Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012




Phần 1: Quá trình “Đổi mới” nhìn từ góc độ thể chế

Thể chế không phải là một công trình hay tổ chức, thể chế là các qui định theo đó các cá nhân, công ty và nhà nước tác động lẫn nhau.
            Nhìn từ góc độ thể chế thì 25 năm đổi mới kinh tế Việt Nam (1986 – 2010) là quá trình trao quyền và trách nhiệm cho các chủ thể được phân cấp; trước hết là nông dân và doanh nghiệp, cho phép họ tự quyết định hoạt động của mình, sau đến là sự phân cấp và trao quyền ở các lĩnh vực khác: phân cấp và trao quyền cho chính quyền cấp tỉnh và các cấp thấp hơn, cho các đơn vị hành chính và sự nghiệp, cho tòa án cà các cơ quan dân cử, cho các phương tiện truyền thông đại chúng và xã hội dân sự.
Việc trao quyền và phân cấp này đã đem lại những động lực cho sản xuất và tăng trưởng, đã đem lại những kết quả đáng mừng mà những biện pháp kiểm soát quan  liêu  ngày xưa không thể làm được. Song việc trao quyền hạn và bãi bỏ những kiểm soát quan liêu cũng đồng thời đặt ra một vấn đề cơ bản: làm thế nào để đảm bảo trách nhiệm giải trình sau khi trao quyền? Sự đối lập cơ bản giữa quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình sẽ không tự nó giải quyết được. Các cơ chế về trách nhiệm giải trình sẽ không tự động nảy sinh để giải quyết những quan  hệ mới này, mà phải được thiết lập một cách có chủ ý. Trên thực tế, nhiều hình thức trách nhiệm giải trình mới đang được đưa ra, nhưng không phải lúc nào đó cũng là những biện pháp tối ưu. Vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết.
“Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2010” với chủ đề “CÁC THỂ CHẾ HIỆN ĐẠI” (*) tập trung vào việc phân cấp trao quyền và trách nhiệm giải trình, hai khía cạnh của thể chế hiện đại và là những khía cạnh đổi mới quan trọng nhất của Việt Nam trong hai thập kỷ vừa qua. Trong Báo cáo này phân biệt hai hình thức trách nhiệm giải  trình  là: trách nhiệm giải trình hướng lên trên tập trung vào việc tuân thủ các quy tắc, các chỉ  thị và chỉ đạo đến từ bộ máy nhà nước, và trách nhiệm giải trình hướng xuống dướitập trung vào các kết quả mà một cá nhân hay một cơ quan có nhiệm vụ thực hiện. Một cá nhân hay cơ quan với trách nhiệm giải trình hướng lên trên sẽ quan tâm nhiều đến việc tuân thủ các quy định. Còn một cá nhân hay cơ quan với trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phục vụ khách hàng. Cả hai hình thức  trách nhiệm giải trình này đều quan trọng và cần  thiết.
Qua Báo cáo này cho thấy:
1- Quá trình trao quyền và phân cấp được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn từ 1986 – 2.000 là giai đoạn trao quyền và phân cấp về mặt kinh tế, từ những cơ quan lập kế hoạch xuống cho người dân và doanh nghiệp. Giai đoạn 2.000 – 2010 là giai đoạn phân cấp trao quyền và trách nhiệm mạnh mẽ cho cấp tỉnh và các cấp dưới đó.  Và cuối giai đoạn 2.000 – 2010 đã diễn ra quá trình trao quyền về chức năng cho các cơ quan cung cấp dịch vụ (đơn vị hành chính, sự nghiệp, các tổ chức dân sự…). Nhìn chung, mức độ phân cấp và trao quyền là tương đối lớn, cả về phương diện địa lý và chức năng.
2- Các hệ thống giải trình trách nhiệm mới đang được xây dựng, nhưng thường  chậm và không phải lúc nào cũng tối ưu. Cụ thể, nêu tóm tắt một số điểm sau:
+ Thông qua việc phân cấp và trao quyền cho các  doanh nghiệp và hộ gia đình, cho chính quyền  các  cấp    địa  phương    cho  các  đơn  vị  cung  cấp dịch vụ tự chủ về tài chính, chính phủ đang  dần  dần  được  chuyển  từ  vai  trò  của  người  chỉ đạo sang vai trò của người đưa ra quy định, trong quá trình này, vai trò của nhà nước trung  ương trong việc đảm bảo tính thống nhất và nhất quán cho toàn bộ bộ máy chính quyền càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều mục tiêu cải cách hành chính đã được đưa ra và đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đôi khi vẫn còn chậm trễ trong việc chuyển từ chính sách thành hành động cụ thể. Các đề xuất về ngân sách hiện nay chưa được công bố cho tới khi được phê duyệt – cùng với đó là thiếu một cơ chế chính thức cho việc tham vấn dân về ngân sách.
            + Cùng với việc phân cấp, trao quyền hạn và trách nhiệm mạnh mẽ cho chính quyền cấp tỉnh và các cấp thấp hơn thì cách thức và mức độ giám sát cũng được tăng cường như giao thẩm quyền phê duyệt và giám sát quá trình thực hiện ngân sách cho Hội đồng nhân dân và trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới cũng được tăng cường thông qua các biện pháp yêu cầu  tính minh bách cao hơn. Tuy nhiên cấp xã được trao quyền, trách nhiệm ít hơn thì yều cầu giải trình hướng xuống dưới lại đòi hỏi cao hơn cấp tỉnh được giao phần lớn quyền hạn và trách nhiệm. Do đó, thách thức nảy sinh là trách nhiệm giải trình với các cơ chế mới khó đi đôi với nhau.
            Việc trao hầu hết quyền hạn trách nhiệm cho cấp tỉnh cũng đã làm nảy sinh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh trong vấn đề thu hút vốn đầu tư và gây trở ngại trong quy hoạch vùng.
            + Việc trao quyền trách nhiệm theo các lĩnh vực chức năng cho các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ đã được thực hiện, tuy nhiên việc chủ động cung cấp dịch vụ và chất lượng dịch vụ theo những tiêu chuẩn thống nhất đảm bảo cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận đang là một thách thức chưa có lời giải đáp. Vấn đề nổi lên ở đây: xung đột lợi ích làm khó khăn đối với việc cung cấp dịch vụ. Bác sỹ làm bệnh viện công, mở phòng khám tư làm nảy sinh giới thiệu bệnh nhân từ bệnh viện ra phòng khám, hay tương tự là việc giáo viên đứng lớp ở trường và mở lớp dạy thêm ở nhà và “chế độ một cửa” đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính trực tiếp…Như vậy việc dung hòa giữa việc phân cấp trao quyền tự chủ và duy trì chất lượng dịch vụ của các đơn vị dịch vụ ( hành chính trực tiếp, sự nghiệp) đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cơ chế giải trình hướng lên để đảm bảo việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và trách nhiệm giải trình xuống dưới đối với người sử dụng dịch vụ.
            + Việc ban hành hàng loạt luật và các quy định mới là nhằm đáp ứng bối cảnh đổi thay của nền kinh tế, tuy nhiên việc thay đổi hành lang pháp lý gây nên tâm lý ko chắc chắn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình và cho cả cá nhân các cán bộ nhà nước chịu trách nhiệm thực thi các quy định này. Hiện trạng là các doanh nghiệp đều có chung nhận định là các luật kinh tế, tài chính là rất kho dự đoán. Việc làm luật, lệ trở nên dễ dự đoán phải bắt đầu từ việc công bố các dự thảo và quan trọng hơn là không phải chỉ ở tham vấn dự thảo mà là việc tranh luận về những vấn đề cơ bản như mục tiêu của luật đang được đề xuất.
            + Việc giải quyết tranh chấp cũng đang được chuyển dần tư các cơ quan cấp chính phủ trung ương và cấp tỉnh sang cho tòa án. Để đảm bảo tính tin cậy, các tòa án phải hoạt động hiệu quả và độc lập bằng việc xét xử dựa trên tranh tụng.Việc cố gắng dung hòa giữa tính độc lập và trách nhiệm giải trình là đặc biệt khó đạt đối với ngành tư pháp, tuy nhiên một biện pháp được đưa ra, đó là chú trọng tính minh bạch.
            + Trong việc phân cấp trao quyền và trách nhiệm giải trình có một số cơ quan đóng vai trò đặc biệt quan trọng – đó là những cơ quan không chỉ tiếp nhận sự trao quyền và chịu trách nhiệm giải trình mà còn đóng vai trò GIÁM SÁT trong việc đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ qua khác. Đó là nhưng cơ quan phát hiện và ngăn chặn tham nhũng, các tổ chức dân sự, các cơ quan dân cử và các phương tiện thông tin đại chúng, tất cả đều đóng vai trò khác nhau trong hệ thống giải trình và mỗi cơ quan đều đang gặp phải những thách thức riêng của mình. Nhưng đều có một yêu cầu chung để đảm bảo các cơ quan này hoạt động có hiệu quả hơn đó là việc đảm bảo tiếp cận thông tin
            Việc có nhiều khả năng xảy ra xung đột lợi íchđối với những thành viên của các tổ chức, cơ quan này cũng là thách thức làm hạn chế chức năng giám sát của các cơ quan này trong việc đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ quan khác. Ví dụ như các đại biểu quốc hội, hội đông nhân dân các cấp vẫn giữ những chức vụ trong chính phủ hay chính quyền các cấp…

Tóm lại, Nhìn từ góc độ thể chế thì quá trình “đổi mới” ở nước ta trong thời gian qua chính là quá trình phân cấp, trao quyền và cùng với đó, hình thành một hệ thống giải trình trách nhiệm mới. Trong hệ thống phân cấp trao quyền và trách nhiệm giải trình hiện nay đang xảy ra hiện tượng bất cân xứng thẩm quyền được giao và trách nhiệm giải trình, hệ thống này cũng  làm nảy sinh nhiều xung đột lợi ích và rõ ràng thông tin đóng vai trò trung tâm trong hệ thống giải trình trách nhiệm. 

Toàn văn “Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2010” có thể xem tại http://siteresources.worldbank.org/INTVIETNAMINVIETNAMESE/Resources/VDR2010Dec17.pdf

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến