Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012


Chen lấn "xin ấn" đền Trần
Qua tìm hiểu một số bài viết về văn hóa Việt Nam, tôi thấy nhiều tác giả cho rằng người Việt là duy tình, thiên về tư duy tổng hợp ngược lại với người phương tây là duy lý, thiên về tư duy phân tích.
Người phương tây duy lý, thiên về tư duy phân tích, nên trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm đòi hỏi sự nghiên cứu khảo sát tìm tòi vất vả, công phu và năng lực phân tích tỉ mỉ, rõ ràng họ luôn chiếm ưu thế. Lối tư duy thiên về phân tích của người phương tây đôi khi đến độ có người đi làm những việc ngớ ngẩn, người Việt mình thường không thể hiểu nổi, như viết một chuyên khảo về món kem (cà – rem), trình bày biết bao nhiêu nỗ lực tìm hiểu, rồi đưa ra một kết luận là: trong việc chế tạo kem ăn đường cốt để cho…ngọt. Hay một tập nghiên cứu khác rất công phu và có phương pháp, tốn một thời gian khá lâu, như tập “so sánh động tác và thời gian của 4 cách rửa bát” để lấy làm tự hào cho rằng mình đã tìm ra một nguyên lý là “còng lưng cúi xuống và nâng cao đưa tay lên là những động tác mệt nhọc”. Hay viết một bài (nghiên cứu về số lượng vi khuẩn ở áo lót mình bằng vải sợi), rồi phát biểu “số lượng vi khuẩn nẩy nở theo tỷ lệ thuận với thời gian mặc”…. Những kết quả đó người Việt mình nhờ vào cảm giác phổ thông và trực giác nên chỉ nhìn qua là thấy rõ ngay. Nhưng sự công phu ngớ ngẩn đó là một phần nằm trong công việc khoa học thực sự. Chỉ có kỷ luật khoa học thực sự mới khiến cho nhà khoa học thấy thích thú trong việc nghiên cứu những sự vật nhỏ nhặt, như loài giun đất cũng có một lớp áo ngoài để bảo vệ nó, rồi khoa học cứ tiến từng thời đại mà đạt đến giai đoạn sán lạn như ngày nay, vì cũng nhờ vào những phát minh nhỏ nhặt kia chất chứa mãi mà thành rực rỡ như ngày nay.
Ngược lại, lối tư duy cảm tính, trực giác không qua một quá trình mổ xẻ, phân tích, đánh giá và khái quát hóa (tổng hợp) để tìm ra bản chất của sự vật, hiện tượng thường chỉ phù hợp cho việc nhìn nhận những vấn đề đơn giản thường nhật trong cuộc sống nên còn gọi là tư duy phổ thông là đặc điểm nổi bật trong lối suy nghĩ của người Việt. Quan niệm “ăn gì bổ nấy” thậm chí “ăn thứ giống cái gì thì bổ cái ấy” vẫn còn là hiện tượng phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay. Vì thế, có lẽ ở Viêt Nam, sừng tê giác là món được ưa chuộng và có giá đắt nhất thế giới vì chỉ đơn giản nó giống cái “của quý” của đàn ông. Lối tư duy phổ thông này đi vào cả lĩnh vực quản lý nhà nước - một lĩnh vực phức tạp và ảnh hưởng sâu, rộng trên phạm vi toàn xã hội. Một chính sách của nhà nước thường phải do những nhà kỹ trị (think tanks) tham mưu soạn thảo và qua nhiều khâu nhiều ngành tham gia ý kiến trước khi ban hành. Thế nhưng, thời gian qua, chúng ta đã thấy không ít những quy định của ngành Công an, giờ nhắc đến không thể nhịn cười vì sự ngộ nghĩnh, nhảm nhí và ngớ ngẩn của nó, nào là cảnh sát giao thông (CSGT) không được mang kính đen, không được “anh hùng Núp”, Công an Thanh phố Hà Nội đặt ra một quy định nghe rất tức cười: CSGT không mang theo quá 100 ngàn đồng tiền mặt lúc làm nhiệm vụ. Thậm chí, một lãnh đạo CSGT còn nói: Trong trường hợp, CSGT muốn mang theo tiền để sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi xử lí việc cá nhân thì số tiền đó phải niêm phong và có chữ kí của lãnh đạo Đội CSGT. Để giảm ách tắc giao thông ở thành phố, gần đây, Bộ Giao thông vận tải cũng đã đưa ra các chủ trương như điều chỉnh giờ đi làm, thu phí phương tiện giao thông cá nhân…cũng không kém phần “tư duy phô thông” so với các quy định của ngành công an mấy năm trước.
Với lối tư duy phổ thông như vậy, đương nhiên người Việt thiên về duy tình, cảm tính trong ứng xử và cách giải quyết vấn đề của mình. Khi giải quyết vấn đề theo duy lý là trên cơ sở phương tiện – mục đích, nghĩa là đạt mục đích gì bằng phương tiện nào còn người cảm tính thường ứng xử, giải quyết vấn đề theo cảm xúc cá nhân và tùy tiện, đôi khi tới mức không cần biết mục đích của mình là gì. Có lẽ “văn chửi mất gà” là sản phẩm độc đáo có một không hai trên thế giới của văn hóa làng xã xưa. Khi ứng xử với nhau người Việt ít tôn trọng lý lẽ, không chuộng công lý, dù vấn đề đã được luận lý chính xác rồi nhưng chưa thuận “chữ tình” thì chưa hẳn đã xong. Ngược lại cái luận lý của vấn đề chưa rõ nhưng miễn “cận nhân tình” thường là dễ được ủng hộ. Nên mới có câu phương châm ứng xử là “trăm cái lý không bằng một tí cái tình” . Cũng vì thiên về duy tình nên người Việt cũng thường không thích và ít khi đi tìm hiểu luận lý của vấn đề mà thiên về “chạy theo đám đông”, “người ta sao thì mình vậy”, thiếu tư duy phê phán, tìm tòi, kiểm chứng xác định chính kiến của riêng mình trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Như vậy, khi nói người Việt thiên về “tư duy tổng hợp” phải chăng chỉ là một phép uyển ngữ vì không muốn nói là người Việt thiên về “tư duy phổ thông”?



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến