http://tiengchuongre.blogspot.com/2012/09/nhung-nha-giao-duc-ai-tai.html?spref=fb
1. ‘Rút ngắn bậc phổ thông sẽ tiết kiệm 10.000 tỷ đồng' : "Cần phải đổi mới quan niệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là công cụ, các em ra đời có thể học tiếp. Tiểu học không cần nhiều môn, phổ thông rút ngắn còn 11 lớp", (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ).
Khi cấp 3 rút một năm, một triệu học sinh bớt được một năm học là đã tiết kiệm cho xã hội 1 triệu năm. Mỗi em một năm ăn tiêu hết 10 triệu đồng, khi rút một năm sẽ tiết kiệm cho xã hội một số tiền không nhỏ trong lúc đất nước còn khó khăn.
2. Học phổ thông trong 9 năm?
Theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cần phải cấu trúc lại nền giáo dục để không chỉ hội nhập quốc tế, tương thích với nhiều quốc gia mà còn định hướng nghề nghiệp, phân luồng nghề nghiệp sớm cho học sinh.
Ông Tùng cũng đưa ra phương án được coi là khả thi “1111” - “1 tiểu - 1 trung - 1 cao - 1 đại” của mình. Theo đó, bậc tiểu học vẫn học 5 năm, cấp THPT học 4 năm. Với mô hình này, học xong 9 năm, học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp văn hóa phổ thông.
THPT sẽ được thay bằng 2 năm “dự bị ĐH” (Pre-University) dành cho người muốn học ĐH, học sinh sẽ học theo định hướng chuyên môn qua các môn tự chọn để sau đó lấy kết quả xét tuyển hoặc thi tuyển vào các trường ĐH.
3. Phương án 9+2
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội, khẳng định cấu trúc lại giáo dục phổ thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu học phổ thông chỉ có 9 năm theo như ý kiến của ông Lê Trường Tùng thì không ổn, bởi 15 tuổi hết phổ thông, nếu đi lao động là phạm luật, cũng không phù hợp tâm, sinh lý các em.
PGS Văn Như Cương đưa ra 2 phương án: Một là, học 11 năm hết bậc phổ thông, sau đó ra trường. Những học sinh có chất lượng cao, khoảng 20% - 30% học tiếp năm thứ 12 chia theo các khối ngành (khoảng 4-5 môn học), xem như dự bị ĐH, sau đó thi vào các trường ĐH. Còn lại hầu hết có thể đi học trung cấp, CĐ dạy nghề sau khi học hết lớp 11. Hai là, sau lớp 9, học sinh học lớp 10, 11 nhưng học chuyên ban luôn, mỗi ban học 4 môn. Hiện nay, học sinh THPT học đến 12 môn khiến học sinh không tập trung được, trong khi kiến thức lại bị loãng.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đưa ra phương án “9 + 2”. Theo ông, chương trình phổ cập là 9 năm, sau đó học sinh tự chọn học các môn phù hợp với tương lai trong vòng 2 năm tiếp theo. Theo ông, đây là 2 năm để định hướng đối với học sinh và thực tế nhiều nước trên thế giới cũng đã đi theo hướng này.
4. Quy trình ngược
Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan nghiên cứu của Bộ GD-ĐT, GS Nguyễn Lộc, Viện phó Viện Khoa học Giáo dục, lại cho rằng giáo dục hiện đang quá tải, nếu chương trình 12 năm rút xuống 10 năm thì sẽ quá tải thế nào?
Ông Lộc cho rằng đổi từ 12 năm xuống 10 năm thì phải đổi toàn bộ chương trình sách giáo khoa (SGK), đào tạo lại giáo viên. Thêm vào đó, lượng giờ học trong trường phổ thông của học sinh Việt Nam hiện nay là thấp vào loại nhất thế giới. Hiện giờ học của Việt Nam chỉ ở mức gần 8.000 giờ trong khi thế giới 9.000 - 12.000 giờ, nếu từ 12 lớp xuống 10 lớp số giờ sẽ còn giảm đi nhiều nữa.
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 vừa được thông qua nêu rõ đến năm 2015 sẽ có chương trình và SGK mới.
Tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương, chiến lược không nói gì đến cấu trúc lại nền giáo dục mà chỉ nói sẽ có chương trình, SGK mới là một quy trình ngược. “Chưa tái cấu trúc chương trình học phổ thông để xác định 10 năm, 11 năm hay 12 năm mà đã viết chương trình, SGK thì rất vô lý. Trước hết, phải xác định rõ ràng cấp 1 học bao nhiêu năm, cấp 2 học bao nhiêu năm, cấp 3 học bao nhiêu năm, có dự bị ĐH không, phân luồng như thế nào... Phải bàn trước, sau đó mới nói đến chương trình, SGK, chuyện gì làm trước phải làm trước, chuyện gì làm sau phải làm sau chứ không thể ngay lập tức nói đến viết SGK” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
ĐẤT NƯỚC CHÚNG TA QUẢ LẮM NGƯỜI TÀI!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét