Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012



"Số liệu về tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê công bố tại buổi “Công bố số liệu Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm”, ngày 29-6, cho thấy, 6 tháng đầu năm số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh lên tới 26.324 doanh nghiệp, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm. Đáng chú ý số doanh nghiệp giải thể tăng
 tới 35,4%."

Con số thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê đấy nhé. Ở nước ta, người có đầu óc dùng vào việc suy nghĩ đều biết các con số thống kê chính thức như thế này thường không đáng tin cậy bởi nó không phản ánh đúng thực tế. Thông thường, cái gì tốt-đẹp-thơm thì những con số thống kê hay cộng thêm, nhân thêm lên cho nó hoành tá tràng. Những gì dở-xấu-thối thì con số thống kê phải giảm bớt đi, thậm chí chia đi vài phần cho đúng định hướng. Thêm vào đó, trong lúc nền kinh tế rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh như thế này thì những con số thực có khác chi chén thuốc độc đưa con bệnh sớm về cõi thiên đường của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Cho nên, việc mông má con số đấy vốn có thể thông cảm được. Cứ một vòng ra đường khắc biết ngay, nhà nhà mặt tiền treo bảng cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng kinh doanh mà có mống nào thèm hỏi thăm đâu. Người người than thở "tình hình này chắc chết", ai cầm cự được thì "cố mà thủ nhé, dương bây giờ toi ngay". Thực tế nó vậy. Ai lạc quan thì cứ việc chứ mỗ đây không dám lạc quan thế. Bởi mỗ cũng đuối quá rồi mà các bạn mỗ cũng lắm thằng hỏi vay tiền mỗ, đâu biết mỗ cũng đi xoay tiền vòng vòng duy trì công ty.

Các nhà kinh tế học vốn trọng con số thống kê. Điều này không có gì sai. Con số thống kê vốn nói lên hiện trạng đang xảy ra. Nhưng theo mỗ thì qua những con số trên cũng như qua quan sát của riêng cá nhân mỗ thì thấy nghiêm trọng hơn nhiều.

Năm 1997, lúc đó mỗ đang còn ngồi trên giảng đường đại học, ăn cơm nhà, sách đít đến trường nghe giảng kinh tế học vĩ mô, vi mô XHCN buồn ngủ muốn chết. Biết rằng khủng hoảng tiền tệ chi chi đó nhưng không ảnh hưởng đến mình mấy. Mỗ xem ti-vi thấy dân Nam Hàn quyên góp vàng ủng hộ chính phủ, quyết không ngửa tay xin tiền cứu trợ từ IMF và WB. Ôi chao ! Cái giống Đại Hàn làm mỗ khâm phục quá xá chừng. Quay sang Indonesia, Thailand, Malaysia, Mexico...thấy tình hình xem chừng bi đát quá thể. Mấy chục năm cố gắng phát triển thế là đổ xuống sông, xuống biển hết cả sao ? Dạo đấy, Việt Nam chưa gia nhập WTO, cửa thì mở rồi nhưng chưa hội nhập mấy. Cho nên, có xìu chút xíu nhưng không sao. Mỗ đã tận mắt chứng kiến nhiều mảnh đất dự định xây khách sạn, cao ốc văn phòng để chỏng chơ cho đến tận khi con mỗ lên 5 tuổi mới hoàn tất. Nhưng khi hỏi thăm các anh đi trước, những anh làm trong ngành xây dựng thì cú ngã đó làm mấy anh đau, đau và nhớ mãi cho đến tận hôm nay vẫn còn sợ. Sợ như con chim sợ cành cong.

Quả đắng lần này e chừng nặng nề, nghiêm trọng gấp trăm lần qủa năm 1997 à nghen. Mỗ vốn không phải dân chuyên phân tích kinh tế nên nhận xét cái mình thấy, mình nghe, mình cảm. Lần này, Việt Nam mình mở cửa toang hoác rồi. Luật là luật WTO, luật là luật biển lớn, luật là luật cạnh tranh sòng phẳng, khôn sống dại chết chứ không phải luật làng của xứ Mít nhà ta. Cho nên, các ông lớn nhà nước đổ ụp hàng loạt không sao cứu vãn dù chính phủ đã cho ngậm sâm Cao Ly cầm cự vẫn cứ thác về với Vinasink. Tư nhân, không quan hệ này nọ thì vẫy vẫy vùng vùng trong đìa nước cạn rồi tắt thở. Nói cho ngay, con cá doanh nghiệp đã đuối từ năm ngoái kia chứ không phải đến bây giờ. Nhưng do sĩ diện, với lại ngay cả cái quyền được chết cũng phải xin phép nên con số mới dừng lại ở mức thống kê 26.324 doanh nghiệp. Chứ không thì con số đấy phải nhân đôi, nhân ba lên ấy chứ lị. Mỗ cứ nói càn thế, ai thích thì tin, không thích cũng không sao.

Nhưng mỗ cho rằng, cái quan trọng hơn, vấn đề nghiêm trọng hơn không nằm ở con số 26.324 doanh nghiệp đã tắt thở đấy. Cái đau đớn nằm ở chỗ, quả đắng lần này sẽ giết chết TINH THẦN KHỞI NGHIỆP của nhiều thế hệ mà không tiền bạc nào có thể gầy dựng được. Ai nói mặc dầu, mỗ thì mỗ cứ cho rằng đã có rất nhiều thế hệ người Việt chỉ biết mỗi việc đánh nhau, đánh nhau rất hăng, đánh nhau rất giỏi. Đến nỗi khi nhìn vào lịch sử chỉ thấy mỗi máu và người chết, chết nhiều đến nỗi cho đến ngày hôm nay, qua hơn 30 năm trời vẫn không sao quy tập đầy đủ mà nhang khói cho ấm lòng người chết, dù chết như thế nào đi chăng nữa cũng một kiếp người Việt. Cái đận mở cửa năm 1992, nhiều người bỗng phất lên nhanh chóng, giàu nứt đố đổ vách. Nhưng đấy chẳng phải doanh nhân với lại doanh nghiệp gì cho cam, toàn thứ giàu lên nhờ chớp thời cơ theo kiểu mafia, buôn lậu, áp phe đất cát, khai thác-tàn phá tài nguyên đất nước chứ có sản xuất, lao tâm khổ tứ hưng vượng quốc gia gì cho cam. Những gì có thể bán thì đã bán, những gì có thể đào cũng đã đào, những gì có thể lừa lọc thiên hạ thì cũng đã lừa lọc cả rồi. Bây giờ các em nó chỉ còn nước mà húp cháo loãng. Thế hệ gian thương kế sau đấy có khá hơn tí nhưng về bản chất cũng chẳng có gì thay đổi. Cứ cái đà như thế này, còn lâu mới tiến lên một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đéo mẹ mấy cái văn bản với lại báo cáo thống kê, mỗ chẳng thể nào tin được chúng mày.

Chục năm trở lại gần đây, chẳng biết do cái nguyên cớ gì mà Việt Nam ta vô tình có một lứa thanh niên khá lắm. Trước đa phần làm thuê cho bọn tư bản đế quốc mà học hỏi cái hay của họ. Sau cũng tự tìm kiếm thông tin thế giới phẳng mà bổ xung kiến thức với lại trình độ. Có kẻ còn vận động cha mẹ bỏ triền ra ngoại quốc để đông du, tây du. Trước là lập thân với đời, sau là hưng vượng quốc gia. Hầu hết những kẻ mà các anh đại gia đi trước cho là ngựa non này tuy chưa thể gây nên tiếng vang nhưng xem ra tất thảy đều làm ăn tử tế lắm. Quốc gia chưa thể nhờ vào thế hệ này mà sánh vai cường quốc nhưng xem ra cái mầm mống, cái hạt giống tốt đã gieo mầm vào lòng đất rồi. Cái tinh thần khởi nghiệp này nó lan tràn rất nhanh, anh nào kha khá tí đều ra mở công ty riêng. Thành công có, chưa thành công có nhưng không thấy ai kêu khó kêu nản. Đến nỗi tụi tư bản đế quốc cũng lo lắng vì thiếu người làm chuyên môn cao. Chúng nó không nói ra nhưng cũng thán phục cái tinh thần tự cường của thanh niên nhà mình lắm lắm. Nhưng đùng một cái, nói thế thôi chứ đùng thế nào được, cái này tất yếu phải xảy ra:  ĐI TONG RỒI MỘT TINH THẦN KHỞI NGHIỆP mà con số 26. 324 doanh nghiệp tắt thở chỉ mới khởi đầu một cái chết tập thể. Họ đau khổ khi nhận ra rất, rất nhiều sự thật đau lòng mà mỗ không tiện liệt kê hoặc liệt kê không xuể. Họ đơn độc nhìn cái chết của doanh nghiệp mình chìm theo vận mệnh hưng vượng quốc gia. Cú ngã này, cái sang chấn tâm lý lần này xem chừng còn nghiêm trọng hơn những con số câm lặng kia. Họ mất tất cả nhưng ghê gớm nhất là mất niềm tin. Một số sẽ nhận ra rằng chẳng thể làm ăn đàng hoàng ở cái xứ sở này dù họ yêu thương vô vàn mảnh đất này, họ biến mình thành doanh nhân mafia như thế hệ trước chăng ? Khả năng này hoàn toàn có khả năng xảy ra trong thời gian đến. Nếu không, họ sẽ đầu hàng mà tiếp tục công cuộc làm thuê cho tư bản đế quốc thêm nhiều chục năm nữa mà không thể quên được cái quả đắng này. Nói hỗn, tương lai thuộc về những người trẻ hoặc vừa qua tuổi trẻ một tí chứ không phải những ông già chỉ biết đánh nhau và kể chuyện đánh nhau.

Họ đã chết. Đã chết rồi một TINH THẦN KHỞI NGHIỆP VỊ HƯNG VƯỢNG QUỐC GIA khi còn đương rất trẻ. Sẽ chẳng bao giờ có nổi SONY, HONDA, TOYOTA, SAMSUNG, HUYNDAI...trên đất nước hình chữ S nếu người ta cứ để mặc cho những thế hệ mới đâm chồi phải chết trẻ một cách tức tưởi như thế này. Mỗ là mỗ cứ nói càn như thế, ai bảo ngu, mỗ đây xin chịu nhận cái ngu về mình vậy.

Sài Gòn, 06/08/2012
Nguồn: http://blog.yahoo.com/voice-of-hope/articles/1140190/index

Bài viết khá sát thực, sâu sắc về thưc trạng với tâm trạng xót xa của người "trong cuộc" nhưng tôi không đồng ý với ý kiến "Họ đã chết. Đã chết rồi một TINH THẦN KHỞI NGHIỆP VỊ HƯNG VƯỢNG QUỐC GIA khi còn đương rất trẻ" của tác giả. Vấn đề này chủ Blog sẽ đề cấp trong một bài tới đây

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến