Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

II. Đổi mới tư duy và cải cách thể chế
Theo “Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012” của Nhóm tư vấn chính sách - Ủy ban kinh tế của Quốc hội, những bất ổn vĩ mô của năm 2011 và dự báo khó khăn kinh tế năm 2012 một phần là do những yếu tố khách quan bên ngoài khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào môi trường cạnh tranh toàn cầu với nhiều biến số bất định, đồng thời các điều kiện về tự nhiên, môi trường và biến đổi khí hậu cũng trở nên bất thường và bất lợi hơn. Mặc dù vậy nguyên nhân mang tính nền tảng là do mô hình tăng trưởng cũ được duy trì quá lâu, tạo ra những điểm yếu về cơ cấu và mâu thuẫn nội tại gay gắt trong nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng hướng tới xuất khẩu chủ yếu dựa vào các yếu tố theo chiều rộng sử dụng nhiều vốn và lao động đã đến giới hạn; áp dụng kinh tế thị trường chưa đầy đủ; chưa hình thành cơ chế cạnh tranh tích cực phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế; các động lực tăng trưởng theo chiều sâu chưa được cải thiện để trở thành động lực phát triển; cơ cấu kinh tế chậm đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” vào tháng 2/2011 và đề xuất một “chủ thuyết phát triển kinh tế” riêng cho Việt Nam trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu và xuyên suốt với hai điểm mấu chốt là:
Thứ nhất, cần đổi mới tư duy có tính hệ thống đã tồn tại từ lâu và nay đã chứng tỏ không còn phù hợp, là nguyên nhân cơ bản tạo ra những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Cần nhận thức rõ rằng cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực, chấm dứt hẳn những tư duy kế hoạch tập  trung, thiên về mệnh lệnh hành chính khi hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô. Vai trò của Nhà nước cũng cần phải xác định lại, trong đó phải kiên định với nguyên tắc “Nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm khi đã được tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ từ phía Nhà nước”. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà  nước không nên hiểu và diễn giải là phải giữ vị trí chi phối trong các ngành kinh tế và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và độc quyền trên  nhiều lĩnh vực; không nên sử dụng DNNN là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.  
Hai là, xây dựng các thể chế phù hợp, trong đó đặc biệt quan trọng là quyền sở hữu và cạnh tranh bình đẳng, cũng là điều kiện quan trọng để các nguồn lực trong nền kinh tế được phân bổ một cách hiệu quả, qua đó giúp cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng hiệu quả, bền vững và có tính cạnh tranh. Cần sửa đổi Hiến pháp 1992, bắt đầu từ các định hướng chính sách đối với các thành phần kinh tế, chế độ sở hữu, các quyền tự do kinh doanh của người dân và cơ cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước thực thi quyền lực công cộng. Sửa đổi các đạo luật về tổ chức các cơ quan quyền lực nhà nước, trên thiết kế đại cương của bản Hiến pháp sau khi được sửa đổi, và nhất là nâng tầm cơ quan dân cử có một vai trò đáng kể hơn. Sửa đổi Luật Đất đai 2003 để thiết kế lại những quy định tạo ra một chế độ sở hữu minh bạch, rõ ràng, được bảo hộ chặt chẽ. Bổ sung đạo luật về quyền sở hữu nhà nước đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hay đạo luật về thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để thực hiện một cách có hiệu quả vai trò của DNNN.
Chương 7. Đổi mới và cải cách thể chế của Báo cáo này đã phân tích:
“Ở Việt Nam chính thể chế đã cho phép hình thành và ra đời kinh tế thị trường, cho phép hội nhập quốc tế, cho phép ra đời và hình thành khu vực kinh tế tư nhân. Thể chế nào thì doanh nghiệp ấy, các mặt mạnh và yếu của doanh nghiệp nhà nước, tư nhân của Việt Nam hiện nay đều do thể chế tác động đến”
“Cần có thay đổi mạnh mẽ từ hệ thống chỉ tiêu, hệ thống đánh giá, kế hoạch hóa mới thay đổi được mô hình tăng trưởng, mới tạo cơ hội cho mỗi địa phương phát triển phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của mình”
“Thực tế mất ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua hoàn toàn bác bỏ vai trò là công cụ “ổn định kinh tế vĩ mô” của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Nếu các tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty nhà nước là công cụ hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô thì tại sao tình hình kinh tế vĩ mô mất ổn định gay gắt, kéo dài như hiện nay?” 
“Có thể nói quan điểm “kinh tế nhà nước là chủ đạo” đang bị các nhóm lợi ích tận dụng triệt để cho lợi ích của một số cá nhân có liên quan. Đây là miếng đất mầu mỡ để tạo ra các mối “quan hệ” vây quanh các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nẩy nở và phát triển”
“Chính sách coi “kinh tế nhà nước là chủ đạo” trong thực tế dẫn đến sự chèn ép trong thực tế đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước trong khi khu vực này cần mau chóng mạnh lên để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập vào kinh tế Việt Nam theo các cam kết hội nhập và cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp Việt Nam”
  “Cùng với môi trường kinh doanh đòi hỏi mức đầu tư rất cao của khu vực tư nhân về thời gian và tiền bạc cho thiết lập và duy trì các mối quan hệ. Doanh nhân phải lo đến thăm người bệnh, dự đám giỡ, đám tang, đám cưới, chúc Tết của các quan chức lớn, nhỏ, v.v… để giữ mối quan hệ. Thực trạng này đã dẫn đến sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của những “đại gia” tư nhân lớn, nhỏ ở Việt Nam, phất lên nhanh chóng không do có tiến bộ khoa học - công nghệ, không do tăng năng suất lao động hay đóng góp vào bảo vệ môi trường, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội mà chủ yếu do khai thác tài nguyên đất đai, khai thác gỗ, mỏ, biển, v.v...”
  “Trong thực tế, lạm dụng quy định trong Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các luật khác liên quan đã làm cho các quan chức có liên quan giàu lên nhanh chóng mà không có đóng góp gì cho ngân sách, cho tiến bộ xã hội. Trái lại, sự bất bình đẳng trong xã hội tăng lên, khiếu kiện về đất đai không được giải quyết thỏa đáng, biến thành những xung đột xã hội gay gắt. Trong quyền sở hữu về đất đai của nhà nước đã được trao cho nông dân năm quyền cụ thể như quyền sử dụng, quyền thừa kế, quyền thế chấp, v.v..., vì vậy không thể tách bạch giữa quyền sở hữu nhà nước và quyền sử dụng của nông dân. Thay đổi tư duy, nhìn nhận quyền sử dụng đất đai của tư nhân như những bộ phận trong quyền sở hữu nhà nước một cách hợp lý và giám sát chặt chẽ các quyền liên quan đến sở hữu là đòi hỏi cấp bách để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giải quyết thỏa đáng xung đột lợi ích giữa nông dân và nhà đầu tư, giảm căng thẳng và xung đột xã hội”
“Việc thiết kế và vận hành một bộ máy quyền lực ngày càng phình to, xa dân, kém hiệu quả và kém hiệu lực, không theo nguyên tắc “quyền lực phải được giám sát”, không công khai minh bạch là nguồn gốc sâu xa dẫn đến tham nhũng, lạm dụng chức quyền vì tư lợi, làm thoái hóa, biến chất bộ máy. Điều này thể hiện rất rõ trong hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như trong cuộc sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp cũng như trong các so sánh quốc tế. Sự thật là gánh nặng chi phí để tuân thủ luật pháp và các quy định của bộ máy hành chính ở nước ta đang đè nặng lên người dân và doanh nghiệp. Nhiều quy định của luật pháp và cách hành xử của viên chức nhà nước nhằm tận thu của người dân và doanh nghiệp dưới dạng thu chính thức, hợp pháp và phi chính thức, bất hợp pháp. Nếu cộng tất cả các khoản lót tay, phong bì mà ô tô vận tải, ô tô khách, người dân phải nộp cho cảnh sát (ngoài khoản thu hơn 2.500 tỉ nộp ngân sách), người dân phải nộp cho nhà trường, bệnh viện, công sở, v.v… thì chi phí để nuôi bộ máy cao hơn gấp nhiều lần những con số chính thức đã được công bố.
Cần làm rõ thực trạng này và phải cải cách bộ máy và hệ thống chính trị theo nguyên tắc quyền lực phải được giám sát, phải có trách nhiệm giải trình, hạn chế tối đa sự độc quyền về quyền lực (như điều tra, giam giữ, quản lý nhà tù), thực hiện độc lập tư pháp, toàn án chỉ tuân thủ pháp luật, hiến pháp, nghiêm trị mọi hành động can thiệp, bao che hay trù dập, lạm dụng chức quyền ức hiếp, đàn áp người dân. Sửa đổi, bãi bỏ nhưng quy định đã lỗi thời, hạn chế quá đáng các quyền tự do, dân chủ của người dân như cho phép giam giữ và cải tạo hành chính không thông qua xét sử tại toàn án. Tôn trọng quyền con người của những phạm nhân bị giam giữ, thực hiện kiểm tra, giám sát độc lập với nhà tù, trại giam hiện đã có quy mô rất lớn. Xây dựng bộ máy theo nguyên tắc công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, các hoạt động có liên quan đến người dân, thường xuyên duy trì quan hệ đối thoại lấy ý kiến của người dân về tất cả các văn bản luật pháp, quy định có liên quan đến người dân. Bộ máy nhà nước, giới cầm quyền phải cùng chia sẻ lợi ích với dân, không cho phép hình thành một bộ máy đặc quyền, đặc lợi, sống cách biệt với dân, đè đầu, cưỡi cổ người  dân. Một bộ máy như vậy, cần phải đào thải và chắc chắn sẽ bị nhân dân đào thải. Các nghiên cứu mới đây (xem Acemoglu) cho thấy chính thể chế, bộ máy nhà nước là nguyên nhân dẫn đến sự giàu có hay nghèo khổ của các dân tộc. Cải cách thể chế là khâu then chốt nhất để thúc đẩy cải cách kinh tế và tiến bộ xã hội ở Việt Nam hiện nay”.
“Sớm ban hành Luật về hội, sửa đổi Luật Báo chí nhằm tạo ra một không gian tranh luận bình đẳng vì lợi ích dân tộc, khuyến khích các hoạt động phản biện xã hội theo luật pháp, bảo đảm quyền tự do, dân chủ đã được hiến định của người dân. Xã hội loài người đã thay đổi rất mạnh mẽ, nhanh chóng, trở nên rất đa dạng và phức tạp. Công nghệ  thông tin, truyền thông, Internet đã xóa bỏ độc quyền thông tin, độc quyền chân lý, che dấu sự thật. Một xã hội muốn phát triển phải là xã hội cởi mở, bao dung, tạo ra cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi người, chia sẻ lợi ích công bằng với đóng góp của mỗi thành viên trong xã hội, thực sự thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, sắc tộc, quá khứ, thành phần giai cấp ở trong nước hay ngoài nước, thống nhất trong lợi ích dân tộc, xây dựng đất nước”.
“Acemoglu và Robinson (giáo sư Daron Acemoglu và giáo sư James Robinson đồng tác giả tác phẩm “Vì sao có những quốc gia thất bại, nguồn gốc của quyền lực, thịnh vương và nghèo đói”) lập luận rằng, nếu một chế độ tước đoạt lên nắm quyền,  tức là quyền lực chính trị bị tập trung trong một nhóm nhỏ thì không có sự thịnh vượng hay quyền tư hữu nào có thể cứu đất  nước đó khỏi kết cục suy tàn vì quyền sở hữu có thể bị thao túng. Nếu quyền lực chính trị có sự tham gia rộng rãi của quần chúng thì thể chế chính trị và kinh tế có thể mang lại sự thịnh vượng và phúc lợi cho đông  đảo quần chúng.
Lập luận của họ là mức thịnh vượng hiện đại đó dựa trên những nền tảng chính trị. Sự thịnh vượng gần như do đầu tư và sáng tạo tạo ra, nhưng đây là những hành vi của niềm tin: các nhà đầu tư và nhà sáng tạo phải có những lý do tin cậy để nghĩ rằng, nếu thành công, họ sẽ  không bị những kẻ quyền thế cướp bóc. Để chính thể cung cấp bảo đảm  như vậy, phải có hai điều kiện: phải giữ quyền lực tập trung và các thiết chế quyền lực phải dân chủ. Nếu không có quyền lực tập trung, sẽ sinh rối loạn và không tạo điều kiện cho đầu tư và kinh doanh”

Cuối cùng Báo cáo kết luận:
Đổi mới tư duy và thể chế kinh tế là khâu then chốt để thực hiện tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phù hợp với xu thế tăng trưởng xanh, bền vững của thế giới. Quá trình này không tốn kém về tài chính, không cần đầu tư vốn lớn nhưng đòi hỏi quyết tâm chính trị caođể vượt qua được những nhóm lợi ích và tư duy nhiệm kỳ. Với tư duy mới và thể chế mới, năng lực mới, quá trình tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam sang một giai đoạn phát triển mới” 

Toàn văn báo cáo, tải tại: http://ecna.gov.vn/ct/bctk/Lists/BaoCaoThongKe/View_Detail.aspx?ItemID=23

Vấn đề cuối cùng được đặt ra là: làm sao để có quyết tâm chính trị cao??

                  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến