Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012




Trong tác phẩm “Sự giàu và nghèo của các dân tộc” của tác giả David S. Landes đã đưa ra một “mô hình xã hội” về mặt lý thuyết thích hợp nhất để theo đuổi sự tiến bộ về vật chất và sự giàu có nói chung (gọi là“mô hình xã hội lý thuyết”) . Bằng một công trình khảo sát nghiên cứu, so sánh, phân tích những nguyên nhân đưa đến “Sự giàu và nghèo của các dân tộc” trên thế giới trong suốt 4 thế kỷ 17 - 20 ông đã chỉ ra nơi nào có sự vận động biến đổi để có xã hội tiệm cận hơn, sớm hơn với “mô hình xã hội lý thuyết” này thì nơi đó phát triển giàu có hơn và ngược lại. Ông nhấn mạnh “Mô hình xã hội lý thuyết” ông đưa ra không nhất thiết phải là một xã hội “tốt hơn” hay “ưu việt hơn” (đó là những từ cần phải tránh) mà đơn giản chỉ là một xã hội thích hợp hơn để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ. Cái xã hội đó là:
1. Biết cách vận hành, quản lý những công cụ sản xuất và biết tạo ra, thích ứng và làm chủ được những kỹ thuật mới ở mũi nhọn của tiến bộ công nghệ.
2. Có thể truyền đạt tri thức và bí quyết tay nghề mới cho lớp người trẻ, hoặc bằng giáo dục chính thức hoặc bằng đào tạo nghề.
3. Chọn người cho việc căn cứ theo năng lực chuyên môn và sự xứng đáng tương đối; thăng chức, giáng chức trên cơ sở thành quả của việc làm.
4. Tạo điều kiện cho kinh doanh của cá nhân và tập thể; khuyến khích sáng kiến; cạnh tranh và đua tranh.
5. Cho phép người ta hưởng và sử dụng những thành quả của lao động và kinh doanh của mình.
Một xã hội như thế cũng sẽ có những thể chế chính trị và xã hội thuộc loại có thuận lợi cho việc thực hiện những mục tiêu rộng lớn hơn đó; chẳng hạn như những thể chế:
1. Đảm bảo các quyền tư hữu tư nhân, để khuyến khích hơn sự tiết kiệm và đầu tư
2. Đảm bảo các quyền tự do cá nhân – chống lại những lạm dụng của chính quyền chuyên chế và sự lộn xộn mất trật tự do cá nhân gây ra (tội ác và tham nhũng)
3. Thực thi các quyền về hợp đồng, kể cả các hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng mặc nhiên.
4. Đưa ra một chính phủ ổn định, không nhất thiết là một chính phủ dưới hình thức dân chủ nhưng tự thân nó phải tuân theo những luật lệ công khai (một chính phủ của những đạo luật chứ không phải là của những con người)
5. Đưa ra một chính phủ đáp ứng nhạy cảm, sẵn sàng nghe những khiếu nại và sẵn sàng sửa sai.
6. Đưa ra một chính phủ lương thiện, sao cho vai trò kinh tế không bị xúi dục đi tìm kiếm những đặc quyền đặc lợi ở bên trong hay bên ngoài thị trường. Nói theo biệt ngữ của giới làm kinh tế, người ta không được bỏ tiền ra để thuê đặc ân hay địa vị.
7. Đưa ra một chính phủ ôn hòa, có hiệu lực và không tham lam. Kết quả phải giữ cho thuế má ở mức thấp, giảm bớt những đòi hỏi của chính phủ đối với thặng dư xã hội và tránh những quyền lợi ưu tiên.
Cuối cùng cái xã hội lý tưởng này phải là một xã hội lương thiện. Tính chất lương thiện đó phải do pháp luật thực thi, nhưng, nói một cách lý tưởng, luật pháp không phải cần đến. Người ta tin rằng lương thiện là đúng (và cũng là có lợi) và sẽ sống và hành động trên cơ sở niềm tin như thế.
David S. Landes cũng cho rằng, chưa hề có một xã hội nào trên trái đất này xứng đáng là cái xã hội lý tưởng đó. Những xã hội có hiệu quả nhất, hướng về phát triển nhất ngày nay, cũng đều bị hoan ố bởi những thứ tham nhũng, những tê liệt trong bộ máy cai trị, những âm mưu tìm kiếm lợi ích riêng. Tuy nhiên, cái mô hình lý tưởng đó soi sáng hướng đi của lịch sử. Đó là những đức tính đã làm động cơ cho sự tiến bộ về kinh tế và vật chất. Và không phải chuyện ngẫu nhiên mà quốc gia công nghiệp đầu tiên trên thế giới cũng nước tiến đến sớm nhất và gần nhất đến loại trật tự “xã hội lý tưởng” này.

Thực ra mô hình xã hội lý tưởng mà David S. Landes đưa ra với chúng ta ngày nay, có lẽ không có gì mới mẽ, nghe thấy quen quen, dường như là những điều chúng ta vẫn thường đọc thấy đâu đó thậm chí nghe thấy thấp thoáng từ những bài rao giảng của lãnh đạo đất nước. Vấn đề làm sao để có thể biến đổi xã hội tiệm cận đến mô hình lý tưởng mới là câu chuyện đáng phải bàn và cũng chính là vấn đề mà David S. Landes đã dày công nghiên cứu và đã viết với cảm hứng đầy nhiệt tình, với tầm nhìn rộng, với một loạt những kiến giải sắc sảo mà ông không ngần ngại phát biểu một cách rõ ràng  trong tác phẩm “Sự giàu nghèo của các dân tộc – Vì sao một số giàu đến thế mà một số lại nghèo đến thế” của ông xuất bản năm 1998 (New York, 1998) đã được Viện nghiên cứu kinh tế TW (CIEM) dịch và giới thiệu năm 2001.
Kết luận cuối cùng trong tác phẩm của ông: "Một bài học nổi lên là cần phải duy trì sự cố gắng. Không có sự thần kỳ. Không có thời kỳ tương lai đầy hạnh phúc cho mọi người. Không có sách khải huyền. Chúng ta phải trau dồi đức tin có nghi ngờ, tránh giáo điều, lắng nghe và xem xét kỹ càng, cố gắng làm sáng tỏ và định rõ những mục đích, cách tốt nhất hơn để lựa chọn các biện pháp"
Nhận xét của Robert Solow ( Nhà kinh tế Mỹ được giải thưởng Nobel) về tác phẩm: "Bất kỳ ai nghĩ rằng thành công kinh tế của một xã hội là độc lập với những đòi hỏi về đạo đức và văn hóa của xã hội ấy hiển nhiên là phải xem xét lại ý nghĩ của mình"

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến