Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012




“Hiếu” trong quan niệm của người Việt
Trong đời sống mỗi con người, gia đình luôn giữ một vị trí đặc biệt - đó là nơi con người thực hiện quá trình xã hội hoá đầu tiên, là tổ ấm chở che yêu thương nhất. Chính trong chiếc nôi thân yêu này con người được bảo bọc, yêu thương, được học hỏi những kỹ năng sống cơ bản và được trao truyền những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất của cuộc đời. Trong đó “Hiếu” là giá trị trung tâm chi phối đạo đức gia đình và mang đến cho gia đình những giá trị văn hoá-đạo đức căn bản nhất.
Trong gia đình, “Hiếu” được hiểu như là một tình cảm yêu thương có tính bản nhiên của mỗi con người được nuôi dưỡng trong suốt quá trình “thai giáo” của người mẹ, cho đến lúc sinh ra và khi trưởng thành tình cảm ấy được nuôi dưỡng, nảy nở được quy thành một giá trị đạo đức kết nối mật thiết mối quan hệ gia đình. Từ trong quá khứ và cho đến hiện tại, Hiếu đã trở thành một truyền thống hiếu đạo, tạo nên những giá trị văn hoá đặc trưng, sâu sắc cho gia đình Việt Nam. Người Việt quan niệm về Hiếu hết sức giản dị và “tính dụng”: “Hiếu là từ đi liền theo là Thảo – hiếu thảo, chỉ việc con thờ cha mẹ hết lòng gọi là Hiếu” và “Hiếu là biết kính trọng thương mến cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, biết phụng dưõng cha mẹ”
Chính sự ràng buộc có tính tự nhiên xuất phát từ tình yêu thương ban đầu ấy, Hiếu với bước phát triển tiếp theo, được những người sáng lập ra Nho giáo sớm tổng kết, quy định, nâng lên thành một phạm trù đạo đức và từ phạm trù ấy  trở thành một chuẩn mực xây dựng nền tảng đạo đức gia đình mở rộng ra đến xã hội - “nhà” lớn. Chính vì vậy, Hiếu được nâng lên thành một thứ Đạo làm người - có nghĩa là con đường, là đạo lý, là cái lẽ nhất định ai cũng phải noi đấy mà theo, Đạo Hiếu.
Từ khi Nho giáo vào Việt Nam thì Hiếu được các triều đại phong kiến Việt Nam từ triều Lê đến Nguyễn đều rất quan tâm, xem Hiếu là nền tảng, cơ sở để tề gia và trở thành một nguyên tắc quan trọng để trị nước. Tuy nhiên, trong quá trình thể chế hoá Hiếu trở thành những chuẩn mực ứng xử phổ biến ra bên ngoài xã hội thì Hiếu-từ quan niệm Nho giáo của Trung Quốc có phần khuôn mẫu, cứng nhắc được quy định trong các sách kinh điển của Nho gia: Luận ngữ, Kinh Lễ,…thì đưa áp dụng xã hội Việt Nam lại có phần uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với tinh thần gia đình, xã hội Việt. Đó không còn là cái Hiếu một chiều “phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung” mà trở thành cái Hiếu hai chiều nhân bản hơn(1). Đối với người Việt kính hiếu với cha mẹ là thể hiện sự phụng dưỡng cha mẹ lúc về già, đừng nên "con nuôi cha mẹ con kể từng ngày". Con cháu lúc bé thì "cậy cha" nương dựa vào ông, bà, cha mẹ, lúc về già thì "cậy con" trông nhờ sự phụng dưỡng, chăm sóc của con cháu. Con cháu hiếu với tổ tiên không phải chỉ dừng lại ở lòng biết ơn, sự phụng dưỡng mà còn phải rèn luyện để nên người vì người già vẫn quan niệm "con hơn cha là nhà có phúc".
“Hiếu” trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt
Thờ cúng tổ tiên là thông qua những lễ nghi để tỏ lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ đã khuất. Trong tâm thức nhiều người Việt Nam tin rằng, tuy đã mất, nhưng vong hồn tổ tiên vẫn còn bên con cháu, che chở, nhắc nhở động viên mình. Do đó thờ cúng tổ tiên là đạo lý ở đời, là "đạo nhà" của người Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên là lễ nghi thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên mỗi khi tuần tiết, giỗ kỵ, hoặc mùa có quả mới, gạo mới, hoặc trong nhà có việc trọng như ma chay, cưới xin, làm nhà, đi xa... Việc to, nhỏ tùy theo mà sắm lễ cúng, có thể làm cỗ mặn, cỗ chay hoặc chỉ lưng cơm, quả trứng, miễn là thành tâm. Như vậy, thờ cúng tổ tiên là sự thực hành chữ Hiếu, đạo Hiếu, bởi đối với người Việt Nam:
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.
Việc cúng giỗ chính là biểu lộ sự đối xử của con cháu với tổ tiên đã khuất như khi còn sống. Đó chính là sự nối dài tình cảm mà ta gọi là Hiếu đạo. Rất đơn giản, bởi họ -tổ tiên chính là người cho ta sự sống và ý thức. Chính bởi cái bản thể ấy mà ta lập bàn thờ, nhà thờ họ một cách trang trọng, nhiều nhà thờ họ, từ đường còn đầy đủ đồ thờ, trang trọng như nơi thờ Thần, thờ Thánh của làng xã.
Cũng vì tin là, tuy đã mất, nhưng vong hồn tổ tiên vẫn còn bên con cháu, che chở, nhắc nhở động viên mình, nên việc cúng lễ là cần thiết và việc thờ phụng tổ tiên không thể sao nhãng. “tục còn tin rằng vong hồn người đã khuất thường luôn ngự trên giường thờ có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống. Nhiều người vì sợ vong hồn cha mẹ buồn đã tránh những hành vi xấu xa và đôi khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc đó lúc sinh  thời cha mẹ có chấp nhận hay không. Người ta sợ mang tội bất Hiếu nếu làm cho vong hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình”. Ở đây nỗi lo sợ bất Hiếu với người còn sống vì lo sợ bậc làm cha mẹ buồn lòng, là trái với lẽ ứng xử tự nhiên của đạo làm con nhưng người ta còn lo sợ hơn cả là khi bất Hiếu cả với vong hồn người đã khuất, làm cho cái tâm trở nên bất an.
 Hiếu đạo, trong thờ cúng tổ tiên của người Việt trở thành một giá trị nhân luân kết nối người sống với người đã thác và chính giá trị này làm cho ta luôn cảm thấy là người khuất bóng vẫn hiện diện đâu đây, vẫn có sự ảnh hưởng nhất định lên cuộc sống của người trần thế.

(1) tham khảo Đạo hiếu ở Trung Quốc thời xưa. http://hoathanhques.blogspot.com/2012/11/ao-hieu-o-trung-quoc-thoi-xua.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến