Trong thực tiễn, mỗi con người luôn phải thực hiện các hoạt động giao tiếp, ứng xử với tự nhiên, với cộng đồng và với chính mình trong quá trình bảo tồn và phát triển đời sống cá nhân và cộng đồng. Trong cùng một điều kiện tự nhiên, xã hội cụ thể thuộc các không gian và thời gian khác nhau có kiểu bảo tồn và phát triển khác nhau, từ đó hình thành lối sống của một cá nhân hay một cộng đồng, nói cách khác, lối sống là những đặc điểm chủ yếu trong hoạt động của một cá nhân, một cộng đồng. Lối sống được biểu hiện qua các hoạt động của cá nhân, cộng đồng gồm các hoạt động vật chất (hoạt động sản xuất, các hoạt động đời thường) và hoạt động tinh thần chủ yếu là trong hoạt động đời sống văn hóa (hoạt động sang tạo và hoạt động hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật…). Đặc điểm lối sống biểu hiện qua các bình diện là nếp sống, mức sống và kiểu sống. Nếp sống là những hành vi ứng xử được lặp đi lặp lại thành một thói quen, thành một tập quán, thành một phong tục được xã hội công nhận. Mức sống là trình độ thõa mãn nhu cầu về vật chất và văn hóa của cá nhân hay một cộng đồng. Kiểu sống là hình thức biểu hiện cụ thế của lối sống của một cá nhân, một cộng đồng nhỏ. Ví dụ như kiểu sống của một cá nhân, một gia đình cụ thể nào đó, kiểu sống của một cộng đồng nhỏ như kiểu sống của lớp trẻ, kiểu sống của văn nghệ sỹ, kiểu sống công chức (sáng vác ô đi, tối vác về)….
Xét từ mối quan hệ giữa lối sống cá nhân và lối sống cộng đồng thì lối sống của cộng đồng là tổng hòa lối sống cá nhân của mọi thành viên trong cộng đồng được biểu hiện qua một bảng giá trị xã hội nào đó. Bảng giá trị này gồm hệ thống các nhóm giá trị rất phong phú tương tác với nhau trên một trục giá trị chuẩn gọi là các chuẩn giá trị xã hội. Như vậy, lối sống mang tính văn hóa. Tính chất của bảng giá trị biểu hiện văn hóa của lối sống của một cá nhân, của một cộng đồng.
Xét từ cơ chế hoạt động của con người là: Nhu cầu > lợi ích > hoạt động, tức là con người làm gì? Làm như thế nào để thõa mãn nhu cầu của mình? Thì lối sống được thể hiện trong tất cả các khâu, từ lựa chọn nhu cầu, theo đuổi lợi ích đến lựa chọn phương thức hoạt động, trong đó cốt lõi là những ưu tiên về nhu cầu (trí tuệ, tinh thần, vật chất) quy định lối sống của một cá nhân, một cộng đồng. Lựa chọn nhu cầu ưu tiên nào thì có lối sống tương ứng với lựa chọn đó. Việc lựa chọn nhu cầu ưu tiên nào, trước hết phụ thuộc vào nhận thức về các nhu cầu và sau nữa điều kiện cho phép của sự lựa chọn của một cá nhân, một cộng đồng.
Từ hai mối quan hệ trên cho ta thấy, một mặt lối sống của xã hội là kết quả hoạt động của các thành viên trong xã hội và khi đã hình thành thì lối sống lại trở thành môi trường khách quan và quy định hoạt động của cá nhân với tư cách là một thành viên của xã hội thông qua bảng giá trị xã hội. Điều này cho ta thấy khi các “chuẩn giá trị xã hội” thay đổi và “chuẩn giá trị xã hội” mới chưa hình thành thì các hoạt động xã hội có biểu hiện rối loạn, “lạc chuẩn”. Mặt khác, hoạt động con người lại bắt đầu từ trong cách nghĩ, cách tư duy, tức thay đổi cách nghĩ, cách tư duy thì sẽ thay đổi hoạt động và từ đó thay đổi lối sống của một cá nhân hay một cộng đồng; đây là mặt chủ quan của chủ thể đối với lối sống xã hội và cũng là cơ sở của nền giáo dục khai phóng hướng tới sự thay đổi tiến bộ xã hội.
Xét cho cùng giáo dục chính tạo ra cách nghĩ, cách tư duy tiến bộ trong hoạt động của con người, từ việc chọn nhu cầu, theo đuổi lợi ích đến lựa chọn phương thức hoạt động của mỗi cá nhân, thông qua đó hình thành lối sống mới của từng cá nhân và lối sống tiến bộ của toàn xã hội. Trong đó, các tư duy tác động trực tiếp lên vệc hình thành lối sống của mỗi cá nhân và theo tôi, đây cũng là 3 vấn đề mà nền giáo dục theo đuổi đó là: tư duy khoa học, tư duy nghệ thuật và tư duy đạo đức
- Tư duy khoa học: Giáo dục chính là biến con người từ tư duy kinh nghiệm, tư duy tiền khoa học sang tư duy khoa học – tư duy nhận chân sự vật. Cùng với phát triển tư duy khoa học sẽ xây dựng nên một nhận thức về lối sống khoa học, một phương thức làm việc và phương thức xử lý các mối quan hệ trong cuộc sống trên tinh thần tôn trọng sự thật.
- Tư duy nghệ thuật là tư duy hướng tới cái đẹp, tư duy về cái đẹp, cổ vũ cho cái đẹp vì thế sự phát triển năng lực tư duy nghệ thuật (sáng tạo, cảm thụ) có tác động hình thành lối sống đồng thuận (đồng cảm tới đồng thuận), hướng tới giá trị của cái đẹp.
- Tư duy đạo đức là tư duy hướng tới việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và những giá trị người. Nói cụ thể hơn, tư duy đạo đức là tìm lời giải cho những câu hỏi, chẳng hạn, ý nghĩa cuộc sống con người là gì; thế nào là thiện; thế nào là ác; hạnh phúc là gì… Tư duy đạo đức là cơ sở cho việc lựa chọn nhu cầu ưu tiên (quan niệm về hạnh phúc) và quan trọng hơn là điều chỉnh phương thức hoạt động của con người ( quan niệm về thiện, ác) nói cách khác tư duy đạo đức hình thành lẽ sống đúng đắn – lẽ sống làm người - là cốt lõi của lối sống của một cá nhân, một cộng đồng.
Như vậy giáo dục chính là quá trình phát triển tư duy khoa học, tư duy nghệ thuật và tư duy đạo đức hình thành và phát triển năng lực người được đánh giá qua 3 chỉ số : IQ, EQ và AQ hình thành lối sống với 3 chuẩn mực giá trị tối thượng là CHÂN, THIỆN và MỸ và cốt lõi của nó là lẽ sống LÀM NGƯỜI.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét