Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

bởi Doan Trang vào ngày 29 tháng 8 2012 lúc 11:09 sáng ·

(Bài viết từ năm 2008, đến nay số liệu đã cũ, tuy vậy một số vấn đề mang tính "lý thuyết căn bản" trong bài vẫn đúng. Tôi hy vọng nó có giá trị thông tin phần nào đối với một số bạn đọc. Chắc chắn bài có nhiều lỗi, sai sót, mong được các bạn góp ý và xin cảm ơn trước.)

* * *

Khi Nhà nước không bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nữa, thì giá xăng sẽ bị thả nổi và nương theo biến động giá dầu trên thị trường quốc tế. Vậy giá dầu thế giới tăng, giảm thế nào? Những yếu tố gì quyết định việc người tiêu dùng phải trả bao nhiêu tiền cho một lít xăng?

Giá dầu trên thị trường thế giới diễn biến tăng, giảm theo từng tháng, từng tuần, thậm chí từng ngày và theo từng địa điểm. Nói cách khác, mỗi nơi lại có những mức giá khác nhau. Chẳng hạn, trong cùng một nước Mỹ - một trong những nước tiêu thụ dầu nhiều nhất, đồng thời là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới - giá xăng cũng khác nhau theo từng bang.

Về bản chất, xăng dầu là một mặt hàng như mọi thứ hàng hóa khác. Giá của nó phụ thuộc vào hai yếu tố chính: 1. chi phí sản xuất, và 2. cầu của người tiêu dùng.

Bài toán muôn thuở: chi phí sản xuất

Tại Mỹ, vào tháng 2/2006, giá bán lẻ một gallon (tương đương 1,8 lít) xăng là 2,28 USD. Theo Cục Năng lượng Mỹ, chi phí sản xuất ra một gallon xăng này được phân bổ như sau:
  • Thuế chiếm 20%
  • Chi phí phân phối, vận hành kinh doanh: 11%
  • Chi phí lọc: 10%
  • Chi phí khai thác dầu thô: 59%
Tất nhiên, tỷ lệ này không cố định cho mọi lúc mọi nơi, nhưng đó là bốn yếu tố cơ bản cấu thành chi phí sản xuất xăng.

1. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành xăng là chi phí sản xuất và cung ứng dầu thô. Đến lượt nó, chi phí này phụ thuộc vào sản lượng của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới, nhất là 11 quốc gia trong khối OPEC: Algeria, Indonesia, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Qatar, Ảrập Xêut, Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất, và Venezuela.

11 nước này cung ứng 40% sản lượng dầu thô và nắm giữ hai phần ba dự trữ dầu thô của thế giới. Ở vị thế đó, mọi sự điều chỉnh sản lượng của họ đều có ảnh hưởng quyết định đến giá dầu thô thế giới.

Ngoài OPEC, một số quốc gia khác cũng có vai trò ảnh hưởng đến lượng cung ứng dầu thô của thế giới, như Mỹ, Mexico, Canada, Nga và Trung Quốc.

Sản lượng dầu thô thay đổi tùy thuộc vào quyết định chủ quan của các nước xuất khẩu lớn và vào năng lực sản xuất của họ.

2. Chi phí lọc dầu chiếm một tỷ lệ nhỏ trong giá thành xăng. Được hút lên từ lòng đất, dầu thô còn cần phải qua quá trình xử lý để có thể trở thành vô số sản phẩm tiêu dùng, thành phẩm của dầu: dầu hỏa, dầu nhờn, xăng, ga…

Người ta phân loại dầu thô thành loại ngọt, nhẹ và loại chua, nặng. Dầu thô loại ngọt, nhẹ dễ lọc hơn, chi phí thấp hơn, hiện nay đang cạn kiệt dần. Còn dầu thô loại chua, nặng thì trữ lượng còn nhiều, do việc lọc khó hơn và tốn kém hơn. Nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới hiện chưa đủ khả năng xử lý dầu thô loại chua, nặng.

Nếu trên thị trường, vào một thời điểm nào đó, lượng cung ứng dầu thô tuy nhiều nhưng chủ yếu là dầu loại chua, nặng, thì như vậy giá dầu quốc tế vẫn có thể ở mức cao do thiếu hàng.

3. Dầu thô sau khi khoan hút sẽ được vận chuyển tới nhà máy lọc, rồi từ nhà máy lọc, các chế phẩm sẽ được xuất tới hệ thống phân phối. Chi phí vận chuyển, phân phối, cũng như chi phí vận hành của công ty sản xuất, đều được tính vào giá thành sản phẩm. Theo lẽ thông thường thì trạm xăng nào nằm gần nhà máy lọc dầu, giá xăng tại đó sẽ thấp hơn nhờ được hưởng chi phí vận chuyển thấp hơn.

4. Thuế cũng chiếm một tỷ lệ cao trong các yếu tố cấu thành giá xăng. Ở Việt Nam, mặt hàng xăng khi đến tay người tiêu dùng đã phải chịu VAT khi nhập khẩu và VAT khi bán hàng, cũng như một khoản phí gọi là phí xăng dầu. Thuế nhập khẩu được miễn (thuế suất bằng 0%).

Ở Mỹ, tỷ lệ thuế trên giá thành xăng này là 20%. Ở Anh, con số có lúc lên tới trên 70%. Giá xăng ở châu Âu, cụ thể tại một số nước như Anh, Nauy, cao hơn ở Mỹ, do mặt hàng này chịu mức thuế cao hơn.

Tại Mỹ, vào cùng một thời điểm, giá xăng có thể khác nhau tùy từng bang. Nguyên nhân lớn nhất là do các bang áp dụng biểu thuế xăng khác nhau. Có bang bắt buộc nhà sản xuất xăng phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về đảm bảo vệ sinh môi trường, vì thế mà đẩy giá xăng lên cao hơn. Bên cạnh đó, giá được các công ty kinh doanh xăng dầu tư nhân tự điều chỉnh để cạnh tranh với nhau trên thị trường.

Cầu và cung – vấn đề kinh điển của kinh tế thị trường

Xăng dầu là hàng hóa. Và vì là hàng hóa cho nên ngoài chi phí sản xuất, giá của nó còn phụ thuộc vào cầu của thị trường. Chẳng hạn, mùa du lịch, nhiều người có nhu cầu đi chơi xa, cầu về xăng tăng. Giá xăng vì thế mà cao lên. Khi thị trường dầu thô thế giới bị thắt chặt, cung về xăng giảm, không đáp ứng cầu. Giá xăng cũng vì thế mà cao lên.

Từ lúc thăm dò khai thác đến khi xăng ra thị trường, đến tay người tiêu dùng, là cả một quá trình: khai thác, lọc, phân phối. Bất kỳ khi nào có một khâu trong quá trình này bị ảnh hưởng, cung sẽ bị tác động và giá xăng dầu sẽ thay đổi.

Yếu tố gây ảnh hưởng có thể là thiên tai (bão lụt, động đất), chiến tranh… làm sập dàn khoan dầu, tàn phá nhà máy lọc dầu hay tàu chở dầu, ngăn cản các công ty khai thác và vận chuyển dầu thô v.v. Năm 2005, thảm họa bão Katrina đã đẩy giá dầu trên thị trường New York tăng vọt từ 66,13 USD/thùng lên 70,80 USD/thùng giao tháng 10 (phiên giao dịch ngày 26/8).

Giá xăng ở Việt Nam

Hiện tại (năm 2008) Việt Nam mới chỉ có một nhà máy lọc hóa dầu duy nhất sắp đi vào hoạt động Dung Quất. Do vậy, cho đến nay, chúng ta vẫn phải nhập khẩu dầu (đã qua xử lý). Cung ứng dầu ở nước ta vì thế chưa phải là một chu trình khép kín.

Giá xăng bán lẻ được tính bằng cách cộng giá nhập khẩu (CIF) với thuế (gồm thuế nhập khẩu, VAT) và phí lưu thông (gồm các chi phí như vận chuyển, lưu kho, bảo quản, khấu hao, tiền lương công nhân…).

Việc Nhà nước bù lỗ cho đơn vị kinh doanh xăng dầu dẫn tới thực tế là giá xăng ở Việt Nam không theo sát thị trường thế giới. Cho nên hiện nay giá xăng ở nhiều nước đang có chiều hướng giảm, mà tại Việt Nam, người tiêu dùng lại phải chịu những cú sốc tăng giá.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, với mức giá bán lẻ bảo đảm kinh doanh 19.000 đồng/lít, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bắt đầu có lãi. Nhà nước không phải bù lỗ nữa, giá xăng ở Việt Nam sẽ sớm theo sát thị trường thế giới, và giảm khi mức giá chung giảm.

Xăng dầu – “vàng đen” của nền kinh tế

Một cách ngắn gọn, giá xăng tăng nghĩa là cước phí vận chuyển của tất cả các hàng hóa sẽ tăng. Khi đó, lạm phát là điều hoàn toàn có thể. Trong tất cả các nguồn nhiên liệu hiện được sử dụng, không nguồn nào có ảnh hưởng mạnh và nhanh chóng như xăng dầu tới nền kinh tế.

Dầu mỏ luôn đe dọa sự vận hành của đời sống hiện đại, cũng như giá dầu mỏ luôn tiềm ẩn khả năng làm nghiêng ngả nền kinh tế. Và vì thế, câu hỏi ám ảnh xã hội hiện đại bây giờ là: 1. Dưới lòng đất còn bao nhiêu dầu nữa? 2. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta hết dầu?

Dưới lòng đất còn bao nhiêu dầu nữa? Trong lời tựa cuốn “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực” (tác giả Daniel Yergin, NXB Chính trị Quốc gia, 2008), GS-TS. Hồ Sĩ Thoảng viết: “Theo đánh giá của các nhà khoa học thì trong tương lai còn có thể tìm thêm được khoảng từ 275 đến 1.469 tỷ thùng dầu nữa… Nghĩa là kỷ nguyên dầu mỏ còn có thể kéo dài thêm 40-50 năm, hoặc dài hơn, ngắn hơn, tùy mức sử dụng hàng năm tăng hay giảm”. Để tăng sản lượng khai thác, các công ty sẽ phải tăng cường hiện đại hóa công nghệ, tìm kiếm những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm được chi phí thăm dò khai thác.

Và như vậy, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta hết dầu? Không như nhiều người lo sợ, câu trả lời thú vị là có lẽ chúng ta sẽ không hết dầu, hay nói đúng hơn, không chờ được đến lúc đó. Bởi lẽ, khi những nguồn dầu dễ tiếp cận đã bị khai thác hết, việc thăm dò và khai thác các mỏ dầu mới sẽ khó khăn hơn. Cuối cùng, chi phí sản xuất thứ “vàng đen” này rồi sẽ trở nên đắt cắt cổ trước khi lòng đất kịp cạn kiệt dầu. Giá dầu tăng lên sẽ buộc con người phải chuyển sang những nguồn năng lượng khác, rẻ hơn.



Nguồn: Hội những người thích chế Doraemon
Nguồn https://www.facebook.com/notes/doan-trang/gi%C3%A1-d%E1%BA%A7u-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-v%C3%A0-gi%C3%A1-x%C4%83ng-vi%E1%BB%87t-nam/10150677069978040

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến