Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012



 Những người muôn năm cũ

Nho giáo là một thuật ngữ bắt đầu từ chữ Nho, theo Hán Tự từ Nho gồm từ nhân (người) đứng cận chữ Nhu (cần, đợi, chờ).
Người sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử (551-479 TCN), tên Khâu, Tự Trọng Ni người nước Lỗ, Khổng Tử đã hệ thống hóa những tri thức cũng như tư tưởng trước đây thành học thuyết gọi là Nho học hay Nho giáo. 
Nội dung của Nho giáo được thể hiện trong Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu) hay Tứ Kinh (Luận ngữ, Đại học, Trung Dung, Mạnh Tử). Quan điểm của nho giáo thể hiện trong Tam Cương đó là các mối quan hệ vua-tôi, cha-con, vợ chồng và Ngũ Thường ( Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín). Nho giáo ảnh hưởng hầu hết các nước phong kiến phương Đông qua quá trình giao thoa và đồng hòa. 

Bối cảnh lịch sử và quá trình phát triển
Khổng Tử sống trong thời Xuân Thu, thời kỳ này thể chế quốc gia thống nhất bị phá vỡ, sản sinh ra nhiều nước Chư hầu lớn nhỏ. Khổng Tử sinh sống trong nước Lỗ là nước có nền văn hóa tương đối phát triển lúc đó. Sự xuất hiện tư tưởng đẳng cấp nghiêm ngặt và tư tưởng cải lương chính trị của Khổng Tử đáp ứng nhu cầu ổn định xã hội lúc bấy giờ. Khổng Tử nhấn mạnh qui phạm và trật tự luân lý nghiêm ngặt, cho rằng nếu làm trái với cấp trên hoặc trái với Cha mẹ đều là tội nghiêm trọng. Theo lý luận này, Vương Quân phải quản lý tốt đất nước, thường dân phải trung thành với Vương quân. Mỗi người đều có nhiều thân phận, có thể là con, có thể là cha, có thể là thần tử... nhưng đều cần phải duy trì ranh giới Tông tôi nghiêm khắc. Như vậy nhà nước mới thái bình, nhân dân mới có cuộc sống yên ổn. 
Thời Xuân Thu, Khổng Tử đã san định, hiệu Đính và giải thích bộ Lục Kinh gồm có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc. Về sau Kinh Nhạc bị thất lạc nên chỉ còn năm bộ kinh thường được gọi là Ngũ Kinh. Sau khi Khổng Tử mất, học trò của ông tập hợp các lời dạy để soạn ra cuốn Luận ngữ. Học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử là Tăng Sâm, còn gọi là Tăng Tử, dựa vào lời thầy mà soạn ra sách Đại học. Sau đó, cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, còn gọi là Tử Tư viết ra cuốn Trung Dung. 
Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đưa ra các tư tưởng mà sau này học trò của ông chép thành sách Mạnh Tử. Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử hình thành nên Nho giáo nguyên thủy, còn gọi là Nho giáo tiền Tần (trước đời Tần), Khổng giáo hay "Tư tưởng Khổng-Mạnh". Từ đây mới hình thành hai khái niệm: "Nho giáo và Nho gia". Nho gia thì mang tính học thuật, nội dung của nó còn được gọi là Nho học; còn Nho giáo mang tính tôn giáo vì ở Nho giáo, Văn Miếu trở thành thánh đường và Khổng Tử trở thành Giáo Chủ, giáo lý chính là các tín điều mà các nhà Nho cần phải thực hành.
Ở nước ta Nho giáo xuất hiện cùng với sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, và phát triển rất nhanh trong khoảng thời gian từ thế kỷ X-XIII. Trong thời đại ngày nay Nho giáo được chọn lọc và cần gìn giữ để phát triển những mặt tích cực của nó như coi trọng việc học, tôn sư trọng đạo, giữ gìn nét đẹp văn hóa trong lối sống gia đình...

Nội dung cơ bản của Nho giáo
Cốt lõi của Nho giáo là Nho gia. Đó là một học thuyết chính trị nhằm tổ chức xã hội. Để tổ chức xã hội có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải đào tạo cho được người cai trị kiểu mẫu - người lý tưởng này gọi là Quân Tử ( Quân = người làm vua, quan, Quân tử = chỉ tầng lớp trên ở trong xã hội để phân biệt với kẻ "Tiểu nhân" những người thấp kém về điạ vị xã hội; "Quân tử" là những người cao thượng có phẩm chất tốt đẹp, phân biệt với kẻ "Tiểu nhân" là những người thiếu đạo đức hoặc đạo đức chưa hoàn thiện. Điều này có thể được lí giải bởi đối tượng mà Nho giáo hướng đến trước tiên là những người cầm quyền ).
Để trở thành người quân tử, con người ta trước hết phải "Tự Đào Tạo", phải "Tu Thân". Sau khi Tu Thân xong, người quân tử phải có bổn phận phải "Hành Đạo" ( Đạo không đơn giản chỉ là đạo lí. Nho gia hình dung cả vũ trụ được cấu thành từ các nhân tố đạo đức, và Đạo ở đây bao chứa cả nguyên lí vận hành chung của vũ trụ, đó là những nguyên lí đạo đức do Nho gia đề xướng ( hoặc như họ tự nhận mình là phát hiện ra) và cần phải tuân theo. Trời giáng mệnh làm Vua cho người nào có Đạo, tức là nắm được đạo trời, biết sợ mệnh trời. Đạo vận hành trong vũ trụ khi giáng vào con người sẽ được gọi là Mệnh). Cần phải hiểu cơ sở triết lí của Nho giáo mới nắm được logic phát triển và tồn tại của nó.
A. Tu thân
Khổng Tử đặt ra một loạt Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức... để làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội. Tam Cương và Ngũ Thường là lẽ đạo đức mà Nam giới phải theo. Tam Tòng và Tứ Đức là lẽ đạo đức mà Nữ giới phải theo. Khổng Tử cho rằng người trong xã hội giữ được Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức thì xã hội sẽ được an bình.
1. Tam Cương: Nói về ba mối quan hệ Quân Thần (vua tôi), Phụ Tử (cha con), Phu Phụ (chồng vợ).
1.1 Quân Thần ( Vua Tôi mở rộng: Bề trên – Bề dưới) : Trong quan hệ vua tôi. Vua thì thưởng phạt công minh, Tôi tớ phải trung thành một dạ.
1.2. Phụ Tử ( Cha Con ): Cha hiền Con hiếu. Cha có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, Con phải hiếu thảo và phụng dưỡng khi cha về già.
1.3. Phu Phụ (Chồng vợ ) : Chồng phải yêu thương và đối xử công bằng với vợ. Vợ phải chung thủy tuyệt đối với chồng . 
2. Ngũ Thường: Ngũ là năm; Thường là hằng có; Ngũ Thường là năm điều phải hằng có khi ở đời, gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
2.1 Nhân: Lòng yêu thương đối với muôn loài vạn vật.
2.2. Nghĩa: Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải.
2.3 Lễ : Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người.
2.4 Trí : Sự thông biết lý lẽ, phân biệt rõ thiện ác, đúng sai.
2.5 Tín: Giữ đúng lời hứa, đáng tin cậy.
3. Tam Tòng: Tam là ba, Tòng là theo. Tam tòng là ba điều người phụ nữ phải theo, bao gồm: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"
3.1 Tại gia tòng phụ: tức người phụ nữ khi còn ở nhà thì phải theo cha.
3.2 Xuất giá tòng phu: lúc lấy chồng phải theo chồng.
3.3 Phu tử tòng tử : nếu chồng qua đời phải theo con .
4. Tứ Đức: bốn tính nết tốt của người phụ nữ phải có là: Công - Dung - Ngôn - Hạnh.
4.1 Công : khéo léo trong công việc.
4.2 Dung : hòa nhã trong sắc diện.
4.3 Ngôn : mềm mại trong lời nói.
5. 4 Hạnh : nhu mì trong tính nết.
Người Quân tử phải đạt được ba điều trong quá trình Tu Thân:
- Đạt Đạo: Đạo có nghĩa là "Con đường" hay "Phương cách" ứng xử mà người quân tử phải thực hiện trong cuộc sống. "Đạt đạo trong thiên hạ có năm điều: đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo bạn bè" (trong sách Trung Dung), tương đương với "quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu". Đó chính là Ngũ thường hay Ngũ luân. Trong xã hội cách cư xử tốt nhất là "Trung Dung".
- Đạt Đức: Quân tử phải đạt được ba đức: "Nhân - Trí - Dũng". Khổng Tử nói: "Đức của người quân tử có ba đức mà ta chưa làm được. Người Nhân không lo buồn, người Trí không nghi ngại, người Dũng không sợ hãi " (sách Luận ngữ). Về sau, Mạnh Tử thay "Dũng" bằng "Lễ, Nghĩa" nên ba đức trở thành bốn đức: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí". Đến thời Hán nho thêm một đức nữa là "Tín" nên có tất cả năm đức là: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín". Năm đức này còn gọi là Ngũ Thường.
- Biết Thi, Thư, Lễ, Nhạc : Ngoài các tiêu chuẩn về "Đạo" và "Đức", người quân tử còn phải biết "Thi, Thư, Lễ, Nhạc" tức là người quân tử còn phải có một vốn văn hóa toàn diện.

B. Hành đạo
Sau khi Tu Thân, người quân tử phải Hành Đạo, tức là phải làm quan, làm chính trị. Nội dung của công việc này được công thức hóa thành "Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ". Tức là phải hoàn thành những việc nhỏ là gia đình, cho đến lớn là Trị Quốc, và đạt đến mức cuối cùng là Bình thiên hạ (thống nhất thiên hạ). Kim chỉ nam cho mọi hành động của người quân tử trong việc cai trị có hai phương châm: 
- Nhân Trị : Nhân là tình người, nhân trị là cai trị bằng tình người, là yêu người và coi người như bản thân mình. "Nhân" được coi là điều cao nhất của luân lý, đạo đức.
- Chính Danh : Chính danh là mỗi sự vật phải được gọi đúng tên của nó, mỗi người phải làm đúng chức phận của mình. "Danh không chính thì lời không thuận, lời không thuận tất việc không thành" (sách Luận ngữ).
Đó chính là những điều quan trọng nhất trong các kinh sách của Nho giáo, chúng được tóm gọn lại trong chín chữ: "Tu Thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ"..

*******************************************

Về chữ “Nhân” trong Nho giáo
Khổng Tử giảng chữ "Nhân" cho học trò không lúc nào giống lúc nào, nhưng xét cho kỹ, cốt tủy của chữ Nhân là lòng thương người như chính Khổng Tử nói :
“Đối với người như đối với mình, không thi hành với người những điều mà bản thân không muốn ai thi hành với mình cả. Hơn nữa cái mình muốn lập cho mình thì phải lập cho người, cái gì mình muốn đạt tới thì phải làm cho người đạt tới, phải giúp cho người trở thành tốt hơn mà không làm cho người xấu đi” (Sách Luận ngữ).
“Nghĩa” là lẽ phải, đường ngay, việc đúng. Mạnh Tử nói: “Nhân là lòng người, Nghĩa là đường đi ngay thẳng của người” “Nhân là cái nhà của người, Nghĩa là đường đi ngay thẳng của người” 
 Đến đời Hán nho, Đổng Trọng Thư đưa nhân nghĩa vào Ngũ Thường. “Tam Cương Ngũ Thường“ trở thành trụ cột của lễ giáo phong kiến. Sang đời Tống nho, hai chữ nhân nghĩa càng bị trừu tượng hóa. Các nhà Tống nho căn cứ vào thuyết “Thiện Nhân hợp nhất” khoác cho hai chữ nhân nghĩa sắc thần siêu hình. Trời có ‘lý” người có “Tính” bẩm thụ ở trời. Đức của trời có 4 điều: “Nguyên, Hạnh, Lợi, Trinh“; Đức của người có “Nhân, Nghĩa, Lễ và Trí“. Bốn đức của người tương cảm với đức của trời
 Hệ thống hóa lại một cách tóm tắt hai chữ “Nhân Nghĩa” ở một số thời điểm phát triển của Nho giáo như trên, ta có thể kết luận hai chữ “Nhân Nghĩa” của Nho giáo là khái niệm thuộc phạm trù đạo lý, nội dung từng thời kỳ có thêm bớt nhưng căn bản vẫn là những lễ giáo phong kiến không ngoài mục đích duy nhất là ràng buộc con người vào khuôn khổ pháp lý Nho giáo phục vụ quyền lợi của giai cấp phong kiến. Trong quá trình phát triển càng ngày Nó càng bị trừu tượng hóa trên quan điểm siêu hình. 

***********************************
Bonus:
“Tứ Đức – Tam Tòng” thời @
FB Nguyen Hoang Anh  ngày 30 tháng 10 2012 ·
 

Từ thuở nhỏ, mình đã được nghe về “Tứ  Đức – Tam Tòng” như kiểu đó là “khuôn vàng thước ngọc” cho phụ nữ Á Đông, trong đó có Việt Nam. Đại khái mình được giải thích “Tứ Đức” là “Công – Dung – Ngôn – Hạnh”, tức là phụ nữ phải biết nữ công, phải xinh đẹp, ăn nói đúng mực và đoan chính! Còn “Tam Tòng” là phụ nữ khi ở nhà nghe cha, lấy chồng nghe chồng và chồng chết thì nghe con trai. Lớn lên một chút thấy sao phụ nữ bị đòi hỏi nhiều quá, mình không thể nào đạt được và đâm ra xì trét vì cảm giác bản thân kém cỏi! Nhìn chung mình cũng muốn nghe bố, nghe chồng cho đơn giản nhưng dần dần mình phát hiện ra là như vậy là đổ lên vai những người thân ấy một gánh quá nặng! Không ai sáng suốt trong tất cả mọi chuyện, các cụ dạy “Một cây làm chẳng nên non…”, nếu bỏ mặc bố/chồng quyết hết mọi chuyện thì gia đình sẽ ra sao, nhất là khi nam giới chỉ thích/biết quyết những việc “to” như đi ăn cỗ, ăn cưới…. lâu lâu mới có 1 lần còn chuyện “cơm áo gạo tiền”, nhất là học hành của con cái thì mù tịt? Về sau khi sử dụng “critical thinking” (tư duy phản biện) thì mình mới hiểu là mình đã chưa hiểu đúng ý nghĩa của những quy định này!
Thứ nhất, Tam Tòng là “Tại gia tòng phụ” tức là ở nhà nghe lời phụ nữ, rõ quá đi rồi; “Xuất giá tòng phu” tức là Lên xe nghe lời anh phu xe, câu này đặc biệt có tính thời sự rất cao trong thời buổi an toàn giao thông đang bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay, khi kêu xe ôm hay taxi phải lựa chọn hết sức cẩn thận vì “Phu tử tòng tử”  tức là anh phu xe chết là mình phải chết theo!!! Ngồi trên xe mà lái xe gây tai nạn thì mình chết chắc còn gì! Khổng Tử dạy quá đúng!
Thứ Hai, trong Tứ Đức thì “Công” là đứng đầu. Thời buổi này phụ nữ ai cũng đi làm rồi, còn đi làm nhiều hơn đàn ông nữa. VD: ở nông thôn chủ yếu là phụ nữ ra TP kiếm sống, mua bán đồng nát, làm Oshin, phu hồ… thậm chí đánh giày giờ cũng là phụ nữ, chưa kể phụ nữ ai cũng làm làm nội trợ gấp nhiều lần đàn ông, vậy “Công” chúng ta có thừa rồi! Về “Dung” thì Phương Tây có câu “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ chưa biết làm đẹp”, Việt Nam có câu “Người đẹp vì lụa” cho nên nếu ta chưa đẹp thì chỉ là do “cái lão ấy” chưa cung cấp đủ “lụa” cho chúng ta làm đẹp. Như thế chúng ta cũng pass tiêu chí này! “Ngôn” thì hầu hết phụ nữ đều biết nói, mà khoa học đã chứng minh phụ nữ còn nói tốt, nói nhiều hơn nam giới nhiều, như thế cũng đã ổn! Chỉ còn tiêu chí cuối cùng là “Hạnh”. Điều đầu tiên ta phải lưu ý là đến Khổng tử cũng chỉ xếp tiêu chí này thứ bét, sau cả “Công – Dung – Ngôn” tức là không quan trọng lắm! Điều này phù hợp với ca dao Việt Nam ta xưa:
“Lẳng lơ cũng chẳng hao mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ
Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng chôn ra ngoài đồng”
Vì thế chị em ta cũng chả nên cố giữ tiêu chí này lắm, nhất là vào thời buổi những người nổi tiếng, hot gơn… toàn thay đại gia như thay áo mà rất được các phương tiện thông tin đại chúng tung hô! Vả lại, “Nhân vô thập toàn”, nếu phụ nữ đạt cả 4 tiêu chuẩn, perfect quá trong khi nam giới may lắm được mỗi “Công” thì sẽ không xứng đôi vừa lứa, hạnh phúc gia đình khó đảm bảo!!! Mà báo đài suốt ngày tuyên truyền về nghĩa vụ bảo đảm hạnh phúc gia đình của phụ nữ, khuyên chị em có biết cũng nên giả vờ “ngu” đi 1 chút để chồng hài lòng! Vậy chị em ta nếu có cũng nên hy sanh chữ “Hạnh” này đi cho hài hòa với “đối tác”!
Chúc chị em phụ nữ Việt Nam hiểu và áp dụng “Tứ Đức” và “Tam Tòng” thời @, đồng thời hướng dẫn anh em hiểu cho phù hợp!




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến