Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

“Một túp lều tranh hai quả tim vàng” là một câu nói hơn vài trăm tuổi, nhưng thơ mộng và lãng mạn, rất hợp với tuổi “teen”. Và cũng không ít người lớn chúng ta vẫn mơ mộng về huyền thoại này. Cá nhân tôi thì không mấy tin vào chuyện tim vàng (sau một lần mổ tim và bao lần tim vỡ); nhưng tôi cho là một túp lều của riêng mình, dù eo hẹp, vẫn có thể tạo cho mình chút hạnh phúc.
 
Xin đơn cử một thí dụ. Khi rời Dubai và khách sạn tráng lệ 6-sao Burj Al Arab, tôi quay lại căn hộ nhỏ 3-sao của tôi ở Discovery Bay, Hồng Kông; và đã tìm thấy một cảm giác vô cùng sảng khoái khi nằm lại trên chiếc giường nhăn nheo quen thuộc hay ngồi thoải mái nghe bài nhạc cũ trong căn phòng khách bừa bộn. Home, sweet home không phải là một câu nói để tự an ủi.
Dĩ nhiên mỗi cá nhân đều có những chuẩn mực khác nhau cho túp lều lý tưởng của mình. Người thì muốn kích thước phải vĩ đại, người thì chỉ cần một tầm nhìn tuyệt vời ra biển hay núi hay một cô hàng xóm tươi đẹp. Người thì cần những nội thất hiện đại với rất nhiều “đồ chơi”, người thì khuân về những bàn ghế lư đồng mốc meo từ vài thế kỷ trước. Nhà tỷ phú Bill Gates tốn 80 triệu đô la cho mái ấm gia đình với rất nhiều thiết bị IT trong khi ông bạn Warren Buffett thì vui vẻ với căn nhà 80 ngàn đô la mua 40 năm trước. Ngài Larry Ellison của Oracle mua vài mẫu đất ở California xây lại một lâu đài Nhật Bản với khu vườn Zen lớn hơn Imperial Palace ở Kyoto; trong khi một đại gia Trung Quốc xây tại Hồ Nam một sao chép nguyên vẹn kích thước và mô hình của Tòa Bạch Ốc ở Washington.
Cách đây hơn 20 năm, tôi mua một penthouse ở Marina Del Rey, California và cấu trúc lại hoàn toàn theo ý tôi. Phòng lớn nhất là phòng vệ sinh; vì tôi có thói quen mất nhiều thì giờ nhất mỗi ngày ờ phòng này. Phòng được trang trí thật đẹp với cửa sổ mở rộng lên bầu trời, bộ stereo nghe nhạc đắt tiền nhất của Bose, sofa ngồi massage đủ cho 2 người, chỗ tắm hơi, một Jacuzzi lớn…và đặc biệt là một toilet lớn và đẳng cấp nhất để tôi có thể nhìn ra biển hay thành phố, trong khi làm chuyện xả xui mỗi ngày với tiếng gió hiu hiu. Phòng chơi của tôi là phòng gia đình với đủ loại đồ chơi, người lớn và trẻ con. Phòng khách thì nhỏ xíu mang thông điệp đơn giản cho các vị khách là tôi không quan tâm lắm đến các lễ giao của xã hội. Sau vài năm, tôi phải mất khá lâu mới bán lại được căn hộ cho một nghệ sĩ chia sẻ quan niệm sống như tôi.
Thế hệ trẻ bây giờ du lịch nhiều hơn khắp thế giới và du nhập cho chính mình những văn hóa rất đa dạng và phức tạp. Cây đa cao ngất từng xanh của đầu làng không còn nhiều ý nghĩa với họ cũng như căn nhà ba gian có lũy tre bao quanh hay cái nhà ống ba tầng ngay mặt đường ở Hà Nội. Các bậc cha mẹ sẽ thất vọng vô cùng khi để lại cho con cái ít của cải và di sản gia tộc trong căn nhà mình cho là lý tưởng. Ngay sau khi các vị khuất mặt, chúng sẽ bán ngay và dọn về một căn hộ nhỏ tồi tàn ở Singapore hay qua tận New York, thuê một cái phòng khách sạn để theo đuổi sự nghiệp diễn viên hay ca sĩ của mình.
Tôi nhất trí với định nghĩa “a house is not a home” và “home is where your heart is”.
T/S Alan Phan
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến