Quốc hội Hà Lan đã nhất trí thông qua Luật trung lập Internet dành cho nước này, qua đó biến xứ sở cối xay gió thành quốc gia thứ hai trên thế giới hợp thức hóa bộ luật nói trên sau Chile.
>> The Pirate Bay tiếp tục rơi vào “tầm ngắm” của Hà Lan
>> EU ban hành bộ quy tắc bảo vệ thông tin cá nhân
>> Hiệp ước ACTA – Mối đe dọa mới đối với cộng đồng internet?
>> Internet được cởi nút “thắt cổ”
>> Chính phủ Đức dùng trojan “do thám “
“Mọi dữ liệu của thế giới mạng đều phải được đối xử công bằng” là nội dung nền tảng của Luật trung lập Internet - Ảnh minh họa: Internet
Năm 2011, Tập đoàn viễn thông Hà Lan KPN hé lộ một dự án buộc người dùng di động trả thêm phụ phí cho những dữ liệu sử dụng bởi các ứng dụng từ hãng thứ ba cho phép nghe gọi và nhắn tin miễn phí chẳng hạn như WhatsApp và Skype, khiến nhà mạng KPN bị mất thu nhập từ những dịch vụ truyền thống này.
Theo đó, nhà mạng KPN của Hà Lan bắt đầu dự án buộc những ai sở hữu các ứng dụng này phải trả thêm phụ phí, nếu họ nhắn tin hoặc nghe gọi thông qua ứng dụng phụ hay bất cứ ứng dụng VoIP (Voice over IP – dịch vụ đàm thoại qua Internet) nào khác. Động thái này nhanh chóng vấp phải nhiều phản đối.
Như một động thái đáp trả, Quốc hội Hà Lan khi đó nhanh chóng bổ sung dự luật trung lập Internet vào bộ luật thông tin viễn thông nước này.
KPN nhanh chóng rút lại tuyên bố của mình, nhưng Thượng viện Hà Lan khi đó đã yêu cầu Bộ trưởng kinh tế Maxime Verhagen bổ sung dự luật trung lập Internet vào bộ luật viễn thông sẵn có. Vị bộ trưởng chấp thuận yêu cầu này, cho rằng việc bắt người dùng bỏ thêm tiền chỉ để được dùng ứng dụng thứ ba là hành vi “vượt quá giới hạn”. Cũng chính vị bộ trưởng kinh tế đã có màn bảo vệ thành công quan điểm của mình trước các thành viên Hạ viện Hà Lan hôm 8-5.
Tuy vẫn còn một số điều khoản nội dung phải đợi đến năm 2013 mới có hiệu lực (theo quy định của Liên minh châu Âu), Quốc hội Hà Lan đã chính thức thông qua bộ luật này hôm 8-5.
Luật trung lập Internet hoạt động thế nào?
Bộ luật mới yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến Internet phải có nghĩa vụ “đối xử công bằng” với mọi dịch vụ Internet. Cụ thể, các công ty không được phép ưu tiên sản phẩm/dịch vụ của riêng mình hơn, cũng như thu thêm phụ phí từ người dùng sử dụng dịch vụ của hãng đối thủ.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một điểm chưa thật sự rõ ràng cho những dịch vụ không được cung cấp “thông qua Internet”, ví dụ: nhiều nhà mạng ADSL cũng như truyền hình cáp có dịch vụ cung cấp các bộ phim theo yêu cầu đến cho người dùng, thông qua chuẩn giao thức IPTV (Video over Internet Protocol). Tên gọi tuy là thế, song thực chất các nội dung giải trí này không hề được truyền tải đến tay người dùng qua mạng Internet “mở” truyền thống, mà chỉ thông qua hệ thống đường truyền riêng của chính nhà cung cấp dịch vụ đó. Vì thế, rõ ràng chúng không thuộc phạm vi được bảo vệ bởi bộ luật trung lập.
Tại Hoa Kỳ, Hãng truyền thông Comcast cũng đang tranh luận điều tương tự với giới chức nước này về hệ thống IP của riêng mình.
Ngoài việc ngăn chặn các tham vọng “móc túi” người dùng đối với một loại dữ liệu nhất định nào đó, nội dung của Luật trung lập Internet mang ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều. Nó còn được áp dụng để làm chậm (một cách có chủ đích) luồng lưu lượng dữ liệu thuộc về một hay nhiều ứng dụng hoặc dịch vụ nhất định, hay để ngăn chặn chính những dịch vụ hoặc ứng dụng “phạm luật”.
Cũng cần nói thêm, tuy “yêu cầu mọi nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet đối xử công bằng với mọi dịch vụ”, vẫn có một ngoại lệ – theo yêu cầu từ Tòa án Hà Lan – dành cho trang chia sẻ nội dung torrent tai tiếng The Pirate Bay. Chi tiết này liên quan đến việc Tòa án tối cao Hoa Kỳ trước đó đã ra phán quyết buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại nước này như BskyB, BT, TalkTalk, Telefonica, Virgin Media… chặn The Pirate Bay, do trang web này đã vi phạm điều 97A thuộc đạo luật về sáng chế, thiết kế và bản quyền Hoa Kỳ.
Theo Tuổi Trẻ Online
Link to full article
0 nhận xét:
Đăng nhận xét