Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012



Trước hết, cần phân biệt khái niệm hiện đại (modern), tính hiện đại (modernity), và khái niệm hiện đại chủ nghĩa (modernism).

Hiện đại là một giai đoạn lịch sử, theo Marx và Weber cũng như vô số các nhà xã hội học khác, vừa tiếp nối thời trung đại và phong kiến vừa là cái gì đối lập lại xã hội truyền thống. Tính hiện đại là đặc điểm tinh thần của thời hiện đại; những đặc điểm ấy, theo Weber, Tonnies và Simmel, là tính chất duy lý trong quá trình tổ chức cũng như sản xuất và sự chuyên biệt hóa (differentiation) trong các hoạt động xã hội; theo Marshall Berman, là sự đổi mới, sự tân kỳ và sự năng động. Trong ý nghĩa này, hiện đại hóa (modernization) trước hết là một quá trình kỹ nghệ hóa, và từ kỹ nghệ hóa, một loạt các sự thay đổi khác sẽ diễn ra, vừa như là một hệ quả của quá trình kỹ nghệ hóa vừa như là một tiền đề để đẩy mạnh quá trình kỹ nghệ hóa ấy: đô thị hóa, dân chủ hóa, trần thế hóa, cá nhân hóa và duy lý hóa. mục tiêu cuối cùng của tất cả những cái "hóa" ấy là tạo nên một thế giới mỗi ngày một văn minh hơn, giàu có hơn và... hiện đại hơn. Chủ nghĩa hiện đại, ngược lại, chỉ là một trào lưu tư tưởng và văn nghệ, thường được khoanh gọn trong khoảng thời gian từ 1885 đến 1935, tuy một số người có chủ trương muốn đẩy thời điểm bắt đầu của nó xa hơn, đến tận thập niên 70 của thế kỷ 19 để có thể bao gồm các sáng tác của Nietzsche và Rimbaud, trong khi một số người khác, đặc biệt tại Mỹ, muốn kéo dài thời điểm kết thúc của nó đến tận tận thập niên 50 của thế kỷ 20 để có thể bao gồm các sáng tác đầu tay của Vladimir Nabokov và các sáng tác cuối đời của William Carlos Williams.

Không dễ gì tóm gọn nội dung của chủ nghĩa hiện đại trong vài dòng. Trong khoảng thời gian dài hơn nửa thế kỷ, với những tên tuổi kiệt xuất trong nhiều lãnh vực khác nhau, như Matisse, Picasso, Kandinsky trong hội họa, Stravinsky, Debussy và Schoenberg trong âm nhạc, Strindberg và Pirandello trong kịch nghệ, Hanry James, Joyce, Lawrence, Proust, gide, Faulkner và Kafka trong tiểu thuyết, Yeats, Eliot, Pound, Rilke, Lorca, Valéry và Mallarmé trong thơ, chủ nghĩa hiện đại biến hóa, đa dạng và phong phú khôn lường. Có lẽ điểm chung đầu tiên dễ nhận thấy nhất giữa họ (trừ Mayakovsky và các nhà vị lai chủ nghĩa vốn, theo quan niệm của khá nhiều người, thuộc nhóm tiền phong, "avant-garde", hơn là thuộc chủ nghĩa hiện đại) là, mặc dù sinh ra và lớn lên trong sự chiến thắng rực rỡ của khoa học và kỹ thuật, họ lại run sợ trước những chiến thắng đó, những chiến thắng của những gì do con người tạo ra nhưng lại mỗi ngày lại vượt ra ngoài sự kiểm soát của con người, hơn nữa, còn quay lại đè bẹp con người. Từ sự run sợ trên dẫn đến việc hoài nghi lý trí và sự tiến bộ nói chung. Hình ảnh những cái đầu thú hoặc mặt nạ trên cơ thể người phụ nữ trong tranh của Picasso là những hình ảnh rất tiêu biểu: chúng giải thiêng quyền lực của trí tuệ (thường được coi là tập trung ở đâu và của bản sắc cá nhân (thường được coi là thể hiện rõ nhất ở khuôn mặt). Lý trí, với các nhà vị lai chủ nghĩa (futurists), bị thay thế bằng ý niệm năng lượng; với các nhà siêu thực (surrealists), bằng vô thức và những giấc mơ; với các nhà thơ đa-đa, bằng trực giác và tưởng tượng; với các nhà thơ thuộc trường phái biểu hiện 9expressionism), bằng sự ngây ngất và bằng nghệ thuật nguyên thủy. Ở khía cạnh này, có thể nói, chủ nghĩa hiện hiện đại, về phương diện xã hội, là một đứa con hư của đô thị: một mặt, nó được tạo ra bởi nếp sống, bởi không gian, thời gian và bởi ý thức hệ của đô thị, mặt khác, nó lại không ngớt bất mãn quá trình hiện đại hóa mà biểu hiện tập trung nhất lại chính là hình ảnh của đô thị; về phương diện triết học, nó là cái nhìn bi quan về thế giới, về khả năng giao cảm giữa người với người, về quan hệ giữa kinh nghiệm chủ quan và thế giới khách quan; về phương diện thẫm mỹ, nó là một phản ứng chống lại chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn, hai khuynh hướng sáng tác có ảnh hưởng mạnh nhất trong thế kỷ 19.

Picasso


Rất dễ nhận ra ảnh hưởng của Nietzsche và Freud trên các nhà hiện đại chủ nghĩa. [...] Xuất phát từ những góc nhìn khác nhau, tư tưởng của Nietzsche và Freud lại có nhiều điểm tương đồng. Với Nietzsche, bản chất của con người gần với Dionysus hơn là với Apollo: nó bị khống chế bởi vị thần vô luân, say sưa và phi lý tính. Với Freud, con người, trên căn bản, chỉ là một con vật bị thúc đẩy bởi những động lực mù quáng, tối tăm từ tiềm thức, vô thức, từ những ấn tượng xa vời và mơ hồ trong tuổi thơ.

Từ thái độ hoài nghi đối với lý trí, đối với văn minh, các nhà hiện đại chủ nghĩa đâm ra hoài nghi cả ý niệm thời gian như một sự tuần hoàn vô tận theo cách hiểu truyền thống tại Đông phương hoặc như một sự vận động liên tục, một sự tiến bộ không ngừng theo cách hiểu quen thuộc ở Tây phương trước thế kỷ 20. Với họ, thời gian có khi quẩn quanh, trùng lấp lên nhau, quá khứ, hiện tại và tương lai có thể là một. Lịch sử do đó, không phải là một con đường thẳng từ thấp lên cao mà chỉ là một cái gì bị đứt khúc, ở đó, mỗi giai đoạn là một cái gì khác, một dị biệt hoàn toàn. Quan niệm này có hai hệ quả. Thứ nhất, ý thức cách tân được đề cao, chiếm ưu thế hơn hẳn so với yếu tố kế thừa. Chủ nghĩa hiện đại là một niềm khát khao vô hạn đối với cái mới, là một cuộc phiêu lưu vô tận vào những miền đất lạ. Trong lịch sử nhân loại, không có giai đoạn nào mà ý thức thẩm mỹ và khuynh hướng sáng tác thay đổi nhanh chóng như là thời hiện đại chủ nghĩa. Nhiều trào lưu văn học nghệ thuật mới xuất hiện dồn dập trong một thời gian cực ngắn. Thứ hai, về phương diện thi pháp, quan niệm mới về thời gian này dẫn đến kỹ thuật đồng hiện (simultaneity), dòng ý thức (stream of conciousness) và lắp ghép (montage) trong tiểu thuyết, (cả trong hội họa) và sự thoái vị của yếu tố tích truyện trong thơ...

(Lược trích từ Thơ con cóc và những vấn đề khác)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến