Đại Việt nói riêng trong thế kỷ XVIII đã chú ý nhiều hơn đến việc chiếm đất làm thuộc địa. Thêm nữa, nhu cầu mở rộng ngày càng lớn của MEP trên đất Đại Việt khiến cho tư bản Pháp đã bắt đầu quá trình giành giật thị trường, chiếm đất với vai trò đáng kể của các giáo sĩ. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng cho quá trình xâm lược Việt Nam vào thế kỷ XIX của tư bản Pháp.
Kết luận
Sự ra đời và hoạt động của các thương điếm phương Tây trong nền kinh tế Đại Việt thế kỷ XVII đã tạo ra một thời kỳ giao thương Đông – Tây sôi nổi, hiếm có trong tiến trình lịch sử trung đại Việt Nam. Vị trí và vai trò thực sự của các thương điếm phương Tây trong nền kinh tế Đại Việt thế kỷ XVII còn cần xem xét, khảo cứu qua nhiều công trình khoa học khác. Tuy nhiên, cũng không vội vàng khi khẳng định, sự có mặt của các thương điếm phương Tây ở Đại Việt thời kỳ này đã góp phần tô điểm thêm sự đa dạng trong bức tranh nhiều màu sắc của kinh tế ngoại thương Đại Việt thế kỷ XVII.
——–
CHÚ THÍCH (1). Thương điếm là những cơ sở buôn bán của các nước phương Tây, là nơi đặt cửa hàng, kho chứa hàng hóa, phòng làm việc của thương nhân nước ngoài. Liên quan mật thiết đến hoạt động của các thương điếm này là công ty Đông Ấn. Đó là công ty thương mại của một số nước châu Âu hoạt động ở phương Đông (các nước Đông Á và Đông Nam Á). Về nguyên tắc, đó là công ty của những tập đoàn tư bản doanh nghiệp tư nhân, nhưng đồng thời cũng được sự hỗ trợ rất lớn về nhiều mặt của chính phủ. Các công ty này có chức năng: thám hiểm, thăm dò, bang giao chính trị, thực hiện buôn bán và nếu cần thiết thì can thiệp quân sự và chiếm đất. Sự hoạt động của các Công ty Đông Ấn thông qua hoạt động của các thương điếm đặt tại các nước phương Đông mà người phương Tây muốn xâm nhập vào. Như vậy, Công ty Đông Ấn thương điếm giống nhau vì đều là những cơ sở thương mại của các nước phương Tây đặt ở các nước phương Đông nhưng khác nhau ở quy mô, phạm vi hoạt động. Một là cơ quan mẹ (Công ty Đông Ấn) thực hiện chức năng cả về chính trị – kinh tế. Một đóng vai trò như những chi nhánh (thương điếm), hoạt động thuần về kinh tế, hỗ trợ cho hoạt động của cơ quan mẹ. (2). Charles B.Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, NXB Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.38 (3). K.Hartsinck là giám đốc đầu tiên (1637 – 1640). Giám đốc thứ năm (1659 – 1663) Henrik Baron đã lấy một người vợ Việt, sinh ra Samuel Baron, sau này gia nhập quốc tịch Anh và trở thành nhân viên Công ty Đông Ấn Anh, là tác giả của tập du ký nổi tiếng Mô tả vương quốc Đàng Ngoài. (4). Xin xem thêm: Hoàng Anh Tuấn, Mậu dịch tơ lụa của Công ty Đông Ấn Hà Lan với Đàng Ngoài, 1637 – 1670, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3+4/2006 (5). Li Tana, Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999, tr.74 (6). Charles B.Maybon, Sđd, tr.38 (7). W.Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, NXB Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.67
(8). A.Farrington, Pho Hien – the centre of international commerce (XVII – XVIII), Hà Noi, 1994, p.137 (9). Charles B.Maybon, Sđd, tr.53 (10). Dẫn theo: Nguyễn Mạnh Dũng, Về hoạt động của công ty Đông Ấn Pháp với Đại Việt (nửa cuối thế kỷ XVII – giữa thế kỷ XVIII), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9/2006, tr.56 (11). Dẫn theo: Trần Thị Vinh, Nhà nước Lê Trịnh đối với nền kinh tế ngoại thương ở thế kỷ XVI – XVIII, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 12/2007, tr.32 (12). Dẫn theo: Trần Thị Vinh, Sđd, tr.32-33 (13). Dẫn theo: Trần Thị Vinh, Sđd, tr.33 (14). Dẫn theo: Trần Thị Vinh, Sđd, tr.33 (15). Hoàng Anh Tuấn, Sđd, tr.56-57
——
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Charles B.Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, NXB Thế giới, Hà Nội, 2006, 301 trang.
2. Charles B.Maybon, Thương điếm Anh ở Đông Kinh thế kỷ XVII (1672 – 1679), NXB Thế giới, Hà Nội.
3. Nguyễn Mạnh Dũng, Về hoạt động của công ty Đông Ấn Pháp với Đại Việt (nửa cuối thế kỷ XVII – giữa thế kỷ XVIII), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9/2006, tr.51 – 64.
4. Jean Baptiste Tavernier, Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, NXB Thế giới, Hà Nội, 2005, 106 trang.
5. Pho Hien – the centre of international commerce in the XVIIth – XVIIIth centuries, The Gioi Publicsher, Ha Noi, 1994, 262 pages.
6. Lê Nguyễn, Xã hội Đại Việt qua bút ký của người nước ngoài, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2007, 207 trang.
7. Trần Thị Vinh, Nhà nước Lê – Trịnh đối với nền kinh tế ngoại thương ở thế kỷ XVI – XVIII, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 12/2007, tr.25 – 35.
8. W.Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, NXB Thế giới, Hà Nội, 2006, 121 trang.
Nguồn: http:36phophuong.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến