Để hình dung được phần nào về thực trạng "hoạch định chính sách phát triển" thời gian qua như thế nào, tôi bết tiếp bài báo đăng trên TuanVietNam ngày 31/3/2009.
Không để con số tăng trưởng chỉ đạo chính sách phát triển
Bài đã được xuất bản.: 31/03/2009
(TuanVietNam)- “Khăng khăng theo đuổi một tỷ lệ tăng trưởng không thực tế sẽ làm méo mó quá trình hoạch định chính sách theo hướng kích thích kinh tế vĩ mô quá mức và xa rời việc bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội”, GS. Kenichi Ohno quả quyết.
Những dự báo khác nhau về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 vừa được các tổ chức quốc tế công bố lại khiến dư luận xôn xao quanh câu chuyện về những con số và chất lượng tăng trưởng.
Về phía Chính phủ dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm nay xuống còn 5%, trong khi các chuyên gia khuyến cáo nên đặt ở mức 4 – 5% để rộng cửa điều hành.
Tuy nhiên, vấn đề đối với Việt Nam hiện nay, không phải là cần biết mức tăng trưởng năm nay được bao nhiêu, mà là đã đến lúc kiên quyết từ bỏ mô hình tăng trưởng rượt đuổi số lượng để chuyển sang rượt đuổi chất lượng.
Biểu hiện rõ nhất của mô hình rượt đuổi số lượng là tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố tăng vốn (chiếm 57,5%), tăng trưởng số lượng lao động đang làm việc (chiếm 20%), cộng hai yếu tố số lượng lên đến 77,5%. Còn yếu tố chất lượng, gọi chung là năng suất các nhân tố tổng hợp (bao gồm hiệu quả đầu tư và năng suất lao động) chỉ đóng góp 22,5% vào tốc độ tăng trưởng chung.
Đã đến lúc, nếu không nâng cao được chất lượng tăng trưởng, thì ngay cả tăng trưởng với tốc độ (số lượng) như cũ cũng không thể duy trì được.
Theo GS. Kenichi Ohno, trước đây, do áp lực, Việt Nam phải chạy đua theo chỉ tiêu tăng GDP. Nay, đã trở thành một nước thu nhập trung bình, áp lực đương nhiên sẽ phải giảm đi. Lúc này, Việt Nam nên tập trung vào các mục tiêu khác, không nên để cho những con số tăng trưởng chỉ đạo đường lối chính sách phát triển như xưa cũ…
“Khăng khăng theo đuổi một tỷ lệ tăng trưởng không thực tế sẽ làm méo mó quá trình hoạch định chính sách theo hướng kích thích kinh tế vĩ mô quá mức và xa rời việc bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội”, GS. Ohno quả quyết.
Rất không nên dựa vào tốc độ tăng trưởng lý tưởng mà nên đặt kịch bản tăng trưởng ở mức vừa phải, quan trọng là những quyết sách đang nhắm đến phải góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước trở nên cạnh tranh hơn và tác động của chính sách này phải tạo thêm việc làm mới.
Mệnh lệnh tái cấu trúc
TS. Vũ Minh Khương nêu vấn đề có giá trị thời sự: Đã qua rồi một giai đoạn phát triển. Việt Nam cần tận dụng thời điểm này để cải cách chuẩn bị cho Đổi Mới II. Đây chính là đòn bẩy giúp Việt Nam vượt qua thời điểm có tính chất bước ngoặt hiện nay. Không thể kéo dài mãi tư duy của một thời đã qua.
Ông Khương cùng nhiều kinh tế gia nhìn nhận, cuộc khủng hoảng lần này đã làm bộc lộ sự lạc hậu của mô hình phát triển kinh tế theo quy luật thị trường tự do. Và các nước phải tranh thủ chớp lấy để tiến hành Đổi Mới.
Hầu hết lãnh đạo các quốc gia nhìn nhận đây là cơ hội để sửa chữa những khuyết tật cố hữu của nền kinh tế. Giai đoạn sau khủng hoảng sẽ là bước chuyển về chất, lên một giai đoạn phát triển mới. Giờ chính là lúc phải tính đến các mô hình phát triển mới, phải rà soát các hệ thống và trên hết là xem lại tư duy quản lý, điều hành.
Sau những chấn động từ phố Wall, người Mỹ đã không ngần ngại đặt lên bàn nghị sự chủ trương quốc hữu hóa ngân hàng. Chính quyền mới của Obama cũng xa gần cho biết cơ cấu công nghiệp của nước này sẽ biến đổi sâu sắc. Người Mỹ đã sẵn sàng cho một số tái cấu trúc lớn.
Ngay sát Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu có những thay đổi căn bản khi nhìn nhận khu vực kinh tế nông thôn sẽ là cứu cánh giúp nước này vượt qua khủng hoảng.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã có những động thái tích cực nhắm về các vùng nông thôn với hàng loạt giải pháp bán hàng ưu đãi. Ngoài hỗ trợ đầu vào sản xuất, nông dân Trung Quốc còn được hỗ trợ để tăng khả năng thanh toán, chi xài cho tiêu dùng.
Sự rốt ráo của các nền kinh tế trên toàn cầu cho thấy, phải "xắn tay áo" lo ngay cho ngày mai từ hôm nay nếu không muốn trở thành kẻ thất bại. Tương lai không có chỗ cho những ai chần chừ.
“Định vị Việt Nam trong tương lai”
Dĩ nhiên, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi. Áp lực từ suy giảm kinh tế đang buộc Việt Nam phải nghiêm túc đặt ưu tiên cho mệnh lệnh tái cấu trúc nền kinh tế
Cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo kế hoạch xây dựng Đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Động thái này có thể coi là một bước chuẩn bị mang tính chiến lược để "định vị Việt Nam trong tương lai".
Giới quan sát nhìn nhận đây là bước chuyển tích cực, tuy vẫn còn quá sớm để nói về kết quả.
Yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam hiện nay là mạnh tay cải thiện môi trường kinh doanh, tăng hiệu suất đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Tái cấu trúc cần nhắm vào các doanh nghiệp nhà nước - khu vực bị chỉ trích sử dụng một phần lớn các nguồn lực mà chưa thực sự có hiệu quả. Sự thanh lọc nghiêm túc sẽ góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, tạo nền tảng cho chất lượng tăng trưởng chung.
Mặt khác, Chính phủ phải tập trung nhiều hơn cho an sinh xã hội, củng cố cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế và giáo dục, rút ngắn khoảng cách thành thị và nông thôn. Vì trong bất kỳ xã hội nào vấn đề ổn định an sinh xã hội luôn phải được ưu tiên hàng đầu, nếu không sẽ dẫn đến những hệ lụy về chính trị - xã hội, khiến cho bài toán kinh tế càng khó giải hơn.
Tuy nhiên, xét cho cùng, mọi cải cách đều phải bắt nguồn từ quyết tâm từ bỏ cách nghĩ cũ và mạnh dạn nghĩ mới của các nhà làm chính sách.
Hồng Hà
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/khong-de-con-so-tang-truong-chi-dao-chinh-sach-phat-trien
0 nhận xét:
Đăng nhận xét