Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

CEO Lenovo cho biết ở những nơi không thuận tiện cho việc phân phối máy tính bằng xe tải, đôi khi Lenovo quyết định giao hàng bằng xe đạp, thậm chí là dùng lừa để vận chuyển.

>> Hãng Lenovo công bố đạt mức lãi ròng tăng 30%
>> “Bài học” từ Lenovo cho HP và Dell
>> Lenovo gần đuổi kịp HP ở thị trường máy tính
>> Lenovo đã trở thành hãng PC lớn thứ hai thế giới
>> Lenovo đổ 800 triệu USD phát triển sản phẩm di động

Quý vừa qua, Lenovo thu được nhiều tiến bộ cả về doanh số lẫn lợi nhuận. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quý vừa qua, Lenovo thu được nhiều tiến bộ cả về doanh số lẫn lợi nhuận. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khi ngành công nghiệp đang xôn xao lo ngại về tương lai của PC, Lenovo vẫn bình chân như vại. Tuần trước, nhà sản xuất máy tính cá nhân của Trung Quốc này đã công bố kết quả kinh doanh quý với nhiều tiến bộ cả về doanh thu lẫn lợi nhuận – ngay cả khi doanh số PC toàn cầu đang sụt giảm. Lenovo đã gần như vượt qua đối thủ lớn nhất, HP, trở thành hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới. Mặc dù nhiều người trong ngành công nghiệp lo lắng về thị trường PC toàn cầu và sự trỗi dậy của máy tính bảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Lenovo, ông Yang Yuanqing, nghĩ rằng PC còn lâu mới chết: “Máy tính bảng là một đổi mới tốt rất đáng khen. Một số người nói rằng tablet sẽ giết chết PC. Tôi không nghĩ như vậy”.

Theo quan điểm của ông Yang, thị hiếu tiếp theo của khách hàng sẽ là máy tính cao cấp và smartphone màn hình lớn. Mặc dù quan điểm của ông Yang là chỉ một trong rất nhiều dự đoán về ngành công nghiệp thay đổi nhanh như vũ bão, trong ba năm vừa qua, công ty của ông đã chứng tỏ khả năng dự đoán tương lai rất tốt. Thị phần máy tính toàn cầu của Lenovo đã tăng vọt từ 9% năm 2009 lên 15% trong năm nay, gần bằng với thị phần của HP là 15,7%, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường IDC. Lenovo cho biết lượng PC xuất xưởng của hãng tăng 24% trong quý vừa qua, so với mức giảm 2% của cả ngành công nghiệp.

Ví dụ tại Trung Quốc, quý vừa qua Lenovo đã đạt thị phần kỷ lục 35%, mặc dù tỷ lệ sở hữu máy tính cá nhân tại nước này chỉ bằng 1/5 so với Mỹ (tại Mỹ, con số này gần như là 100%). Lenovo đã tập trung đặc biệt vào khu vực nông thôn và thành phố nhỏ tại Trung Quốc, nơi có tỷ lệ sử dụng máy tính thấp. Ông Yang cho biết, để có được tầm với rộng lớn tại nước chủ nhà, ở những nơi không thuận tiện cho việc phân phối máy tính bằng xe tải, đôi khi Lenovo quyết định giao hàng bằng xe đạp, thậm chí là dùng lừa để vận chuyển.

Tại các thị trường mới nổi khác, Lenovo có chiến lược chấp nhận lợi nhuận không cao để tăng doanh số. Công ty này đã giành được thị phần hai con số tại 35 quốc gia, theo nghiên cứu của Citigroup, tăng so với 12 quốc gia cách đây một năm.

Ông Yang nói, chính việc tấn công những thị trường chưa được khai thác đã đem lại cho Lenovo mảnh đất để phát triển, thậm chí khi các công ty khác vẫn phải đối mặt với nhu cầu ngày càng thu hẹp.

Một nhân tố kích thích tăng trưởng khác của Lenovo là công ty đầu tư vào một số lĩnh vực ngoài máy tính. Bộ phận di động mới thành lập của Lenovo đem về tới 7,3% doanh thu, tăng 3,6% so với năm ngoái. Năm 2011, Lenovo bán được 7 triệu điện thoại, trong đó 5 triệu là smartphone. Mặc dù là một mảng kinh doanh khá mới, smartphone của Lenovo đã chiến 10% thị phần tại Trung Quốc, chỉ đứng thứ hai sau Samsung. Mảng kinh doanh này được hi vọng sẽ sớm đem về lợi nhuận đáng kể.

Lenovo cũng tạo dựng được chỗ đứng trong ngành công nghiệp máy chủ. Đầu tháng 08/2012, Lenovo tuyên bố các kế hoạch hợp tác với EMC để phát triển máy chủ cho các bộ phận lưu trữ EMC. Họ hi vọng thương vụ này có thể đem về hàng tỷ doanh thu trong vài năm tới. Trong một báo cáo gửi các nhà đầu tư, các nhà phân tích Barclays viết rằng “Lenovo đã chuyển đổi từ một công ty chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc và phân khúc PC doanh nghiệp tại Mỹ”, thành một công ty đa dạng với một cánh tay ở các thị trường mới nổi, sản phẩm tiêu dùng, smartphone, máy tính bảng và máy chủ.

Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng Lenovo không phải “miễn dịch” với các khó khăn chung của ngành công nghiệp. Giám đốc nghiên cứu David Daoud của hãng nghiên cứu thị trường IDC nói: “Họ (Lenovo) làm tốt hơn các đối thủ, nhưng họ cũng phải đối mặt với cùng thách thức. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có tiếp tục thu được các kết quả như hiện tại hay không”.

Một trong những khó khăn là sự sụt giảm doanh số PC toàn cầu, trong khi khó khăn khác là sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc (Trung Quốc chiếm 42% doanh số của Lenovo). Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này dường như đình trệ vào tháng Bảy, với xuất khẩu tăng chỉ 1%, so với 11% một tháng trước đó.

Tuy nhiên, ông Yang cho rằng các nhân tố này không thể ảnh hưởng lâu dài. “Về lâu dài, tôi vẫn lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc, và thị trường PC”, ông nói.

Tại Trung Quốc, lượng PC bán ra giảm 3%, trong khi doanh số của Lenovo vẫn tăng 9%. Một phần của thành công đó, ông Yang nói, là nhờ sự hiểu biết thị trường. Thay vì sử dụng lừa và xe đạp để vận chuyển sản phẩm từ thành phố về nông thôn, các công ty của Mỹ có thể thuê những hãng chuyển phát như FedEx (FDX) để giao hàng với chi phí lớn hơn.

Thực vậy, Lenovo có lợi thế tại Trung Quốc dường như là nhờ họ là một hãng sản xuất nội địa, hiểu thị trường nước nhà, trong khi vẫn tự hào là có sản phẩm đủ tinh vi để cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.

Theo ICTnews


Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến