Nguyễn Hoàng Đức với : “Nho giáo, chiếc xe bò tăng tốc vào lịch sử hiện đại”
Mới đây tôi có vài bài viết muốn tranh luận và đả phá thẳng vào giới Nho học. Điều đó cũng đã gây nên một cuộc xới lộn nào đó, nhưng chủ yếu nằm bên dưới sân khấu, tức là những comments, mà chưa có một bài nào chính thức bước lên đài để cọ xát chân lý.
Tôi quan niệm thế này, một người làm khoa học, sẽ thật xấu hổ khi hiếu thắng đòi đúng- sai theo kiểu mình chiến thắng còn đối phương thì thất bại. Con người không ai có đủ các sở trường, tôi là người không biết chữ Hán, việc chữ Hán nên để giành cho các chuyên gia chữ Hán, vì “cái gì của Sê-da hãy đem trả Sê-da” thế mới là văn hóa. Nhưng chữ Hán không phải là tất cả con đường đi đến chân lý, giống như có nhiều chuyên gia đã bảo, không thể bàn về triết học mà không biết tiếng Đức, họ đâu có hiểu triết học được bắt đầu từ Hy Lạp và chữ Hy Lạp. Vậy thì chỉ có người Hy Lạp mới xứng đáng bàn về triết học thôi sao, than ôi, sau hàng nghìn năm, chính ở Đức, Pháp, rồi Anh mới là những cánh đồng làm xum xuê triết học của Hy Lạp với rất nhiều triết gia tên tuổi như Descartes, Kant, Hegel và Bacon… Vậy thì cái tôi không biết tiếng Hán không ngăn cản tôi có được những suy luận rồi phán đoán, cái là tổng tham mưu của mọi ngôn ngữ, cái cũng qui định rằng dù anh học bất cứ thứ tiếng nào nếu anh không có bộ tham mưu thì anh không thể là ông chủ suy tư được mà anh chỉ là những người nhặt nhạnh trích chép của thư ký mà thôi . Trong những comments vừa qua, tôi thành thật cảm ơn những người đã đồng cảm với mình, không phải đồng cảm vì tôi được khen, mà đó là sự kính trọng những người nói có sách.
Trái lại, có nhiều người nói đại loại “ông Đức dốt thế” , hoặc “ông nói phì cười” thì chẳng thấy dẫn ra cứ liệu hay bằng chứng gì cụ thể. Trong những người phản bác tôi mạnh nhất là ông Y Lan, nhưng tôi lại cảm phục ông vì ông đã làm được cái việc rất khó đó là đưa ra lời xin lỗi cụ thể trong comment “Lời xin lỗi muộn màng” . Về học thuật , tôi biết còn có cái phải học ông, nhưng tôi thấy cái khó hơn là nên biết học ông cử chỉ rất đàng hoàng là biết xin lỗi, một thứ xin lỗi không đơn giản là học thuật mà còn là một thái độ thiện chí, bao dung, nhắm về một giá trị tổng quát bao trùm hơn. Chính vì lý do đó mà tôi đã cố tình viết những lời này không phải trên comments mà vào bài viết chính thức của mình. Để học tập và cám ơn ông.
Giờ tôi xin được bàn về mấy điểm cụ thể sau, mong được rộng đường trao đổi trực tiếp với những ai muốn trao đổi. Tôi sẽ đưa ra từng điểm, nếu ai thấy những điểm này chưa đủ hoặc chưa thích hợp, xin đưa ra chính thức, tôi sẽ xin đáp lời.
Người Việt nói “thế gian chuộng của chuộng công/ nào ai có chuộng người không bao giờ”, Vậy muốn xem xét Nho giáo có thành tựu gì, chúng ta phải bàn trực tiếp vào hoa quả của nó, chứ không thể cứ đại khái Nho giáo là hay lắm , tài lắm, đã có công nằm dọc chiều dài lịch sử?
1- Rất nhiều chuyên gia đã thừa nhận: thế kỷ 20 đã tiến bộ và phát triển bằng tất cả các thế kỷ trước cộng lại. Điều này cũng không loại trừ Nho giáo.Thành tựu của Nho giáo không thể bao gồm những lĩnh vực khoa học có những dường ray xe lửa khai phá Trung Quốc và châu Á. Rồi còn tốc độ của máy bay và tên lửa nữa, chắc hẳn nó phải nhanh hơn thời Nho giáo thịnh hành đến cả triệu lần. Thêm nữa lại còn các sáng chế về thông tin như truyền hình, điện thoại di động hay internet chắc nó nhanh hơn phi ngựa báo tin của Nho giáo một tỉ lần. Người đi bộ có tầm nhìn chục mét, người phi công có tầm nhìn khoảng nghìn cây số. Tầm nhìn vài mét chính là tầm nhìn của Nho giáo ngày xưa thua máy bay cả triệu triệu lần.
2- Đường lối chính trị xuyên suốt của Trung Quốc là quân quyền và phụ quyền như “Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu”. than ôi , trong gia đình mà người cha đã có thể phán xét con phải chết, thì làm gì vua chúa chẳng có quyền ban cho người ta cái chết, nào thuốc độc, nào dây treo cổ… chỉ vì một chữ húy kỵ có thể giết cả chín họ. Tàn ác đến thế là cùng! Còn ở Việt Nam vụ thảm sát ba họ nhà Nguyễn Trãi ở Lệ Chi Viên. Nhẫn tâm đến thế thì còn ai đuổi kịp!
3- Lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói: Sách vở Trung Quốc (tất nhiên là hầu hết là Nho học) chỉ toàn thấy đâm chém, hằn thù, tranh giành, giết chóc, nên càng đọc ít càng tốt. Không đọc gì là tốt nhất. Còn nhà văn Lỗ Tấn, cha đẻ của văn học hiện đại Trung quốc đã nói: Cái học của Nho giáo chỉ giỏi ăn thịt người.
4- Nho giáo và Phong kiến tài giỏi ư? Người Trung Quốc hàng năm vẫn nhớ nỗi nhục, tại vườn hoa Thượng Hải, đám thực dân chỉ có lực lượng bằng một phần trăm dân tộc khổng lồ về dân số đã trưng biển thế này “Cấm chó và người Trung Quốc!”
5- Các học giả phương Tây chính thức nói rằng: đa số các thủ đô và thành phố lớn của châu Á đều nằm sâu trong đất liền, chứng tỏ người ta không chú trọng đến phát triển mà chỉ lo phòng thủ.
6- Khi liên quân có vài chục tay súng trường tiến vào Thiên An Môn để lật đổ Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, đám quan lại không ngoài ai khác chỉ có học vấn Nho học, vẫn với tay lên bàn bốc que, để bói xem hung =cát thế nào. Rút cuộc việc bốc thẻ muốn dựa dẫm vào trời đất đó, chẳng đấu nổi vài chục tay súng trường. Thật là quốc sỉ! Lạc hậu đến nước ấy thì nuốt cả những lời than!
7- Thành tựu khoa học, rồi quân sự, rồi tốc độ giao thông và truyền tin lạc hậu với thế giới hiện đại từ hàng nghìn đến hàng triệu lần. Chỉ còn trông chờ vào chút thơ văn tức cảnh sinh tình. Nào ta hãy xem. Nhà phê bình Hoài Thanh giỏi cả Tầu học lẫn Tây học đã viết: “Thanh thế thơ Đường ở nước ta xưa nay bao giờ cũng lớn. Nhưng vì cái học khoa cử, những bài thơ kiệt tác ngâm đi giảng lại lại hoài đã gần như vô nghĩa. Nó chỉ còn là cái máy để đúc ra hàng vạn thí sinh cùng hàng vạn bài thơ dở” ( Thi nhân Việt nam NXBVH 1995, tr 33). Thế là quá rõ, thứ thơ phú ấm ớ đó không chỉ đúc ra vạn bài thơ dở, còn đúc ra cả vạn con người dở ẹc, từ nhân cách đến học vấn không có mấy tấm gương cho người đời noi theo. Cả nghìn năm làm thơ mà thua Thơ Mới kéo dài chỉ có hơn mười năm đến cả nghìn lần. Chứng tỏ anh phải thua người ta đến cả triệu lần. Than ôi, ở đời khi đã thua kém nhau cả triệu lần khác gì con côn trung so với con đại bàn thì nên lớn tiếng so sánh kiêu hãnh làm gì?!
Người đời nói, khi có việc mới biết lòng tin. Từ khi tôi đưa ra lời mời hãy viết một tiểu luận để bàn trực tiếp, nhưng vẫn chỉ thấy toàn comments là comments, tuyệt nhiên chưa có một người nào đủ dũng khí để bước lên đài. Than ôi mời lên sân khấu biểu diễn thì không dám lên, cứ đòi bàn luận ở cánh gà hay chui xuống dưới để chọc sàn, quả là lớp Nho học thật không đủ tư cách để đàng hoàng.
Nhân đây, tôi lại xin nhắc lại và rút bớt tiêu chuẩn, chỉ cần ai đó muốn biểu hiện cái hay của Nho học hãy viết một tiểu luận khoảng suýt soát một nghìn chữ thôi, đừng có biện hộ viết hay không cần dài nhé, người có thiên kinh vạn quyển trong đầu thì một nghìn chữ nhằm nhò gì?! Nhưng than ôi không biết có làm được không vì mấy ông Nho học chỉ quen viết tứ tuyệt có bốn câu, câu đối hai câu, hành phi một câu… liệu có nắm được xương cốt logic để viết nghìn chữ không?!
Nếu quí vị không thể viết được, thì trong một thời gian ngắn tôi buộc phải tuyên bố sự toàn thắng của kiến thức triết học và tư duy phổ quát tổng thể ở trên kiến thức lọ mọ tra trích của hủ nho nhiều lắm. Nếu không viết dược bài luận mà vẫn chỉ đòi chơi dưới sân khấu “chọc sàn”, thì tôi chỉ coi là người cửa dưới, không đủ tư cách để đối thoại.
Xin được thỉnh thị và học hỏi bằng tiểu luận chính thức! Cám ơn!
Nếu quí vị không thể viết được, thì trong một thời gian ngắn tôi buộc phải tuyên bố sự toàn thắng của kiến thức triết học và tư duy phổ quát tổng thể ở trên kiến thức lọ mọ tra trích của hủ nho nhiều lắm. Nếu không viết dược bài luận mà vẫn chỉ đòi chơi dưới sân khấu “chọc sàn”, thì tôi chỉ coi là người cửa dưới, không đủ tư cách để đối thoại.
Xin được thỉnh thị và học hỏi bằng tiểu luận chính thức! Cám ơn!
03/05/2011
0 nhận xét:
Đăng nhận xét