Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Những chiếc smartphone hiện nay đang lưu rất nhiều thông tin, dữ liệu của người dùng – đó có thể là thông tin thẻ tín dụng, mật khẩu, địa chỉ, ảnh cá nhân, hoặc dữ liệu tài chính công ty. Vậy bạn cần chuẩn bị những gì để không phải lâm vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”?


>> 10 lý do người Việt nên chọn Android thay vì iPhone (P1)

>> Những “dế” gắn chức năng GPS giá mềm


Dùng mật khẩu


Việc quan trọng đầu tiên là bạn cần đặt mật khẩu cho chiếc điện thoại của mình. Nếu chiếc điện thoại quan trọng với bạn, lẽ dĩ nhiên bạn luôn muốn tránh khỏi nhưng con mắt tò mò và soi mói. Và hiển nhiên, một trong những cách bảo vệ tốt nhất vẫn là sử dụng mật khẩu. Chỉ cần sử dụng mật khẩu, bạn sẽ ngăn không cho những vị khách không mời gọi điện thoại, lướt web, hoặc truy xuất vào những ứng dụng và tài khoản cá nhân của bạn, và quan trọng là giúp bảo vệ những thông tin cá nhân bên trong. Tất cả các dòng smartphone hiện nay đều có tính năng đặt mật khẩu sử dụng. Bạn có thể đọc sách tham khảo hướng dẫn theo máy, hoặc nhờ cửa hàng bán điện thoại hướng dẫn cài giùm cho bạn.


Có thói quen sao lưu thường xuyên dữ liệu trên điện thoại


Hầu hết các dòng smartphone hiện nay đều phần mềm sao lưu (backup) đồng bộ dữ liệu sử dụng trên nền máy tính, cho phép bạn backup nhanh chóng, dễ dàng và an toàn các thông tin lưu trữ trên ĐTDĐ. Chẳng hạn với người dùng BackBerry, họ sẽ có phần mềm BlackBerry Desktop Software; còn iPhone sẽ có iTunes. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ kể cả khi có phần mềm mà bạn không thường xuyên backup dữ liệu thì cũng không có nghĩa lý gì. Nó cũng giống như việc máy tính bạn cài phần mềm diệt virus nhưng lại… quên không cập nhật cho chúng. Chính vì vậy, bạn nên để việc đó trở thành thói quen thường xuyên của mình.


Tốt nhất là mỗi lần kết nối smartphone với máy tính, bạn nên kích hoạt chức năng backup dữ liệu trên điện thoại. Còn nếu ít kết nối điện thoại với máy tính thì bạn cần phải đặt lịch backup thường xuyên cho mình. Rất nhiều chương trình đồng bộ desktop hiện nay cho phép người dùng chọn chế độ “backup tự động”. Có nghĩa là nó sẽ tự động backup dữ liệu trên điện thoại mỗi khi bạn kết nối chúng với máy tính. Nói chung, bạn nên quen với việc sao lưu và khôi phục dữ liệu trên điện thoại, bởi việc đó là rất cần thiết; và nếu càng backup thường xuyên thì lượng thông tin dữ liệu bị mất sẽ càng ít đi.


Chuẩn bị thông tin cho tình huống “cảm ơn và hậu tạ”


Đôi khi bản thân giá trị chiếc điện thoại lại không lớn bằng giá trị thông tin lưu trữ trên nó. Chính vì vậy, sẽ là một ý hay nếu bạn chuẩn bị sẵn những thông tin về bản thân, chẳng hạn như tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ…, rồi cho chúng hiển thị lên màn hình chính (home screen) của điện thoại, và tất nhiên là không quên kèm theo dòng chữ kiểu như: “Nếu ai nhặt được và trả lại chiếc điện thoại này, tôi xin hậu tạ số tiền …. đồng”. Số tiền “hậu tạ” càng lớn thì khả năng bạn nhận lại được điện thoại càng cao, bởi người nhặt được “của rơi” sẽ dễ dàng nhận ra giá trị chiếc điện thoại chỉ bằng một phần so với “mức thưởng” của bạn, và tất nhiên họ sẽ nghiêng về lựa chọn có lợi hơn.


Lấy ví dụ với dòng điện thoại BackBerry, bạn có thể bổ sung những thông tin trên bằng cách vào Options > Display > Message on Lock Screen. Với những dòng điện thoại không hỗ trợ tính năng này, hay đơn giản là người dùng không biết cách nhập thông tin thế nào thì có thể tạo một bức ảnh trong Photoshop hoặc bất cứ chương trình biên tập ảnh nào, rồi nhập các thông tin này vào, copy ảnh vào điện thoại và đặt nó thành wallpaper của màn hình chính là xong. Còn nếu không, thì cũng có thể để sẵn một chiếc bưu thiếp trong túi da đựng điện thoại (nếu có) để người nhặt được “của rơi” liên hệ khi cần.


Luôn giữ danh sách số điện thoại quan trọng bên mình


Có lẽ cách làm thủ công này vẫn giúp đảm bảo nhất trong trường hợp mất điện thoại mà bạn lại cần liên lạc ngay với một người quan trọng nào đó, như khách hàng chẳng hạn. Tất nhiên, nếu chỉ có một, hai hoặc vài khách hàng quan trọng thì bạn có thể nhớ số điện của họ mà không cần phải ghi ra giấy làm gì. Nhưng nếu đó là một danh sách khách hàng quan trọng thì giải pháp tốt nhất là bạn vẫn cần phải làm thủ công ghi ra giấy để đề phòng bất trắc. Có thể bạn sẽ tìm thấy nhiều số điện thoại chăm sóc khách hàng trên mạng, nhưng những số không có trên mạng hoặc không có ở nơi đâu thì chắc chắn bạn nên ghi chúng ra giấy và để trong ví phòng khi cần tới.


Sử dụng dịch vụ định vị


Thực ra, tính năng này còn tùy thuộc vào nhà cung cấp mạng, nhưng nếu được hỗ trợ thì nó sẽ là công cụ rất tốt để bạn tìm lại chiếc điện thoại của mình. Ngoài ra, cũng tùy thuộc vào nhà mạng mà bạn có thể sử dụng tính năng xóa dữ liệu điện thoại hoặc khóa điện thoại từ xa, phòng khi kẻ xấu muốn tiếp cận thông tin cá nhân của bạn trên điện thoại. Lấy ví dụ như iPhone, người dùng của chúng có thể sử dụng dịch vụ MobileMe của Apple để xác định vị trí chiếc điện thoại bị mất, và có thể xóa dữ liệu từ xa. Còn BackBerry cũng có một dịch vụ tên là BlackBerry Protect với chức năng tương tự như MobileMe.


Mã hóa dữ liệu trên thẻ nhớ


Không phải chiếc smartphone nào cũng có tính năng này, thế nên bạn cần phải kiểm tra lại điện thoại xem chúng có hỗ trợ hay không. Với BlackBerry thì gần như các mẫu smartphone gần đây đều có tính năng mã hóa thẻ nhớ (Options > Security > Encryption > Media Card). Điện thoại của HTC cũng hỗ trợ rất tốt tính năng này, chẳng hạn như HD2, HD7…. Một số smartphone chạy Windows cũng cho phép người dùng mã hóa dữ liệu lưu trên thẻ microSD một cách khá đơn giản. Còn nếu điện thoại không có sẵn tính năng này thì người dùng có thể cân nhắc sử dụng các giải pháp mã hóa thông dụng như TrueCrypt.





Theo www.xahoithongtin.com.vn

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/05/84919

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến