Đó là cuộc Cải cách Minh Trị (1868- 1912). Thời kì trị vì của Minh Trị là thời đại diễn ra những cải cách có tầm mức sâu rộng về mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, quân sự vv…đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến thành một quốc gia tư bản tiên tiến sánh vai với các Liệt cường phương Tây.
Kinh tế
Để gạt bỏ những trở lực của sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, nhằm gia tăng tài chính cho chính phủ trong điều kiện nền kinh tế công thương nghiệp hãy còn thấp, chính phủ ban bố các sắc lệnh cải cách ruộng đất. Năm 1872, chính phủ tuyên bố cho tự do mua bán ruộng đất, đo lại ruộng đất và cấp giấy sở hữu đất đai cho người có ruộng thực tế. Với sắc lệnh này, một tầng lớp nông dân tư hữu đã ra đời, trong đó có cả một bộ phận địa chủ làm ăn theo lối mới, đây là tiền thân của giai cấp tư sản nông thôn xuất hiện ngày càng đông đảo. Cải cách về ruộng đất dẫn đến việc cải cách về chế độ thuế. Năm 1873, pháp lệnh về thuế được ban hành, theo đó nhà nước đánh thuế ruộng đất bằng tiền thống nhất trong cả nước. Cải cách ruộng đất đã góp phần tăng nguồn thu nhập cho quốc gia để giải quyết khó khăn về tài chính ban đầu. Chính sách cải cách ruộng đất là một trong những đòn bẩy tích lũy tư bản nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Chính phủ thực hiện chính sách “Thực sản hưng nghiệp” với quyết tâm xây dựng một nền đại công nghiệp làm nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế. Nhà nước bỏ tiền đầu tư những xí nghiệp làm nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế. Trước hết nhà nước đầu tư vào những xí nghiệp lớn sử dụng thiết bị và kĩ thuật tiên tiến của phương Tây để làm mẫu hoặc sau đó sẽ chuyển nhượng cho tư nhân với giá rất rẻ. Các tập đoàn Mitxưbisi, Mítxưi …chính là các tập đoàn được nhà nước chuyển nhượng.
Thứ hai, nhà nước đã phát hành công trái hoặc lấy danh nghĩa nhà nước lập “Quỹ tài trợ công ty” để hỗ trợ vốn khuyến khích tư nhân kinh doanh, tính ra từ 1875 đến 1885 quỹ này đã hỗ trợ đến 1.470 000 yên.
Thứ ba, chính phủ còn chú trọng nhập khẩu những thiết bị và kĩ thuật tiên tiến nhất của kĩ nghệ phương Tây đưa vào nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Nhật Bản. Tất nhiên Chính Phủ cũng nhận thức rằng không chỉ mua máy móc về mà còn phải biết sử dụng nó. Do đó một mặt Chính Phủ mời các chuyên gia kĩ thuật ngoại quốc với mức lương ưu đãi đến Nhật Bản làm việc. Mặt khác chính Phủ tăng cường gởi học sinh đi du học ở nước ngoài để nhanh chóng tạo ra một nguồn lực chất xám tại chỗ đáp ứng yêu cầu của cuộc cải cách. Trong Thương Nghiệp, trong hai năm 1868 và 1869, Chính phủ ra lệnh xóa bỏ tất cả các trạm thuế ở biên giới do các phiên đặt ra trước đây, đồng thời tuyên bố tự do mậu dịch. Những chính sách này đã góp phần xóa bỏ những rào cản mở đường cho nền thương nghiệp (cả nội thương và ngoại thương) phát triển mạnh mẽ trong quỹ đạo kinh tế hàng hóa.
Bên cạnh những cải cách trên, Chính phủ cũng tiến hành một số cải tổ trong lĩnh vực tài chính như: mở xưởng đúc tiền, quy định đồng Yên là đồng tiền dùng thống nhất trong cả nước, thiết lập một hệ thống ngân hàng theo hình mẫu của Mỹ.
Đến đầu thế kỉ XX, những cải cách trên lĩnh vực kinh tế còn được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt ngành công nghiệp, do Nhật Bản kiếm được một nguồn chiến phí dồi dào và một thị trường lớn qua hai cuộc chiến tranh (Chiến tranh Nhật- Trung 1894- 1895 và cuộc Chiến tranh Nhật- Nga năm 1904- 1905). Hơn nữa, nhà nước lại có những chính sách thích hợp thu hút đầu tư liên doanh của các nước có nền kinh tế phát triển mạnh như Mỹ, Đức. Với những chính đó, Nhật Bản đã trở thành cường quốc tư bản ở khu vực và đang chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Chính trị
Ngày 27/4/1868, Thiên Hoàng long trọng tuyên bố “Chính thể thư” nhằm xác định mô hình chính trị của Nhật Bản trên cơ sở học tập các mô hình chính trị của các nước Châu Âu. Theo đó về hình thức nhà nước Nhật Bản là nhà nước Quân chủ Lập hiến, nhưng thực tế mọi quyền hành đều nằm trong tay Thiên Hoàng.
Quốc Hội có hai viện, Thượng Viện gồm những người do Thiên Hoàng chỉ định thuộc dòng dõi Hoàng Triều, những người có công lao, đóng thuế cao, nhiệm kì suốt đời. Hạ Viện do bầu cử nhưng điều kiện cử tri rất khắt khe, chỉ áp dụng đối với nam giới từ 21 tuổi trở lên và có tài sản. Ngoài ra Thiên Hoàng còn cử ra một cơ quan gọi là Cơ Mật Viện gồm những chính trị gia có công lao xuất thân từ các phiên Tây Nam, được tham gia ý kiến với Thiên Hoàng trong các vấn đề trọng yếu của quốc gia.
Hiến Pháp Minh Trị được xây dựng trên cơ sở tham khảo các bản hiến pháp của Đức và Mỹ được chính thức công bố vào ngày 11/2/1889 đã xác nhận về mặt pháp lý thể chế chính trị Nhật Bản và có giá trị cho đến năm 1945. Thực chất đó là một nhà nước quân chủ chuyên chế khoác áo đại nghị, thích hợp với điều kiện lịch sử của Nhật bản lúc bấy giờ. Việc cải tạo Nhật Bản phong kiến trở thành một nước tư bản là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, do vậy cần phải có một chính quyền đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ. Không bao lâu sau cuộc cách mạng năm 1868, chính quyền Minh Trị đã từng bước xóa bỏ chế độ Phiên phiệt, cả nước bây giờ có 72 huyện và 3 phủ. Nước Nhật đã trở thành một quốc gia Trung ương Tập quyền với đúng nghĩa của nó, bắt đầu đặt nền tảng cho sự hình thành thị trường thống nhất trong cả nước, cải cách về chính trị vì thế là cải cách có ý nghĩa tiên quyết.
Văn hóa- giáo dục
Những biến đổi về kinh tế đã kéo theo những biến đổi sâu sắc về cơ cấu giai cấp và xã hội. Do đó nhà nước phải có một số chính sách để điều chỉnh. Chính Phủ ban bố chính sách xóa bỏ chế độ đẳng cấp phong kiến, bây giờ chỉ còn những giai tầng: Hoa tộc, Sĩ Tộc, Bình Dân. Giữa những giai tầng này được phép gả cưới lẫn nhau. Đẳng cấp võ sĩ và những đặc quyền của đẳng cấp này cũng bị xóa bỏ, họ có thể được cấp một khoản lương để về quê làm ăn hoặc bỏ vào kinh doanh, những người trẻ tuổi có thể gia nhập quân đội, tuy nhiên tư tưởng Võ sĩ đạo thì vẫn được chính quyền mới phát huy trong quân đội do đó nó vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lâu dài trong xã hội Nhật Bản.
Ngay từ đầu, Chính phủ Minh Trị đã nhận thức rất rõ rằng muốn học tập và tiếp thu một cách thực sự nền khoa học của phương Tây, thì cần phải bắt đầu từ giáo dục. Do đó giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu là chìa khóa để Cận đại hóa Nhật Bản. Sau khi đã cử những đại biểu sang các nước Âu Mỹ để tham quan mô hình giáo dục của các nước, năm 1872 Chính phủ ban bố sắc lệnh thành lập Bộ Giáo Dục và ban hành Học chế. Học chế bao gồm 213 điều xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương châm, quy mô của nền Giáo Dục mới là phải đảm bảo “Không có người nào thất học, không nhà nào không có người học, không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, giai tầng xã hội vv…” (Lưu Tộ Xương, 2002: 90). Để đảm bảo cho việc thực thi mục tiêu Giáo Dục, Chính Phủ còn ban hành lệnh cưỡng bức giáo dục, theo đó trẻ em bất luận trai hay gái đến tuổi đi học phải đến trường, học ít nhất 3 năm. Phương châm của nền Giáo Dục mới cũng được xác định là “Học đi đôi với hành, nền học thuật không tách rời với đời sống, học dựa trên tinh thần khoa học độc lập có phê phán”, đặc biệt là trên nguyên tắc “Khoa học phương Tây, đạo đức Nhật Bản”, chính nhờ việc xác định đúng đắn phương châm giáo dục, cho nên Nhật Bản du nhập, học hỏi khoa học kĩ thuật phương Tây để cận đại hóa rất mạnh mẽ, nhưng không hề bị phương Tây hóa. Mô phỏng theo những mô hình giáo dục tiên tiến hiện đại của các nước Âu Mỹ (chủ yếu là của Pháp). Hệ thống Giáo dục của Nhật Bản trên cơ sở tham khảo mô hình của nền Giáo dục Pháp được chia làm 8 khu Đại học trong cả nước, mỗi khu có 32 khu Trung học, mỗi khu trung học có 10 khu Tiểu học, ngoài ra còn có hệ thống Trường Chùa hoặc các Trường tư. Để nhanh chóng cận đại hóa nền Giáo dục, một mặt Chính phủ cho mời các chuyên gia giáo dục ngoại quốc sang dạy. Mặt khác, Chính phủ tăng cường gởi học sinh đi du học ở nước ngoài không phân biệt thành phần xuất thân. Mở các trường ngoại ngữ cũng là một chính sách tạo điều kiện cho người Nhật Bản có điều kiện chủ động tiếp thu văn minh phương Tây rất có hiệu quả.
Những thành quả của giáo dục là hết sức to lớn, không chỉ đem tri thức văn hóa phổ cập đến toàn dân nhằm nâng cao dân trí, mà còn tạo ra một đội ngũ lao động có chất xám phục vụ cho công cuộc cải cách trong thời kì cận đại do đó còn có ảnh hưởng sâu sắc lâu dài đến sự phát triển của Nhật Bản ngày nay.
Quân sự
Nước giàu binh mạnh là mục tiêu cuối cùng của quá trình cải cách, muốn vậy thì trước hết phải tăng cường sức mạnh quân đội và khả năng quốc phòng của đất nước. Năm 1870 Chính phủ ban hành sắc lệnh Cải tổ quân đội theo hình mẫu của các nước phương Tây gồm có hai lực lượng Lục quân và Hải quân. Lục quân theo mô hình Phổ, Hải quân theo mô hình Anh. Năm 1873 chính phủ áp dụng Luật Trưng binh, theo đó thanh niên đến 20 tuổi bất kể Bình dân hay Võ sĩ đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự ba năm tại ngũ và bốn năm dự bị. Thực hiện chế độ Trưng binh có nghĩa là xóa bỏ quân đội võ sĩ theo kiểu phong kiến cũ, để thành lập quân đội của giai cấp tư sản, tước đoạt quyền đặc quyền lũng đoạn quân sự của các võ sĩ và trưng binh từ trong dân chúng. Tuy nhiên để giảm thiểu sự phản kháng từ phía các võ sĩ, Chính Phủ lại sử dụng những người thuộc tầng lớp các võ sĩ đảm nhiệm các chức vụ sĩ quan cao cấp trong quân đội. Năm 1878, chính phủ ban bố “Điều lệnh quân nhân”, trên cơ sở kế thừa luật Busiđô, theo đó binh lính phải trung thành tuyệt đối với Thiên Hoàng, dũng cảm không sợ chết, khi cần thiết phải dám tuốt gươm “mổ bụng”, binh lính phải xem sĩ quan như cha của mình. Có thể nói, Chế độ quân sự và cảnh sát kiểu mới của Nhật Bản là sự hổn hợp giữa tàn dư phong kiến và tư sản. Quân đội mới đã nhanh chóng trưởng thành và chẳng bao lâu đã giành được thắng lợi qua hai cuộc thử sức trong Chiến Tranh Nhật- Trung (1894- 1895) và trong Chiến Tranh Nhật- Nga (1904- 1905).
Ngoài những chính sách cải cách cơ bản trên, Thiên Hoàng Minh Trị còn tiến hành những cải cách về văn hóa, tư tưởng vv…tạo nên những biến chuyển sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội Nhật Bản.
Tóm lại, Minh Trị Duy Tân là một cuộc cách mạng bởi vì nó đã biến đổi Nhật Bản từ một nước phong kiến có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thành một nước tư bản có nền công nghiệp hiện đại, có lực lượng quân sự hùng mạnh, văn hóa giáo dục tiên tiến vv… nhờ đó Nhật Bản đã rút ngắn được khoảng cách phát triển với các quốc gia Âu- Mỹ trong một thời gian kỉ lục.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét