Nói tới đồng bằng sông Cửu Long là nói tới văn hóa sông nước và ở trình độ cao - đó là những giá trị của một nền văn minh đậm tính sông nước. Điều đó đã được nhiều học giả nói tới, thậm chí còn được khái quát như một đặc trưng, một bản sắc riêng có của văn hóa Nam Bộ. Thực ra đó là một bước phát triển mới của một nền văn minh đã hình thành từ hàng nghìn năm trước ở châu thổ sông Hồng.
Văn minh Thăng Long
Vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, trên cơ sở một nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước phát triển rực rỡ, người Việt cổ đã bước vào thời đại văn minh, dựng lên nhà nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á. Nền văn minh sông Hồng với biểu tượng trống đồng đã một thời tỏa sáng cả khu vực Đông Nam châu Á. Đây chính là nguồn cội của văn minh Thăng Long.
Văn minh Thăng Long (hay cũng có thể gọi là văn minh Đại Việt) là kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những giá trị tiêu biểu của một nền văn minh sông - nước. Sự phát triển cường thịnh của nước Đại Việt dựa trên nền tảng một nền nông nghiệp lúa nước với tất cả các kỹ thuật đã phát triển tới độ hoàn chỉnh.
Để phát triển nông nghiệp, từ triều Lý qua triều Trần tới triều Lê đều hết sức chú trọng công tác trị thủy và thủy lợi. Các bộ sử biên niên còn ghi lại khá đầy đủ các sự kiện triều Lý cho đắp đê trên sông Cầu vào năm 1077, đê Cơ Xá năm 1108, triều Trần tổ chức xây dựng đê quai vạc bảo vệ các con đê quanh kinh thành Thăng Long và hoàn chỉnh hệ thống đê sông từ thượng nguồn ra đến biển.
Cùng với các công trình trị thủy, các chính quyền Đại Việt rất chú ý đến việc đào kênh dẫn nước kết hợp với mở mang giao thông thủy. Ngay năm đầu trị vì, Lý Thái Tông - vị vua thứ 2 triều Lý đã cho đào sông Đán Nãi ở châu Ái (Thanh Hóa) và sau đó là đào kênh Lãm ở Ninh Bình (năm 1051). Dưới thời Lý Nhân Tông triều đình còn cho đào kênh Lẫm (năm 1089) và nạo vét sông Tô Lịch (năm 1192).
Công tác thủy lợi và khai mở, hoàn thiện các thủy đạo cũng được triều Trần hết sức chú trọng. Năm 1233, vua Trần Thái Tông sai Nguyễn Bang Cốc sử dụng lực lượng quân đội tiến hành đào kênh Trầm, kênh Hào nối từ Thanh Hóa tới Diễn Châu (Nghệ An). Hơn 10 năm sau (năm 1248) chính ông lại cho đào sông Lễ và đục núi Chiếu Bạch ở Thanh Hóa để tạo thành con kênh chạy dài theo hướng bắc - nam nhằm tiêu nước từ Tống Giang. Hệ thống sông đào được khai mở và hoàn thiện trên quy mô lớn dưới thời Lê Thánh Tông, đặc biệt là hệ thống kênh đào chạy dọc theo chiều Bắc - Nam từ Thanh Hóa đến tận Hà Tĩnh. Trong suốt nhiều thế kỷ đây là hệ thống nước tưới quy mô lớn và con đường giao thông huyết mạch của Đại Việt.
Có thể nói với văn minh Thăng Long, người Việt không chỉ giỏi canh tác lúa nước, khai thác thủy, hải sản mà còn là một cộng đồng đạt tới trình độ bậc thầy về đóng thuyền, đào kênh, thông thạo luồng lạch và rất giỏi về giao thông đường thủy. Tài năng ấy, phẩm chất ấy đã giúp chủ nhân văn minh Thăng Long đánh thắng nhiều kẻ thù hung bạo với hầu hết các trận quyết chiến chiến lược đều dìm chết quân thù trên chiến trường sông - nước.
Những chiến thắng hiển hách bằng thủy chiến ở sông Đông Kênh, sông Cầu, sông Như Nguyệt (trong kháng chiến chống Tống thời Lý), Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết (các đoạn khác nhau của sông Hồng), Vân Đồn (Quảng Ninh) và đỉnh cao là Bạch Đằng (trong kháng chiến chống Nguyên thời Trần)... là những minh chứng hùng hồn cho tài năng thao lược đó. Suy cho cùng, đó cũng là kết tinh của một nền văn minh sông - nước.
Cùng với những sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa vật chất, chủ nhân văn hóa Thăng Long còn để lại những di sản văn hóa tinh thần vô giá. Những làn điệu Chèo, nghệ thuật Rối nước, các lễ hội và nghi thức tâm linh gắn liền với sông nước... là những tinh hoa được chắt lọc từ thế hệ này qua thế hệ khác của một cộng đồng cư dân sống làm ăn gần/trên sông nước.
Lan tỏa trên đất Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng thành tạo tương đối mới lại trải qua những biến động khá phức tạp của quá trình lùi, tiến của biển, sụt lún của đất tạo nên cảnh quan điển hình của một vùng sinh thái sông nước. Nơi đây đã từng là địa bàn sinh tụ của nhiều nhóm cư dân của khu vực Đông Nam Á, trong đó đặc biệt phải kể đến nhóm cư dân Nam đảo, những người thầy trong công cuộc chinh phục mặt nước. Dưới ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, trong 6 thế kỷ đầu Công nguyên cư dân vùng đất này đã tạo dựng nền văn minh Phù Nam rực rỡ.
Trải qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, vùng châu thổ hạ lưu sông Mê Kông dường như bị lãng quên, chìm vào giấc ngủ dài tới cả thiên niên kỷ. Trong suốt thời kỳ từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, những thông tin liên quan đến vùng đất này gồm cả những tư liệu vật chất do khảo cổ học phát hiện lẫn những ghi chép trong các tài liệu thành văn đều rất hiếm hoi, thưa thớt. Cho đến nay giới nghiên cứu dường như chỉ biết đến vùng đất này trong thời kỳ lịch sử ấy một cách mờ nhạt dưới cái tên Thủy Chân Lạp. Thực ra đây là một danh xưng gán ghép bởi các sử gia chứ không phải là một địa danh chính thức. Chúng ta cũng không hay biết gì về các đơn vị hành chính (không biết có hay không) ở vùng đất này. Cho đến tận thế kỷ XIII, cư dân ở vùng đất Nam Bộ còn thưa thớt.
Chu Đạt Quan, một người Trung Quốc có dịp đến Chân Lạp vào năm 1296-1297, đã mô tả vùng đất này như sau: "Từ chỗ vào Chân Bồ (Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở trong đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhìn xa chỉ thấy cây lúa rờn rờn mà thôi. Trâu rừng họp nhau thành từng đàn trăm ngàn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó, đốt có gai, măng rất đắng".
Trong một công trình nghiên cứu gần đây, Pascal Bourdeaux, giảng viên Đại học Sorbonne Paris đưa ra nhận định: "Vùng đồng bằng [sông Cửu Long] đã thực sự cất cánh nhờ những người Việt tiên phong năng động (...) từ thế kỷ thứ 17 đến khai hoang vùng đất rừng đầy dịch bệnh tật và ma quỷ, chinh phục các đầm lầy, thiết lập thôn ấp, và kiến tạo nên một nền kinh tế đa dạng và một xã hội hỗn dung tách rời khỏi khuôn mẫu truyền thống của Việt Nam".
Để làm rõ luận điểm này, tác giả giải thích thêm: "Như vậy là họ đã tạo lập ra một văn hóa tiên phong, một văn minh sông nước bằng cách thích nghi với môi trường sinh thái và làm chủ được nó, tự giải phóng mình ra khỏi các sự kiềm chế xã hội - chính trị sinh ra từ Khổng giáo cùng với tổ chức làng xã khép kín, và bằng việc tích hợp nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai khác nhau".
Đây là một nhận định đánh giá đúng vai trò của người Việt trong sự nghiệp khai phá vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cũng xác đáng khi dùng khái niệm văn minh sông nước để khái quát những thành tựu sáng tạo của cư dân vùng đất này.
Văn minh Ðồng bằng sông Cửu Long là sự lan tỏa và phát triển lên một đỉnh cao mới của nền văn minh sông nước đã được hình thành, nuôi dưỡng từ cái nôi Ðồng bằng sông Hồng, qua các giai đoạn văn minh Văn Lang - Âu Lạc, văn minh Thăng Long - Đại Việt. Đó chính là một trong những nguồn mạch chảy suốt từ quá khứ đến hiện tại, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, kết nối cả cộng đồng dân tộc.
"Trải qua hơn 1.000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, người Việt đã trải qua những thử thách hiểm nghèo có một không hai trong lịch sử nhân loại. Đó là quá trình đấu tranh bền bỉ, quyết liệt chống lại những chính sách đồng hóa ráo riết của những triều đại đến từ một nền văn minh có tầm cỡ thế giới để bảo vệ những bản sắc văn hóa của mình. Dù đã tiếp thu không ít những giá trị của văn minh Trung Hoa, người Việt đã nhanh chóng tạo dựng một nền văn minh rực rỡ mới. Văn minh Thăng Long khởi từ triều Lý chính là sự kết tinh và phát triển của nền văn minh sông Hồng đã lan tỏa ảnh ra toàn khu vực từ gần 3.000 năm trước đó". GS.TSKH Vũ Minh Giang |
GS.TSKH lịch sử Vũ Minh Giang
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội)
Theo Giadinh.net
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội)
Theo Giadinh.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét