Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012




 

Đã là người Việt Nam thì “mọi người đều thờ ông bà, mọi người đều thờ cúng tổ tiên”. Nói đến thờ cúng tổ tiên người ta nghĩ ngay đến cúng giỗ. Nhà nào nghèo và đơn chiếc lắm một năm cũng vài cái giỗ lớn : ông, bà, cha, mẹ . Lớn ra lại thêm bác, chú, cụ rồi tổ . Có giỗ chính, giỗ giúi. Mà giỗ nào thì cũng phải có đồ ăn bày lên bàn thờ, rồi vàng hương cúng quảy. Người ta sống nhiều vào ngày tết và ngày giỗ vì vào những dịp ấy là họ hàng mới có dịp tụ họp, để trước là cúng người quá cố, sau là ăn giỗ.
Người Việt  có một tin tưởng là tổ tiên vẫn gần gũi với con cháu và sẵn sàng tham gia vào mọi công việc của con cháu cũng như khi còn sống. Họ có thể dùng quyền uy ở cõi âm để che chở giúp đỡ người sống. Việc cúng giỗ chính là biểu lộ sự đối xử của con cháu với tổ tiên đã khuất như khi còn sống. Trước cúng, sau ăn. Cỗ lớn thì tổ tiên mừng cho con cháu thành đạt; cỗ nhỏ, chén cơm quả trứng, tổ tiên biết lòng thành của con cháu nghèo nàn mà giúp đỡ.
Việc thờ cúng tổ tiên của chung một họ diễn ra ở nhà thờ tổ và được giao cho một người gọi là thừa tự trông nom săn sóc bàn thờ, đèn nhang cúng vái ngày thường và tổ chức ngày giỗ để con cháu tụ họp đông đủ lễ tổ tiên, sau đó thừa huệ cỗ bàn. Giỗ to nhỏ tùy theo ngôi vị trong gia tộc. Gần như người ta không quên một phần tử nào trong gia tộc đã thất lộc. Ngay những người chết trẻ thường được coi là linh thiêng nên thờ gọi là bà cô hay ông mãnh.
Bàn thờ tổ tiên là nơi để tổ tiên về hưởng giỗ chạp, được đặt ở gian giữa nhà. Nếu là nhà thờ tổ (từ đường) cũng phải đặt giữa nhà thờ họ và do tộc trưởng trông nom; nhiều thì hàng ngày thắp nhang, không thì cũng phải các ngày giỗ chính cùng là sóc vọng, tết nhất, hay những việc đột xuất khác như hiếu hỉ, khao vọng
Thực ra, không phải chỉ có Việt Nam là có đạo thờ ông bà. Tục thờ cúng tổ tiên ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và ở nhiều dân tộc khác thuộc Á châu cũng có . Riêng sự thờ cúng tổ tiên của Việt Nam đã được nâng lên thành một sinh hoạt tâm linh, một đức tin vững chắc vào sự hiện hữu của tổ tiên  đã khuất ở thế giới bên kia.
Nguồn gốc của đạo thờ tổ tiên
Sự thờ cúng tổ tiên xuất phát từ một tin tưởng  người ta có phần thể xác và tinh thần . Phần tinh thần còn lại sau khi phần xác chết đi: thác là thể phách còn là tinh anh. Sự tin tưởng vào linh hồn bất diệt và sống trong thế giới u minh, hay là cõi âm là một tin tưởng có nguồn gốc sâu xa và rất phổ quát trong hầu hết các dân tộc tiền sử.
Nguời tiền sử đối xử với người chết như khi họ còn sống và tin rằng linh hồn họ luôn luôn quanh quẩn cạnh người nhà để giúp đỡ và che chở cho những người ruột thịt. Những linh hồn ấy sống trong cõi âm nhưng vẫn quanh quẩn ở dương thế dù với mắt người không nhìn thấy được gọi là ma. Tục thờ linh hồn người chết này có rất sớm và tạo nên bản sắc tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam. Khi đã phát triển thành một xã hội nông nghiệp định cư trên một địa bàn rộng lớn, thì việc thờ cúng gia tiên cũng tiến hành song song với sự thành hình rộng rãi gia tộc. Lúc ấy bắt đầu nảy sinh quyền hạn và bổn phận riêng của gia tộc cũng như cộng đồng. Những sinh hoạt tâm linh cũng thay đổi theo chiều hướng cái nào thích hợp với xã hội mới thì được chuyển hóa; cái nào không hợp thới sẽ bị đào thải. Tục thờ cúng gia tiên là một chuyển hóa quan trọng từ tín ngưỡng thờ linh hồn, và nó trở thành căn bản cho tổ chức gia đình, lớn hơn là họ hàng đối với xã hội đã định cư.
Từ tín ngưỡng thờ linh hồn sơ khai đã biến ra một thứ phải gọi là Ðạo thờ cúng tổ tiên với đầy đủ đức tin và nghi thức đã làm nên sức mạnh tinh thần cho những thành phần trong gia tộc mà xét về nhiều mặt tích cực cũng như tiêu cực phải gọi là yếu tố căn bản của văn hoá Việt Nam.
Đạo thờ cúng tổ tiên và tâm thức người Việt
Thờ cúng tổ tiên là tinh thần của gia tộc. Không có quan niệm tổ tiên khi chết vẫn quanh quẩn sinh hoạt với những thành phần của gia tộc thì không thể lấy cái gì mà liên kết những người cùng chung huyết thống lại với nhau; để mặc dầu vì hoàn cảnh làm ăn hay gặp nghịch cảnh phải xa lìa đất tổ, họ hàng thì vẫn thấy xa là xa không gian nhưng mình vẫn còn ràng buộc bằng tinh thần với họ hàng. Việc giữ giỗ của họ lớn là do tộc trưởng đã đành, nhưng người ta đã không cấm mà còn khuyến khích những người ở chi thứ vẫn giỗ những thân thuộc trực hệ và gần thì như là ông bà cha mẹ chẳng may khuất núi. Ta thấy một hệ thống chân rết ở họ hàng từ gần đến xa qua nhiều đời dù phải xa lìa, dù không biết mặt nhau, nhưng vẫn có cái tình máu mủ để mà quan niệm rằng giọt máu đào hơn ao nước lã. Có khi đánh nhau vỡ đầu đấy mà khi nhận ra biết là có họ đánh nhau vỡ đầu mới biết anh em thì thôi chín bỏ làm mười, thương yêu nhau vì cùng là con cháu một tổ sinh ra.
Tổ chức gia tộc với nhiều thế hệ ở chung với nhau trong một địa bàn với nhiều nhà liên kết trong một khuôn viên có tường hay hàng rào kiên cố bao bọc. Những họ mạc này sống qua nhiều đời và luôn giữ dây thân tộc dù có phải vì lý do loạn lạc hay sinh kế mà không thể sống quây quần với nhau. Những tụ cư của một đại gia đình như thế, bước đầu vì lý do an ninh khiến những người định cư phải sống gần nhau để bảo vệ chống lại thú dữ hoặc trộm cướp. Khi ở đồng bằng hết thú dữ thì là giặc cướp. Ðại gia đình phát triển lớn với khoảng năm đời chung sống, cùng với những người giúp việc có thể đông đến vài trăm người, đủ để thành một ấp lớn. Nền luân lý gia đình chính là pháp luật cho mọi người trong tập đoàn ấy tuân theo mà cư xử. Nền luân lý gia đình ấy chủ yếu là giáo dục con trẻ trong gia đình, xa là trong họ noi theo đức độ của tổ tiên để không có những hành vi gọi là làm điếm nhục gia phong, đứng về mặt tiêu cực; còn tích cực thì phải học hành, nếu là họ có văn học, mà phần lớn thì họ văn học vốn là tiêu biểu để mọi người dân vươn tới, thì con cháu phải lo học hành, thi đỗ làm quan, khiến vẻ vang cho họ và nối chí tổ tiên đã có thời thịnh đạt.
Với tổ chức gia tộc và nền luân lý chủ ở gìn giữ công đức tổ tiên, các thành phần trong gia đình mà lỡ trong họ có người làm điều trái thì tự mình là con cháu xấu hổ, không dám nhìn ai. Sự gìn giữ hương khói của một gia tộc cũng quan trọng như gìn giữ những thành phần của gia tộc còn sống. xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì. Trong họ phải đùm bọc nhau sao để đừng có việc thoát ly gia đình, xa dời họ hàng , làng mạc. Người ta rất sợ cảnh tha phương cầu thực dù có thể nhờ đấy mà làm ăn khấm khá giàu có hơn khi còn ở lại làng gần họ hàng. Nhưng người ta vẫn có một thôi thúc tình cảm để sao cũng phải sống gần họ hàng, ít ra thì ngắn ngày và một khi thất lộc đi rồi thì sao cho được chôn ở gần phần mộ tổ tiên để lại được gần gũi nhau trong một thế giới khác .
Gia tộc không thể bền vững nếu không có tổ tiên làm sợi dây liên kết ràng buộc người sống với người chết để cùng mưu  hạnh phúc cho nhau. Tổ tiên được thờ cúng như khi còn sinh tiền để gây phúc cho con cháu. Do đấy gia đình có nhiệm vụ nối dài giòng giống với tương lai rực rỡ. Các phần tử trong gia đình trong khi thi hành các lễ nghi đối với tổ tiên thì sẽ nghĩ tới tương lai mình cũng không bị lìa xa gia tộc khi chết, cho nên nỗi đau đớn nhất của người ta là không có người tiếp nối gia tộc, hay là không có hậu
Tình cảm đã được nâng lên như một bổn phận là chữ Hiếu. Không có lòng hiếu người ta không lấy gì để liên kết gia đình. Ở lòng hiếu thảo không thể có sự miễn cưỡng hay giả trá mà tình cảm gia đình bền vững được. Cha hiền từ và con thì hiếu mới giữ được tình cảm tốt đẹp của gia đình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến