Khang Hữu Vi (1858 - 1927)
Phong trào duy tân ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chính là cuộc cải cách của Khang Hữu Vi vận động năm 1898 về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự.
Kinh tế
Tư tưởng coi thường công thương nghiệp vốn là tư tưởng cổ hủ của Nho giáo đã chi phối lâu dài trong lịch sử Trung Quốc. Quan niệm bảo thủ này đã nhìn con đường phát triển xã hội một cách thiển cận, chỉ coi trọng nông nghiệp, xem việc học chữ thánh hiền mới là con đường đáng được coi trọng, thậm chí coi khinh tất cả các nghề khác. Do đó trong toàn bộ chủ trương cải cách kinh tế- xã hội ở Trung Quốc, phong trào Duy Tân đã đề ra tư tưởng “Dĩ thương lập quốc” và “Thượng công” làm xương sống của chương trình cải cách kinh tế. Khang Hữu Vi đã trình lên nhà vua sáu biện pháp làm cho đất nước giàu mạnh đó là: xây dựng và quản lí đường sắt, chế tạo máy và đóng tàu, khai thác mỏ, đúc tiền bạc trắng và in tiền giấy, lập bưu chính. Tất cả những chủ trương này là nhằm làm cho những mầm mống kinh tế hàng hóa ở Trung Quốc có cơ sở, điều kiện để phát triển. Nhờ tiếp xúc với khoa học kĩ thuật phương Tây, phái Duy Tân đã hiểu rõ việc dùng trí tuệ hơn dùng sức lực, do đó đã mạnh dạn đề nghị nhà vua cho lập các trường đào tạo công nghệ, dạy nghề, khuyến khích các phát minh, cấp bằng công nghiệp, đồng thời mua sách báo và du nhập khoa học kĩ thuật của phương Tây. Có thể nói về khách quan sự xâm thực của chủ nghĩa thực dân đã tạo nên một lực đẩy đối với kinh tế xã hội của Trung Quốc hội nhập vào quỹ đạo mới. Dù rằng những chủ trương của họ chưa thật đầy đủ, song đó thực sự là những nhận thức hết sức mới mẻ và tích cực. Chủ trương cải cách nền kinh tế Trung Quốc với tư tưởng chủ đạo là đề cao công thương nghiệp chính là nhằm biến đổi nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của Trung Quốc thành nền kinh tế hàng hóa phát triển trong quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
Chính trị
Phái Duy Tân hiểu rằng một cuộc cải cách chính trị sẽ đảm bảo cho công cuộc Duy Tân toàn diện ở Trung Quốc giành được thắng lợi. Cuộc cải chế bắt đầu từ biến pháp quyền vua, xây dựng chế độ quân chủ lập hiến trên nguyên tắc tam quyền phân lập. Khang Hữu Vi đã khẳng định rằng:
Cải cách thành công hay không đều quan hệ đến vị trí quyền lực của nhà vua. Nếu như quyền uy của Hoàng Đế được khôi phục, cải cách theo trình tự lệnh thi hành, lệnh cấm đều có hiệu lực thì chỉ một hay hai năm là có thể tốt.
Chủ trương cải chế bắt đầu từ việc cách chức những quan lại tham nhũng, bổ nhiệm những người thuộc phái Duy Tân vào bộ máy chính quyền, thay đổi cách tuyển lựa quan lại theo dòng dõi quyền quý bằng cách tôn trọng hiền tài, chế độ tập quán bằng chế độ tuyển cử. Mục đích cuối cùng là từ quân quyền chuyển sang dân quyền, từ độc tài sang dân chủ. Phái Duy Tân cũng cho rằng cơ sở để xây dựng chế độ chính trị mới ở Trung Quốc là dựa trên nguyên tắc “Hán Mãn bất phân, quân dân cộng trị”. Như vậy, Khang Hữu Vi và các nhà Duy Tân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc cải cách bộ máy chính trị mà trước hết là giành lại quyền lực thực sự về cho nhà vua để tiến hành công cuộc cải cách có hiệu quả. Nhưng các nhà Duy Tân đã lực bất tòng tâm, con đường cải cách chính trị thực sự là một con đường vô cùng khó khăn, phái Duy Tân đã thất bại trong tình thế không cưỡng lại được.
Văn hóa- giáo dục
Trong chủ trương của phái Duy Tân, giáo dục được đặc biệt chú ý nhằm đào tạo ra một đội ngũ nhân tài, góp phần nâng cao dân trí bắt kịp với thời đại. Khang Hữu Vi đã từng nói: “Thái Tây mạnh, cái gốc không phải là vũ khí kĩ thuật mà là cách học của kẻ sĩ và cách tổ chức một chế độ xã hội mới”.
Ông cũng từng cho rằng sở dĩ Nhật Bản thành công một phần là nhờ người Nhật biết học và biết thay đổi trị nước theo Tân Pháp, nhờ đó họ đã mạnh lên. Phái Duy Tân đã đề ra bốn biện pháp để cải cách giáo dục: Lập trường học ở khắp nơi, tổ chức học theo mô hình kiểu phương Tây; Thay đổi nội dung học tập, cải cách chế độ thi cử, bỏ lối thi Bát Cổ; Mở nhiều nhà in để in sách báo và dịch các loại sách để cho quần chúng có thể nắm được tri thức khoa học; Cử người đi du học ở nước ngoài.
Xem xét toàn bộ tấu cáo của Khang Hữu Vi về vấn đề giáo dục, ta thấy khá toàn diện. Chủ trương của phái Duy Tân bắt đầu từ việc thay đổi cách học để tiến đến chỗ cải cách chế độ do đó đã vấp phải sự chống cự quyết liệt của phái Bảo Thủ. Phái Bảo Thủ đề cao tính dân tộc đến mức mù quán cho rằng có thể học phương Tây bách nghệ, học kĩ thuật công nghiệp nhưng về nghĩa lí chính trị thì muôn vạn lần không nên học vì nếu dùng học Tây để thay đổi Trung Quốc thì cuối cùng sẽ biến Trung Quốc thành Di địch. Phái Duy Tân thông qua các tổ chức “Cường Học Hội”, “Nam Học hội”,…với các hình thức hoạt động rất phong phú như: diễn thuyết, trao đổi, thảo luận, bình văn, dịch, in sách, kết hợp với cả vận động cải cách chính trị dân chủ, đã tạo thành một học phong mới lan rộng khắp cả nước. không chỉ đổi mới việc học, phái Duy Tân còn chủ trương xóa bỏ những hủ tục, thay đổi cách ăn mặc quần áo, nếp sống sinh hoạt v v…
Tóm lại, những biện pháp đổi mới văn hóa giáo dục của phái Duy Tân đã tấn công mạnh mẽ vào lối học cũ, giáo điều, xa rời thực tế, mở ra con đường “học vị dụng” nhằm mở rộng tầm mắt của trí thức và quần chúng nhân dân, làm thay đổi hẳn nhận thức xã hội. Ý tưởng tạo nên một học phong cách tân của các nhà Duy Tân thực sự có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Quân sự
Cốt cán của phái Duy Tân, về căn bản chỉ là những thư sinh có kiến thức thi thư rất rộng, có tài năng học vấn, đầy nhiệt huyết đấu tranh, nhưng thường thiếu hùng tài đại lược, ít am hiểu về việc binh cơ, khó có thể đề ra chiến lược quân sự. Hơn nữa phái Duy Tân không có ai nắm một chức vụ nào về quân sự dù chức nhỏ nhất, để ít nhiều có thể đề ra một chương trình cải cách cụ thể về quân sự. Do đó biện pháp cải cách quân đội rút cuộc chỉ là những đề nghị đầy tâm huyết của phái Duy Tân về việc kiểm soát chặt chẽ các lực lượng vũ trang ở địa phương và xây dựng quân đội ở trung ương theo mô hình của phương Tây, đó là huấn luyện hải quân và lục quân theo hướng Cận Đại hóa làm cho quân đội Trung Quốc mạnh lên. Các nhà nho của phái Duy Tân không thể làm một cuộc cải cách quân sự kiểu các nhà cải cách ở Nhật Bản cùng thời điểm, nhưng họ đã nhận thức được sự yếu kém của quân đội và chủ trương cải tổ, chỉ riêng điều đó đã đưa họ vượt qua tầm nhận thức của các nhà nho Trung Quốc đương thời.
Có thể nói, những chủ trương mới trên đây của phái Duy Tân là một bước thử nghiệm dùng chế độ tư bản phương Tây và Nhật Bản để cải tạo chế độ phong kiến truyền thống Trung Quốc. Những chủ trương của phái Duy Tân rất ôn hòa nhưng đã bị phái Thủ Cựu chống đối kịch liệt. Từ Hi Thái Hậu đứng đầu phái Thủ Cựu đã tuyên bố: “Thà mất nước chứ không biến pháp”. Phái Thủ Cựu nắm trong tay toàn bộ binh lực, lại gồm toàn những quan lại cao cấp, do đó chúng hoàn toàn làm chủ tình hình. Những biện pháp cải cách đụng chạm đến quyền lợi thiết thân của quan lại lớn nhỏ cho nên chúng ra sức cấu kết với nhau hình thành một trận tuyến Thủ Cựu rộng khắp, dốc toàn lực để bóp chết phái Duy Tân. Do đó bao nhiêu chiếu dụ ban ra đều không được thực hiện, như Lương Khải Siêu đã viết: “Mấy tháng nay, chiếu dụ Tân Chính khá nhiều, chỉ dụ của vua đốc thúc các đại thần cũng lắm, nhưng các đại thần vẫn bỏ mặc”. Cuộc đấu tranh giữa hai phái rất quyết liệt, ngày 21 tháng 9, chiến dịch đàn áp phái Duy Tân bắt đầu. Khang Hữu Vi phải chạy trốn sang Hồng- Công. Lương Khải Siêu may mắn trốn vào sứ quán Nhật Bản nên thoát chết, Đàm Từ Đồng quyết ở lại sống chết với phong trào Duy Tân, cuối cùng đã bị chém cùng với năm nhà hoạt động Duy Tân khác. Không khí khủng bố lan tràn khắp nơi, chế độ chuyên chế lại được củng cố.
Duy Tân Mậu Tuất là một cuộc cải cách nhằm biến đổi Trung Quốc từ một nước phong kiến thành một nước tư bản do những nhà nho yêu nước tiến bộ thực hiện nhưng đã thất bại hoàn toàn. Thất bại của phong trào Duy Tân chứng tỏ Trung Quốc không thể đi con đường Minh Trị Duy Tân. Bởi lẽ, so với Nhật Bản, bối cảnh lịch sử Trung Quốc không có lợi cho cải cách. Phong trào Duy Tân thất bại chấm dứt những hoài bão Cách tân lớn lao của thế hệ những nhà nho yêu nước, đồng thời cũng cáo chung con đường cải cách để giải phóng Trung Quốc.
Mặc dù thất bại, phong trào Duy Tân vẫn là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cận đại Trung Quốc về lĩnh vực chính trị, và nhất là về lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Phong trào Duy Tân chưa phế bỏ được trật tự chế độ phong kiến và vai trò thống trị của nền văn hóa phong kiến ở Trung Quốc, nhưng nó đã làm lung lay trật tự và nền tảng văn hóa đó. Có thể nói, phong trào Duy Tân cuối thế kỉ XIX là một cuộc giải phóng tư tưởng, góp phần mở đường cho những trào lưu văn hóa và tư tưởng chính trị tiến bộ hơn thâm nhập và phát triển trong xã hội Trung Quốc. Ngày nay các học giả Trung Quốc không chỉ phân tích những hạn chế, khiếm khuyết của phong trào Duy Tân, mà đồng thời đã đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của phong trào đó:
Cống hiến chủ yếu của cuộc Duy Tân Mậu Tuất là làm lung lay và thay đổi cục bộ chế độ phong kiến truyền thống trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục; người ta thử nghiệm xây dựng một Trung Quốc cận đại, độc lập, phồn vinh và giàu mạnh.
Ghi chú: Tìm hiểu thêm vê “Duy tân Mậu Tuất” tại http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1ch_nh%E1%BA%ADt_Duy_t%C3%A2n
Nguồn:
Nguồn:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét