Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Lại nói chuyện cụ Phạm Bân, bố vợ Hồ Quý Ly, giảng giải cho cháu ngoại về y đạo: "Có thứ vương y, có thứ bá y. Vương y là làm cho con người được âm dương điều hoà, trở về quân bình. Con đường ấy lâu và khó, nhưng bền gốc. Còn bá y thì giống như ông tướng cầm quân nóng nảy và quyết liệt. Nó nhanh đấy, tưởng như kết quả đấy, nhưng căn nguyên thì không dứt". (*)

Ông Nguyễn Điền cũng là một danh y thời đó, là người cũng thân thiết với ông Phạm Bân, có thể nói chuyên về Bá y. Lúc chữa bệnh cho vua Trần Thuận Tôn chủ ý sử dụng thuốc kích dương, để giúp vua nhanh chóng thoát khỏi trạng thái sốc về tinh thần sau cái chết của người anh.

"Ông lang Nguyễn Điền cắt thuốc cho ông vua con, toàn những vị đại bổ, những vị kích thích sự sống. Thêm vào đó, ông cắt vài lát thân cây leo đỏ quánh, thứ cây thuốc bí truyền của riêng gia đình ông. Điền nói với Nguyễn Cẩn:
- Cái thứ giây leo này đã một lần làm cho nhà ta vinh hiển, con có biết không?"


Trong khi đó, ông Phạm Bân không thể đưa ra một cái hạn cho việc vua Thuận Tôn khỏi bệnh.

Nói thế để thấy, theo con đường bá y, có thể mang lại danh tiếng và thành tựu thật nhanh chóng.

****

Trong bài "Bàn về Hán Học", ông Phan Khôi đã chỉ ra cái sự học gồm có:  Cái học về nghĩa lý và Cái học về từ chương khoa cử.

"Nói rằng cái học nghĩa lý là nói gọn cho dễ nghe, chứ trong đó bao hàm nhiều việc lắm. Trong đó có một phần lớn tức ngày nay ta kêu bằng "triết học", xét về bản thể của vũ trụ, cùng tính mạng đạo đức là sự cần thiết cho sự sống của loài người; lại một phần nữa kêu là tu thân dạy về sự làm người cho đứng đắn; lại một phần nữa kêu là kinh tế, dạy về chánh trị kinh tế, cái cách để trị nước và an thiên hạ.

Bên Tàu từ đời Hán về sau, nhà vua lập ra phép thi, tức là khoa cử. Ban đầu cũng do theo cái học nghĩa lý của thánh hiền làm tiêu chuẩn, hễ ai tinh thông nghĩa lý thì được trúng cách, tức là thi đậu; nhưng sau rồi mỗi ngày một sai đi, mà cái học khoa cử đi một đường, còn nghĩa lý đi một đường. Khi họ bỏ quên phần nghĩa lý rồi, chỉ chuyên trọng về mặt từ chương. Từ chương tức là làm từ phú văn chương cho hay cho đẹp, lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự thi cử. Vì vậy nên nói luôn là từ chương khoa cử".

Cứ đó mà chiếu theo, thì cái học từ chương khoa cử nó bám theo xã hội chúng ta từ bấy tới nay. Cái học này nó cũng không khác gì cái bá y như đã nói ở trên, luôn mang lại những kết quả tức thời cho người thực hành theo nó. Và kết quả là, con người ngày càng xa rời cái gốc rễ của sự học.  

"Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cái cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa. Mà nói như vậy cũng còn chưa đúng, phải nói rằng ở giữa đám sĩ phu ta chẳng có cái gì là cái học!"



(*): Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh - NXB Hội Nhà Văn
 http://tiengchuongre.blogspot.com/2012/10/chuyen-y-va-chuyen-hoc.html?spref=fb

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến