Đổi avatar hình cờ đỏ sao vàng, đăng album nhạc cách mạng hay chia sẻ những cảm xúc khó quên về ngày 30/4… là những hoạt động nổi bật nhất trên Go.vn thời điểm này.
>> Hàng loạt website Việt Nam “tắt đèn” hưởng ứng Giờ trái đất
>> Cộng đồng mạng quyên góp giúp nạn nhân Nhật Bản
Các thành viên trên Go.vn thi nhau đổi avatar hình cờ đỏ sao vàng.
Kỳ nghỉ 30/4-1/5 sẽ bắt đầu từ ngày mai và kéo dài tới hết ngày thứ ba tuần kế tiếp. Chắc hẳn mỗi người đều đã có dự định riêng cho mình trong kỳ nghỉ lễ đặc biệt này. Trên Mạng Việt Nam Go.vn, thành viên goGeek đã có một bài viết thật cảm động kêu gọi các bạn cùng đổi avatar để chào mừng ngày 30/4.
“Ngày đó đã cách đây ba mươi sáu năm, khi tôi và các bạn còn chưa ra đời. Nhưng mỗi lần nghe hai bài hát Đất nước trọn niềm vui và Như có Bác trong ngày vui đại thắng, niềm tự hào, hân hoan lại dâng lên trong lòng tôi đến bồi hồi khó tả. Ngày còn bé tí, được bố mẹ kể về chiến thắng 30/4, tôi rất thích vì quân ta chiến thắng. Lớn lên một chút, được xem phim Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, đọc truyện Sau cành violet, X30 phá lưới, tôi thật tự hào, ngưỡng mộ sự gan dạ, mưu trí của các chiến sĩ giải phóng”.
Những dòng tâm sự chân thành của goGeek nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng. Ngay lập tức, bài viết “Đổi avatar mừng chiến thắng 30/4 nào các bạn!” đã nhận được hơn 350 lượt xem và 10 lượt thích. Và điều ý nghĩa nhất chính là việc nhiều thành viên Go.vn đã đồng loạt đổi avatar hình cờ đỏ sao vàng Việt Nam.
Không chỉ đổi avatar, thành viên Bảo Hân còn đăng liên tiếp hai album nhạc “Bài ca đất nước” và “Như khúc tình ca” gồm rất nhiều bài hát cách mạng. Có những bài hào hùng như Đất nước trọn niềm vui, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh… và cũng có những ca khúc trữ tình da diết như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Sợi nhớ sợi thương… Cùng âm hưởng nhạc cách mạng đón 30/4, bạn Mèo ú up album nhạc “Trường Sơn – Những năm tháng không thể nào quên”.
Bạn Siêu quậy rùa hôm 28/4 đăng bài viết “Những hình ảnh giải phóng Sài Gòn” trên blog của mình. Ngắm nhìn lại những hình ảnh của một thời đã qua, hẳn không ít bạn trong số chúng ta cảm thấy bồi hồi, xúc động. Còn bạn Lê Thị Thùy Trang cũng đăng một bài rất hay về tình cảm cha con. Trong đó, có đoạn: “Trong năm có khá nhiều ngày lễ để con nhớ đến ba, nào là sinh nhật của ba nè, nào là ngày lễ Father’s Day, hay là ngày Giáng sinh, ngày Tết…
Đó là những ngày mà đứa con nào cũng đều nghĩ đến cha mẹ, nhất là cha của mình. Nhưng riêng đối với con, ngày 30.4 hàng năm mới là một ngày thật quan trọng và con luôn nhớ đến ba thật nhiều, bởi nó là một dịp để con càng thêm quý yêu ba hơn vì ba đã cho con một món quà quý giá, một tình yêu thương đặc biệt, một niềm hạnh phúc vô biên. Nếu ba đã quyết định ngồi lại trên máy bay chứ không về nhà tìm mẹ và con thì có lẽ con sẽ sướng hơn về vật chất và gia đình ta đã được đi Mỹ sớm hơn…
Nhưng cả một thời thơ ấu và đến khi khôn lớn, con sẽ không có được sự hiện diện của ba bên cạnh mình mỗi ngày; con sẽ thiếu đi hẳn tình yêu thương của một người cha, thiếu đi sự hướng dẫn dạy bảo của ba và thiếu cả cái cứng rắn và nghị lực phi thường mà chỉ có người cha mới có thể trao tặng cho con”.
Trước đó, vào 27/4, Mạng Việt Nam Go.vn đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với bốn chiến sĩ lái xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập đúng ngày 30/4/1975. Đó là Trung úy Vũ Đăng Toàn (chỉ huy xe), Trung sĩ Nguyễn Văn Tập (lái xe), Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1) và Thiếu úy Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2). Trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy chiếc xe tăng mang số hiệu 390 bùi ngùi nhớ lại thời khắc lịch sử 36 năm trước: “Khi quyết định cho xe tăng 390 húc đổ cổng chính dinh Độc Lập, tôi cũng chỉ mong giành được thắng lợi nhanh nhất, để đồng đội không phải đổ thêm xương máu nữa vì chiến tranh rất ác liệt, chứ chẳng nghĩ riêng tư gì…”.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham khảo một số thông tin về các hoạt động kỷ niệm nhân dịp 30/4-1/5 trên phiên bản mới của goNews. Tại Đà Nẵng, lễ hội pháo hoa quốc tế chắc chắn sẽ thu hút sự tham gia của rất nhiều người. Tại Huế, có lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2011 từ 30/4 đến 3/5. Festival được tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn (kéo dài từ cửa Quảng Đức cho đến cửa Thượng Tứ), Phu Văn Lâu và đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Tại thành phố Hồ Chí Minh, sẽ diễn ra lễ Khai mạc Triển lãm 36 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và Kỷ niệm 125 năm ngày Quốc tế Lao động.
Theo ICTnews
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/04/84546
0 nhận xét:
Đăng nhận xét