Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Thăng Long Hà Nội là mảnh đất thiêng ngàn năm văn vật, là nơi hội tụ, kết tinh những tinh hoa văn hoá của dân tộc. Việc tôn thờ bốn vị thần linh trấn giữ bốn phương kinh thành là một nét tâm linh rất riêng của Thăng Long. Thăng Long tứ trấn gồm: phía Bắc: đền Quán Thánh; phía Nam: đền Kim Liên, phía Bắc: đền Bạch Mã; phía Tây: đền Voi Phục.

Au Temple de Quan Thanh


Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ quán là nơi thờ thánh Trấn Vũ tại Hà Nội. Tên đền có khi bị gọi nhầm là Quan Thánh. Đền (hay đúng hơn là quán) nằm trên đất phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đền nằm cạnh bên Hồ Tây và cửa Bắc thành Hà Nội. Thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp nhân vật thần thoại Việt Nam (ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma trong khi xây dựng thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc Chân Võ Tinh quân (vị Thánh coi giữ phương Bắc). Trong đền có bức tượng Trấn Vũ đúc bằng đồng đen năm 1667, cao 3,69 m, nặng khoảng 4 tấn. Tượng có hình dáng một Đạo sĩ ngồi, y phục gọn gàng nhưng tóc lại bỏ xõa, chân không mang giày, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm thần có rắn quấn quanh và chống lên lưng rùa. Tượng Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại Việt Nam, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng của người Hà Nội cách đây ba thế kỷ.

Đền Kim Liên vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian, thì đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên núi). Theo tài liệu lưu giữ tại đền, thì đền này được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tổ ngay khi vị hoàng đế này rời đô tới Thăng Long với mục đích để bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam. Năm 1509, quân đội của Lê Tương Dực từ Thanh Hóa tiến về Thăng Long để lật đổ Lê Uy Mục đã đi qua đây, thấy đền thờ Cao Sơn Đại Vương liền vào xin phù hộ. Sau đó một tuần, sự nghiệp của Lê Tương Dực thành công. Vị vua này liền cho xây lại đền Kim Liên với kiến trúc như hiện nay.
Sau này, dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng đền ngay sát đầm Kim Liên và bổ sung thêm một số kiên trúc mới, tạo thành đình Kim Liên. Ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong đền và đình này còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu, và thờ Bác Hồ.
Di vật quan trọng nhất tại đình Kim Liên là tấm bia đá “Cao sơn Đại Vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510 nói về công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích và hệ thống 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có hai sáu đạo thời Lê Trung Hưng, mười ba đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất trong số đó là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620).

Đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm) được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng)- vị thần gốc của Hà Nội cổ. Năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Thần được vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long.
Văn bia hiện còn ở đền cho biết, đền Bạch Mã được tu bổ lớn vào đời Lê Chính Hòa (1680-1705), đến năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) lại được tu bổ thêm: sửa lại đền, dựng riêng văn chỉ, xây Phương đình, qui mô ngày càng rộng rãi, cảnh quan tôn nghiêm, nổi tiếng ở chốn đất thiêng.
Hiện tại ngôi đền có qui mô kiến trúc lớn, quay theo hướng Nam gồm có nghi môn, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau. Các mục hạng này được bố trí theo chiều dọc, trong một không gian khép kín. Kiến trúc đền còn lưu lại hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ 19). Nổi bật trong kết cấu kiến trúc của đền là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, các bộ vì đỡ mái được làm kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”, đặc biệt là “hệ củng 3 phương” tại nhà phương đình vừa có tác dụng chịu lực, vừa là tác phẩm nghệ thuật và sử dụng để treo đèn trong các ngày lễ hội và kết cấu “vòm vỏ cua” đỡ mái hiên nhà thiêu hương. Trên các cốn gỗ, xà lách, xà ngang, các vì chồng rường đều có nhiều mảng trang trí với các đề tài phong phú.

Đền Voi Phục được lập từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) ở góc phía tây nam thành Thăng Long cũ thuộc địa phận làng Thủ Lệ nay là công viên Thủ Lệ. Đền thờ Linh Lang Đại Vương. Tương truyền Linh Lang là hoàng tử Hoằng Châu con vua Lý Thái Tông. Lớn lên Linh Lang xin cầm quân, đánh thắng quân Tống. Vua cha muốn nhường ngôi nhưng chàng từ chối, về ở tại nơi đây nay là đền. Một hôm chàng hóa thành rồng đến cuốn quanh một phiến đá rồi xuống Hồ Tây biến mất. Vua lập đền thờ ngay tại nơi ở của hoàng tử. Trong đền có hai pho tượng đồng và hòn đá to có vết lõm. Cửa đền có đắp hai con voi quỳ vì vậy đền còn có tên là đền Voi Phục.
Nguồn: http://facts.baomoi.com/2010/01/20/thang-long-t%E1%BB%A9-tr%E1%BA%A5n-la-nh%E1%BB%AFng-ngoi-d%E1%BB%81n-nao-%E1%BB%9F-ha-n%E1%BB%99i/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến