Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bộ giải mã âm thanh uDAC2 của Nuforce kích thước tí hon nhưng âm thanh đĩnh đạc. Có nhiều sự bất ngờ thú vị ẩn chứa đằng sau lớp vỏ chỉ nhỉnh hơn chiếc bật lửa Zippo.

>> NuForce trình làng DAC không dây cho Apple
>> Ampli không dây đa dụng cho iOS
>> DAC ‘bỏ túi’ đầu tiên cho iPhone, iPod lộ diện
>> Chơi ampli cho… máy tính

NuForce uDAC 2 là sản phẩm bình dân nhất của hãng NuForce, được bán với giá khoảng 2 triệu đồng. Sản phẩm nhắm tới thị trường bình dân với mục tiêu cải thiện âm thanh từ laptop, nhưng lại có những phẩm chất của một thiết bị dành cho giới audiophile nghiêm túc.

Nuforce uDAC 2 nhỏ như cái bật lửa. Ảnh: Mikeshouts.

Nuforce uDAC 2 nhỏ như cái bật lửa. Ảnh: Mikeshouts.

Đây là một trong những bộ giải mã âm thanh có kích thước nhỏ nhất trên thị trường (68 x 38 x 21mm), chỉ nhỉnh hơn một chút so với kích thước của một chiếc bật lửa Zippo. uDAC 2 có thể khiến bất cứ ai cầm trên tay đều ngỡ ngàng vì khó hình dung ra làm sao một thiết bị công nghệ phức tạp lại có thể bé đến vậy. Tuy nhỏ nhưng uDAC2 có một lớp vỏ nhôm dày và chắc chắn. Mặt trước của máy có một núm volume và đường vào headphone mini, núm này cũng chính là công tắc nguồn. Mặt sau của máy có cổng USB in để kết nối với máy tính, một cổng coaxial để kết nối với bộ DAC ngoài và ngõ ra RCA để kết nối với ampli.

Tháo rời vỏ máy để quan sát bên trong, cảm nhận đầu tiên là thán phục trước sự thông minh trong thiết kế mạch điện của bộ DAC này. Máy có 2 bo mạch tí hon xếp chồng lên nhau, có thể tháo rời nhờ 2 hàng giắc kết nối linh hoạt. 2 linh kiện lớn nhất chiếm phần ba diện tích của các bo mạch là cụm USB và chiết áp volume. Do nhỏ gọn nên phần lớn linh kiện bên trong bộ DAC đều là loại dán (SMD). Kích thước bo mạch siêu bé cộng với việc sử dụng tối đa các linh kiện dán giúp đạt hiệu quả thiết kế về mặt kỹ thuật, đó là đường đi của tín hiệu cực ngắn, một yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với các thiết bị âm thanh số.

Bộ giải mã trong uDAC 2.

Bộ giải mã trong uDAC 2.

Linh hồn của một bộ giải mã luôn nằm ở chip DAC. NuForce uDAC 2 sử dụng chip giải mã 32 bit của hãng Sabre. Mặc dù hãng cố tình không tiết lộ thông tin gì và trên lưng chip DAC cũng không ghi ký hiệu của hãng sản xuất mà chỉ đánh các ký tự của NuForce, nhưng khi dùng các thiết bị đo kiểm, đối chiếu với tài liệu (datasheet) của nhà sản xuất, chắc chắn chip DAC được sử dụng trong NuForche uDAC2 là ESS9022 của Sabre.

Sabre là một nhà sản xuất đình đám hiện nay với các sản phẩm DAC hi-end có thông số kỹ thuật tốt nhất cho tới thời điểm hiện tại. Một loại chip DAC của hãng Sabre đang được ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị âm thanh đắt tiền và tốn rất nhiều giấy mực của các nhà thẩm định thiết bị là ESS9108 được sử dụng trong đầu Bluray Oppo 95 và nhiều bộ DAC đắt tiền trên thị trường. ESS9018 là loại DAC 32 bit được đánh giá là không có đối thủ với chất lượng âm thanh vượt trội so với các sản phẩm DAC khác trên thị trường

Tuy là sản phẩm rẻ tiền của hãng Sabre, song ESS9022 cũng hội tụ những thế mạnh về mặt công nghệ của dòng DAC đời mới 32 bit. Với ưu điểm nổi trội là được tích hợp nhiều chức năng trong một vỏ, nhỏ gọn và dễ thi công, ESS9022 cùng với người anh em của nó là ESS9023 đã được nhiều nhà sản xuất quan tâm. Trong thời gian gần đây, đã có những thiết bị âm thanh sử dụng loại DAC này xuất hiện trên thị trường, chẳng hạn Hiface MK3, được bán với giá gần gấp 4 lần uDAC 2.

Chiết áp Tocos cao cấp giúp đảm bảo chất lượng âm thanh.

Chiết áp Tocos cao cấp giúp đảm bảo chất lượng âm thanh.

Trở lại với uDAC 2, bộ DAC này sử dụng nguồn điện 5V lấy từ máy tính qua cổng USB. Nguồn điện này được cấp đến những IC ổn áp độc lập cho từng phần của mạch điện. Gần như mỗi một linh kiện tích cực đều có một ổn áp riêng để cấp điện nhằm giảm thiểu sự can nhiễu giữa các thành phần khác nhau của mạch. Các linh kiện trong máy đều là loại đạt tiêu chuẩn audio, như chiết áp volume Tocos, đồng hồ xung độ chính xác cao, giắc RCA mạ vàng, tụ lọc nguồn for audio… Mạch điện của uDAC2 được thiết kế theo kiểu tối giản. Đường ra analog được xuất thẳng, không qua tụ xuất âm để tránh bị ảnh hưởng “màu âm” của tụ.

uDAC 2 là thiết bị "plug and play".

uDAC 2 là thiết bị "plug and play".

Nuforce DAC 2 là thiết bị “plug and play”, không cần phải cài đặt khi kết nối với máy tính. Sử dụng một laptop Sony Vaio thông dụng làm nguồn phát, với nguồn âm là các file âm thanh dạng FLAC được lưu giữ trong ổ cứng, phối ghép uDAC 2 với một thiết bị cũng khá bình dân là tai nghe Sennheiser HD598. Âm thanh của combo này khá thuyết phục.

Thoạt tiên, ấn tượng ban đầu là sự chi tiết, khả năng bóc tách, tái hiện lớp lang các bản nhạc của thiết bị tí hon này. Bản hòa tấu “bốn mùa” của Vivaldi khi nghe qua bộ đôi thiết bị này khá hấp dẫn, không có cảm giác bị “mờ” như ở một số bộ dàn bình dân. Dải mid của uDAC 2 cũng khá truyền cảm. Giọng ca của Selena Jones trong bài You light up my life diễn tả đúng tâm trạng đầy thổn thức của một cô gái đã bị chàng trai đánh cướp mất trái tim. Khi nghe kỹ hơn, nhược điểm của sản phẩm lộ ra là có vẻ hơi chói ở giọng nữ cao. Tuy nhiên, khi đổi sang tai nghe đầu bảng của Sennheiser là HD800 thì âm thanh thay đổi “một trời một vực”. Tất nhiên là khó so sánh HD800 với HD598 vì quá khập khiễng, nhưng so với một số thiết bị DAC kiêm headamp đắt tiền chuyên dùng để phối ghép với HD800 thì chú bé uDAC2 tí hon này cũng không kém cạnh gì mấy.

Thử nghiệm uDAC2 với một bộ dàn tầm trung, lấy tín hiệu analog từ đường RCA kết nối với ampli. Chất lượng âm thanh của uDAC2 nhỉnh hơn so với đầu CD Sony có giá gần 10 triệu đồng khi thử với các bản nhạc cùng một nguồn gốc.

uDAC 2 giá khoảng 2 triệu đồng.

Nếu như mục đích của hãng NuForce là tạo ra một thiết bị bình dân nhằm nâng cấp âm thanh của card âm thanh onboard trên các máy laptop thì hẳn nhiên, mục đích đó đã đạt được. Không phải bàn cãi, uDAC2 cho chất lượng âm thanh hay hơn bất kỳ một sound card tích hợp nào. Song, không chỉ dừng ở đấy, đây là một bộ USB DAC hoàn toàn có thể so sánh bình đẳng với các loại sound card chuyên dụng và các USB DAC khác trên thị trường, thậm chí với các bộ DAC đắt tiền hơn nhiều lần. Tất nhiên, sản phẩm này còn có những điểm yếu, nhưng xét trên khía cạnh chất lượng – giá thành thì có thể nói đây là một chú bé hạt tiêu cần được nhìn nhận với tất cả sự kính trọng.

Nhận xét chung.

Ưu điểm
- Gọn, nhẹ, cơ động, sử dụng nguồn điện từ laptop.
- Chất lượng âm thanh khá.
- Dễ phối ghép với nhiều loại headphone (từ 16-300 ohm).
- Giá bình dân
Nhược điểm
- Hơi cường điệu ở dải cao.
- Ở mức âm lượng nhỏ, âm thanh chưa thực sự cân bằng giữa 2 kênh.

Theo Sohoa


Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến