Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

TS. Trần Huyền Sâm

           Lịch sử của nữ giới là một lịch sử câm lặng và giông bão. Tính từ thời điểm mà nhà Nữ huyền học người Italia - Catherine de Sienne ở thế kỷ XIV, đã lên tiếng đòi nhân quyền cho nữ giới, bằng cách viết 381 bức thư gửi các nhân vật quyền lực nhất trong Giáo hội, đến thời điểm 1960, với phong trào giải phóng nữ giới ở phương Tây, đó là một hành trình dài để gắn vấn đề nữ quyền với nhân quyền.
Một khi mà nữ quyền là nhân quyền, thì luận điểm tôi vừa nêu, không cần phải tường minh gì thêm. Ở bài viết này, tôi sẽ đề cập đến một số phiếm luận của các triết gia về phụ nữ và những “siêu lý” đàn bà - nhìn từ góc độ nữ giới.
tran-huyen-sam-sieu-ly-dan-ba-nhin-tu-goc-do-nu-gioi
Những triết gia phiếm luận về phụ nữ: Đàn bà, thiên thần hay ác quỷ?
Femme - đàn bà, hay là phụ nữ, được Henri Bénac - nhà lý luận người Pháp định nghĩa như là một sự bí ẩn và phức tạp, có tính hai mặt. Phụ nữ, phải chăng: “Nàng là thiên thần, hay nàng vừa là ác quỷ?”(1). Nàng sáng tạo ra thế giới và cũng là nguyên cớ hủy diệt thế giới. Nàng thống ngự cuộc hành trình nhân loại bằng một vũ khí đáng yêu và cực kỳ nguy hại: TÌNH YÊU và CHIẾN TRANH. Từ thời tiền Adam và hậu Adam cho đến nay, phụ nữ luôn được/bị nhìn nhận như vậy:
Đàn bà có thể cao hơn cả quyền lực, trí tuệ và sức mạnh; nhưng đàn bà cũng có thể bị xem là sự tầm thường nhất trong mọi sự tầm thường.
Phụ nữ, vì vậy đã trở thành một chủ đề bàn luận khá sôi nổi trong nhiều lĩnh vực của nghệ thuật, triết học và mỹ học. Những triết gia lớn vào loại bậc nhất thế giới, họ thường lấy phụ nữ, như một luận đề tường minh cho lý thuyết của mình. Và không ít những công trình trở nên bất hủ, nhờ vào việc “triết luận về đàn bà”. Có thể kể đến: Nhật ký của Augustin, Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết của Athur Schopenhauer, Siêu lý tình yêu của V.Soloviev, Bên kia thiện ác của Nietzsche, Giới nữ của Simone de Beauvoir…
Không biết, những triết gia vừa kể trên, họ hiểu phụ nữ trên những kinh nghiệm giới tính, hay trên kinh nghiệm của “ký ức huyền thoại”, nhưng từ mỗi góc nhìn, cho chúng ta những luận đề khá thú vị, pha lẫn sự kinh ngạc.
Aristotle - triết gia cổ đại Hy Lạp đã nhìn phụ nữ từ phương diện không hoàn thiện của giới tính: “Phụ nữ chỉ là một người đàn ông khiếm khuyết”. Tư tưởng này ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu bền ở phương Tây. Còn J. Bruyère, nhà phê bình người Pháp, nhìn đàn bà ở sự cực đoan: “Đàn bà là cái gì đó vô cùng cực đoan, họ hoặc vượt trội hoặc thấp kém hơn so với đàn ông”. Nietzsche, với vẻ hoài nghi và cảnh giác: “Trước lúc đến với đàn bà, mi đừng quên mang theo một cây roi!”.
Tệ hơn nữa, thánh Jean Chrysostome còn tỏ thái độ miệt thị: “Trong tất cả các loài dã thú, không có con nào là hại bằng đàn bà”. Ngược lại, thánh Augustin thì nói về phụ nữ, như một chiều sâu mê đắm, vô tận: “Muốn khám phá thân thể của một người phụ nữ, đầu tiên, phải hiểu tâm hồn của họ”; hay “Điều bí ẩn lớn nhất là trong nụ cười của người phụ nữ”. Phụ nữ, được thánh Augustin đề cao dưới nhiều góc độ: tâm hồn tinh tế, nhạy cảm; là hiện thân cho sắc đẹp và sự đam mê khoái lạc.
Nhìn chung, dưới mắt của các triết gia, phụ nữ hiện lên từ hai mặt đối lập: dịu dàng và gai góc; yếu đuối và mạnh mẽ; khờ dại và khôn ngoan… Có thể ví như một chú mèo với bộ lông dịu dàng, mềm mại, nhưng sẵn sàng giương móng vuốt, bất kỳ lúc nào. Họ rất mảnh mai, yếu đuối, nhưng cũng có thể trở thành sức mạnh vũ bão; họ chung thủy vô cùng, nhưng cũng là giống phản bội siêu hạng…
Trong lĩnh vực văn học – hội họa, phụ nữ được ví như một Nàng thơ, là Nữ thần nghệ thuật. Phụ nữ được đồng nghĩa với Bà mẹ Tự nhiên vĩ đại nhất, người mẹ của Đấng toàn năng, mà mọi vật được sinh ra từ đó.
Không ít tác phẩm văn học đã tôn vinh đàn bà. Thậm chí, họ có “một tác động kép”: vừa là đối tượng, vừa là tác nhân kích thích cho sự sáng tạo nghệ thuật được thăng hoa. Đó là trường hợp của George Sand - nữ văn sĩ nổi tiếng của Pháp thế kỷ XIX. Điều kỳ diệu nhất của G.Sand, đó là sự thăng hoa tình yêu vào nghệ thuật. Bà là người tình của hai danh sĩ nổi tiếng vào loại bậc nhất thế giới: nhà thơ A.Musset và nhạc sĩ F.Chopin. Nhờ tình yêu đam mê của G.Sand đã khơi dậy “tính chất thiên tài” của hai danh sĩ này.
Những bài thơ tình tuyệt diệu của Musset (Đêm tháng năm, Đêm tháng mười), cũng như những bản nhạc mê đắm của Chopin (Mưa, Mưa đêm…) là kết quả của sự thăng hoa từ mối tình với nữ sĩ G.Sand. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ở G.Sand, không chỉ là năng lượng yêu đương vô tận của một người đàn bà, mà đặc biệt hơn, bà còn tiềm ẩn một tình yêu rất khó lý giải: tình yêu của một người đàn bà - người mẹ. Những người tình của nàng là những đứa con nhỏ yếu đuối, dễ thương, cần được che chở…
Siêu lý đàn bà - từ góc nhìn nữ giới.
Thực ra, đàn ông và đàn bà luôn là những đối âm và hợp âm. Trong Kinh Thánh, có hai thuyết về sự nảy sinh của đàn ông và đàn bà. Đàn bà sinh ra từ cái xương sườn của đàn ông, vì thế, họ luôn bị lệ thuộc. Đàn ông lại sinh ra từ đức hạnh thủ tiết của đàn bà. Đức mẹ Đồng trinh Maria một mình sinh ra Chúa Giê-su mà không cần giao phối với bất kỳ một người đàn ông nào.
Những sự tích huyền thoại trên cho thấy, bằng những cách khác nhau, đàn ông và đàn bà đều khẳng định nguồn gốc của mình với một niềm kiêu hãnh của sức mạnh giới tính.
Khởi thủy, đàn ông và đàn bà đồng đẳng. Nam nữ là sự phối kết tự nhiên của vũ trụ “Thượng đế đặt sự ham muốn trong nam và nữ, với mục đích: thế giới phải được duy trì sự hợp nhất của nó… Ngày mà Chúa trời tạo ra con người, Ngài tạo nó theo hình ảnh của Chúa, tạo ra chồng và vợ” (2).
Thậm chí, theo thuyết Đất mẹ (là-Gaie), đàn bà đã là chủ nhân thống ngự thế giới đầu tiên. Điều đó đã được chứng minh qua chế độ Mẫu quyền (Đàn bà được lấy nhiều chồng).
Vì sao có sự phân biệt về địa vị xã hội, về vấn đề nhân quyền giữa nữ giới và nam giới?
Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân, đó là sự khác biệt về đặc điểm giới tính. Và đàn ông đã lợi dụng những đặc điểm này, để xác lập chế độ Nam quyền, áp đặt “thống ngự” nữ giới qua các giai đoạn lịch sử và các chế độ khác nhau. Sau đây, tôi thử phác họa một vài sự khác biệt về nữ giới và lý giải những nguyên nhân áp chế của đàn ông.
Nhìn từ góc độ giới tính, đàn ông và đàn bà có những khác biệt sau:
- Về đặc điểm sinh sản: Đàn bà là giống sinh sản, nhưng một năm chỉ có thể sinh con một lần, không thể nhiều hơn, trừ những trường hợp đặc biệt (nhiều thai nhi trong một bào thai). Đàn ông dù không trực tiếp, nhưng họ lại là giống có khả năng sản sinh vô tận. Và so với đàn bà, tần suất sinh con có thể gấp trăm lần. Theo điều tra của các nhà khoa học, một người đàn ông khỏe mạnh trong một năm, có thể sinh hàng trăm đứa con. Và chẳng cần nói đâu xa, câu truyền tụng “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” của ông vua Minh Mạng đã thấy rõ “năng lực vô tận ấy” của giống đực.
Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chế độ đa thê, cũng như chuyện ngoại tình phổ biến của đàn ông hiện nay. Soloviev giải thích hiện tượng này, nằm ở nguyên nhân của giới tính. Đàn ông là giống hữu thể, giống luôn luôn tiềm ẩn một năng lượng, khó kiềm chế: vừa chiếm hữu vừa chiếm đoạt đàn bà. Gieo rắc giống nòi và sở hữu đàn bà, đó là bản năng của đàn ông từ khởi thủy. Bởi vậy, chuyện ngoại tình của đàn bà là “trọng tội”, còn đàn ông, “không trở thành vấn đề”!.
-Về quan niệm trinh tiết: Với nữ giới, trinh tiết là một phạm trù để đánh giá đạo đức, phẩm tiết của một người phụ nữ, nhất là những nước phương Đông. Còn đàn ông, chưa có bất kỳ một chế độ hoặc một chủng tộc nào qui vấn đề trinh tiết vào phạm trù phẩm tiết. Chẳng ai dặn con trai của mình “nên giữ gìn cái ngàn vàng”, mà câu khuyên răn ấy chỉ dành cho con gái. Điều này có căn nguyên từ đặc điểm cơ cấu bộ phận sinh dục giới tính của đàn ông và đàn bà. Làm sao có thể “kiểm tra” được “trinh tiết” của đàn ông”? Dẫu họ có phóng túng bao nhiêu đi nữa, họ vẫn là trinh nguyên
Và lợi dụng những đặc điểm “hạn chế” này của giới nữ, một số bộ tộc đã đề ra những hủ tục rất man rợ, nhất là các nước chậm phát triển ở vùng Trung Đông (hiến trinh tiết của phụ nữ cho cha xứ trước lúc lấy chồng, “khóa” âm hộ nếu có chồng ra trận lâu ngày, thủ tiết, hoặc thiêu chết theo chồng, nếu chẳng may chồng chết…)
-Về mặt tính dục: Nam giới là bản nguyên chủ động, nữ giới là bản nguyên thụ động. Tư thế giao hợp trên/dưới, về một mặt nào đó, đã cho thấy tính quyền uy của đàn ông từ khởi thủy. Đàn bà là giống phục tùng. Đàn ông là giống thống ngự.
Mặt khác, về sinh lý, đàn ông hoan lạc trong khoảnh khắc; đàn bà là sự kéo dài dai dẳng. Điều này đã được các nhà tính dục học chứng minh: “Phần cơ bắp phụ nữ mềm yếu hơn đàn ông, nhưng năng lượng tình dục của đàn bà thì mạnh hơn rất nhiều… Là vô tận…”.
Chính hai đặc điểm này, mà từ lâu trong lịch sử, đàn bà trở thành nô lệ tình dục của đàn ông. Mục đích giao hợp, phần lớn, chỉ xảy ra hai trường hợp: nhu cầu sinh sản hoặc thỏa mãn khoái cảm dục tính cho nam giới.
- Về tư duy: Ngoài những đặc điểm trên, đặc tính thiên về cảm tính của phụ nữ, cũng khiến đàn ông lấy đó để miệt thị. Trên thực tế, không ít phụ nữ đã có những đóng góp to lớn về các lĩnh vực như triết học, khoa học và nghệ thuật. Những tác phẩm văn học thuộc vào loại hay nhất, được đọc nhiều nhất, lại là của nữ giới. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu thuộc về nữ giới như: Ruồi trâu, Đồi gió hú, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Cuốn theo chiều gió, Người tình… Đây là những tác phẩm được xem là những kiệt tác của văn học, được bạn đọc say mê qua các thời đại.
Umberto Eco - nhà ký hiệu học người Ý, tác giả của tiểu thuyết Tên của đóa hồng, sau khi đã nghiên cứu kỹ các tư liệu lịch sử về lĩnh vực triết học và tôn giáo, ông chứng minh rằng: “Không phải không có phụ nữ làm triết học. Thật ra, các bậc triết gia nam tử đã muốn quên các bà đi, có thể sau khi đã chiếm hữu tư tưởng của họ(3).
Thật kinh ngạc khi Eco đã dẫn ra vô số tác phẩm của các nhà huyền học, triết học nổi tiếng đã bị vùi lấp trong các ngăn khố tư liệu mục nát, hoặc đã bị phái Kytô giáo “sẻ ra từng mảnh”. Có thể dẫn ra một vài tên tuổi trong số danh sách dài về các nữ triết gia nổi tiếng: Hypatia (K.370-415) – nhà triết học, nhà toán học lớn nhất thế kỷ VI, được cử làm viện trưởng trường triết học Plato tại Alexandria. Aspasia- nổi tiếng về Tu từ học, được Socrate tôn là bậc thầy. Temistolea-pithagoras (TK IV.TCN), người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử phương Tây được thừa nhận là một nữ triết gia.
Và đặc biệt là Catherine de Sienne (1347-1380) – nhà huyền học Italia, được phong thánh năm 1461 – người có những tác động sâu sắc đến các thế lực quyền hành trong Giáo hội đương thời…
Nói tóm lại, lợi dụng đặc tính “khiếm khuyết” của giới nữ, đàn ông đã xác lập chế độ nam quyền. Và qua các thời đại lịch sử và các chế độ khác nhau, bằng cách này hay cách khác, nữ giới luôn bị đè nén, áp bức và bị khinh miệt.
Cuộc cách mạng làm thay đổi căn bản địa vị của nữ giới, đó là phong trào giải phóng nữ quyền vào thập niên 60 - thế kỷ XX ở phương Tây. Sau hàng loạt các phong trào tranh đấu, vị trí của nữ giới đã được thay đổi khá triệt để và đồng bộ trên các lĩnh vực của xã hội.
Phụ nữ Việt Nam trong tương quan với phụ nữ thế giới
So với các nước phát triển ở phương Tây, vị trí phụ nữ Việt Nam chưa thực sự được khẳng định. Tuy nhiên, theo tôi, đặt trong tương quan với các nước phương Đông, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và một số nước Trung Đông nói chung, phụ nữ Việt Nam vẫn được đề cao hơn.
Nếu xét về quyền công dân, phụ nữ Việt Nam cũng được thừa nhận khá sớm. Tôi đơn cử, ngay cả phụ nữ Pháp, một nước văn minh vào loại bậc nhất thế giới, phụ nữ được đi bỏ phiếu chỉ sớm hơn Việt Nam một năm (Pháp: 1945; Việt Nam: 1946). Tất nhiên, trong quan hệ gia đình và phân công lao động, sự tiến bộ của phụ nữ Pháp bỏ xa phụ nữ Việt Nam hàng thế kỷ…
Theo quan sát của tôi, tại công viên Luxembourg ở Pháp, cứ 10 người mang theo con nhỏ dạo chơi, thì đàn ông đã chiếm 7 người. Còn ở công viên Cung văn hóa thiếu nhi Lê Lợi ở Huế, cứ 10 người thì phụ nữ đã chiếm 8 người (Một sự đối trọng trong trách nhiệm chăm sóc con cái).
Cũng vậy, tại Cư xá dành cho sinh viên quốc tế tại Paris (Gọi là La Cité Universitaire Internationale de Paris), một cặp vợ chồng trẻ người Tây Ban Nha, cạnh phòng tôi, họ có sự phân công rất bình đẳng và rõ ràng trong công việc. Nếu chồng nấu ăn thì vợ rửa chén, và ngược lại. Thậm chí họ còn bình đẳng trong vấn đề tài chính chi tiêu.
Trở lại mối tương quan với phụ nữ châu Á. Hiện nay, các phong tục áp chế dã man đối với phụ nữ, như: cắt âm vật, hủy diệt nhi nữ ngay từ lúc vừa sinh ra, luật hồi môn khắt khe đối với phụ nữ vẫn tồn tại ở một số nước, đặc biệt là các nước Hồi giáo. Ở Ấn Độ, luật hồi môn đã trở thành một nỗi ám ảnh và hà khắc nhất đối với phụ nữ. Bởi vậy, số mệnh của đàn bà được quyết định, không phải là trí tuệ hay sắc đẹp, mà trước hết, phải là của cải. Nạn giết thai nhi nữ phổ biến tràn lan khắp đất nước Ấn Độ, vô phương cứu chữa…
Ở Việt Nam, địa vị và quyền lợi của phụ nữ ngày càng được khẳng định, thậm chí, còn có xu hướng nữ thịnh nam suy ở một số lĩnh vực như giáo dục và nghệ thuật.
Tôi nghĩ, muốn thay đổi địa vị nữ giới, phải thay đổi quan niệm của đàn ông về tình yêu, hôn nhân và tình dục. Thử tự hỏi, liệu trong mỗi chúng ta, tình dục đã thực sự trở thành nhân quyền của nữ quyền chưa? Ở các nước phương Tây, điều này được xem là nhân bản và rất được coi trọng. Còn Việt Nam, e rằng, sẽ trở nên lố bịch, khi đề cập đến vấn đề này…
_________________________

1. Henri Bénac, Dẫn giải ý tưởng văn chương, NXB Giáo dục, 2005.
2. V.Soloviev, Siêu lý tình yêu, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2005.
3. Umberto Eco, Triết lý kiểu phụ nữ, trong Đi tìm sự thật biết cười, NXB Hội Nhà văn, 2004.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến