Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Internet ngày càng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì thế hầu hết các nhà lãnh đạo đều cho rằng ưu tiên hàng đầu của các quốc gia đang phát triển sẽ là cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các công dân được kết nối.


>> Ngày càng nhiều nông dân Mỹ “sống nhờ” Internet

>> Ấn Độ: Thiếu truy cập Internet đe dọa tăng trưởng

>> Internet đóng góp cho nền kinh tế Australia 50 tỷ AUD

>> Internet xóa sổ 500.000 nghề trên thế giới


Internet là ưu tiên  hàng đầu của các quốc giaTiềm năng nâng cao chất lượng cuộc sống của Internet vẫn chưa được khai thác, tận dụng đầy đủ tại thế giới đang phát triển. Nơi đây, mới chỉ có 21% dân số được tiếp cận với Internet, trong khi ở thế giới phát triển con số đó là 69%. Trong một nghiên cứu được xuất bản đầu năm nay, hãng tư vấn toàn cầu McKinsey đã phát hiện ra Internet đóng góp 21% tăng trưởng kinh tế tại những nước phát triển. Tuy nhiên, các khu vực như châu Phi vẫn chưa được hưởng cơ sở hạ tầng băng rộng tiên tiến như các quốc gia phát triển, và thực tế này đã khiến các chính phủ phải nỗ lực khuyến khích các hãng viễn thông đầu tư vào mạng lưới di động cần thiết để đưa Internet đến với công chúng – đặc biệt trong bối cảnh công chúng có mức thu nhập khá thấp, khiến thời gian hoàn vốn và sinh lãi của các nhà đầu tư kéo dài.


“Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển không còn cách nào khác, họ không thể ngồi yên và chờ đợi, bởi các hoạt động trực tuyến sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế bên ngoài”, Joe Mucheru, Giám đốc Google ở khu vực châu Phi nói.


Cơ hội đầu tư


Lãnh đạo các quốc gia và các công ty công nghệ tham dự Diễn đàn Internet do Liên Hợp Quốc tài trợ trong tuần qua đã nói rằng cần mở rộng cơ sở hạ tầng như cáp quang biển và các mạng lưới không dây cho những thị trường có phương thức kết nối Internet chủ yếu qua ĐTDĐ. Dung lượng băng thông gia tăng và cạnh tranh mạnh mẽ sẽ giúp giảm giá thành và cho phép nhiều người kết nối hơn nữa.


Tin vui cho các quốc gia đang phát triển là một số các hãng viễn thông phương Tây đang đối mặt với sự bão hòa ở thị trường trong nước và vì thế buộc phải đặt cược vào các khoản đầu tư vào các quốc gia đang phát triển. France Telecom, hãng viễn thông Pháp đang tìm cách tăng gấp đôi doanh thu ở vùng Trung Đông và châu Phi lên 7 tỷ euro (9,5 tỷ USD) trong những năm tới. Hiện nay, France Telecom, với thương hiệu Orange, đã có mặt tại Ai Cập, Tunisia, Senegal và Kenya, cùng nhiều quốc gia châu Phi khác. Một trong những dự án mà hãng đang tiến hành là xây dựng đường cáp quang biển để cải thiện tốc độ kết nối Internet ở tây Phi. “Chúng tôi ưu tiên đầu tư vào cáp quang biển, nó sẽ giúp cải thiện tình hình Internet”, Thierry Bonhomme, người phụ trách mạng lưới tại France Telecom, nói.


Ngày nay, hầu hết lưu lượng Internet của châu Phi được thực hiện qua vệ tinh, dung lượng và tốc độ kết nối kém hơn nhiều so với các trục cáp liên châu lục.


Gỡ bỏ rào cản


Bitange Ndemo, một quan chức cấp cao của Bộ truyền thông Kenya cho rằng cần xem việc truy cập Internet tốc độ cao là một quyền của con người. “Nếu sử dụng băng rộng được xem là quyền con người, các chính phủ sẽ phải vào cuộc mạnh mẽ và lên kế hoạch đầu tư chi tiết, để không một ai không được tiếp cận với Internet băng rộng”, ông nói.


ĐTDĐ hiện là công cụ chính để truy cập Internet tại châu Phi. Vì thế, một số nhà sản xuất máy điện thoại như Nokia đang tích hợp các chức năng web vào các mẫu máy giá rẻ mới nhất của họ, để nhắm đến khách hàng khu vực này. Ngoài ra, Robert Pepper, Phó chủ tịch phụ trách chính sách công nghệ toàn cầu của Cisco, nói rằng các quốc gia châu Phi có thể nâng cao số dân tiếp cận với Internet bằng cách chuyển hệ thống truyền hình analog sang truyền hình kỹ thuật số và tận dụng băng tần dùng cho các trạm truyền hình cho các mạng lưới Internet không dây.


Các chuyên gia khuyến cáo những quốc gia nào đang áp đặt mức thuế cao và những chính sách cản trở các công ty xây dựng cáp ngầm kết nối châu lục với thế giới bên ngoài sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư của các đối tác và cơ hội sử dụng Internet của người dân, cũng như cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.


“Lâu nay, các hãng viễn thông quốc tế được xem là nguồn đầu tư nước ngoài và nguồn tiền tệ quốc tế. Hiện nay, nếu các chính phủ áp thuế, phí cao đối với việc xây dựng cáp, các công ty sẽ bỏ qua đất nước của họ”, Robert Pepper nói.





Theo ICTnews

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/10/142274

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến