Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012



Các loại hình văn hóa tình dục
Zbigniewlew Starowicz

Các phong tục cho phép những quan hệ tình dục ngoài hôn thú có mặt ở nhiều nền văn hoá và tồn tại dưới những mô típ khác nhau. Nói chung đấy là biểu hiện của thứ đạo đức hai mặt trong các nền văn hoá có truyền thống phụ quyền lâu đời, nơi mà phong tục cho phép nam giới được ngoại tình và ngược lại cấm chế đối với phụ nữ. Ở đây người ta đã lập luận rằng, bản chất của đàn ông là đa thê và hành vi tự do của họ không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hôn nhân. Còn đàn bà thì đại diện cho một thứ tâm lý đa cảm, yếu ớt và bồng bột, vì thế họ cần phải được pháp luật và nam giới giám sát. Tóm lại quan hệ ngoài hôn nhân đã phát sinh trên cơ sở những quan niệm khác nhau về giới tính, hoặc là nghiêm khắc với giới nữ, trong khi tỏ ra dễ dãi với cánh đàn ông. Tại các nước Châu Âu, chính luật pháp cũng đã bảo vệ cho những tập quán trên. Ngay cả ngày nay, những tàn tích đó cũng chưa lùi hết vào dĩ vãng. Một số truyền thống phụ quyền hiện còn tồn tại ở Ý, Tây Ban Nha và nhiều nước khác, là những bằng chứng cụ thể. Cho đến những thập kỷ 80, tại Brazil vẫn còn nạn giết vợ. Các ông chồng vũ phu thường đày đọa vợ mình đến chết nếu có dấu hiệu nghi vấn ngoại tình. Còn tòa án và các luật sư thì tìm cách bảo vệ cho kẻ giết người với những mức án mang tính chất tượng trưng. Tất cả những nhân vật này đều cùng lập luận ngụy biện rằng chỗ đứng của đàn bà là ở nhà và họ cần phải phục tùng nam giới. Nếu người vợ cũng giết chồng với hình thức tương tự thì cô ta sẽ bị trừng phạt hết sức nặng nề. Tại Brazil phong trào giải phóng phụ nữ chống lại quan điểm cổ hủ trên đã vạch trần hàng nghìn bản án đầy rẫy sự phân biệt giới tính và luân lý đang là áp lực đè nặng lên hệ thống lập pháp nhân quyền. Thái độ đồng tình đối với các quan hệ ngoài giá thú là nét điển hình của nền văn hoá cung đình trong giới quý tộc vương giả. Còn dưới triều của những vị vua cuối cùng thuộc dòng họ Loudovic thì chúng trở thành một thứ nghĩa vụ đạo đức “trung quân ái quốc”. Hôn nhân ở đây thường mang những mục đích vụ lợi hơn là yếu tố tình cảm. Vào thế kỷ XII-XIII, phong trào Troubadour cũng tán thành vấn đề ngoại tình. Cách đây chưa lâu, ngay tại Ba Lan cũng không ít những phụ nữ đã tìm cách vụng trộm mây mưa trong khi chồng còn ở mặt trận hoặc công tác xa. Các tình nhân đã vung tay “boa” những món chi phí hậu hĩnh cho những quả phụ lãng mạn này. Rõ ràng đấy là biểu hiện của mục đích kinh tế, song cũng có những trường hợp mà bản chất đa cảm, yếu đuối của một số phụ nữ đã đưa họ đến với những người đàn ông để mong tìm một sự che chở, an ủi nào đó. Có thể nói, các quan hệ tình ái trước và sau hôn nhân với tính chất đạo đức lá mặt lá trái của nó là một hiện tượng rất thịnh hành ở Ba Lan.
Một trong những tập quán ngoại tình tiêu biểu còn tồn tại cho đến ngày nay là nền văn hoá ngoại tình của chủng tộc Turu mà nhà nhân chủng học Mỹ G.Shneider đã bỏ ra suốt 15 tháng trời vào những năm 1959-1960 để nghiên cứu, khảo sát. Dân số hiện nay của tộc người Turu còn khoảng 175.000 nhân khẩu. Họ nói tiếng Bantu và sống rải rác ở một số vùng thuộc Tandania. Người Turu sống bằng nghề trồng mía, kê, nuôi cừu bò và các động vật có sừng lớn. Tuổi dậy thì ở trẻ em phát triển khá sớm. Con gái đến 10 tuổi thì được cắt âm vật và sau đó cho phép được lập gia đình. Cuộc sống tinh thần của người Turu gắn bó mật thiết với Mbuia – là một tập tục diễn ra trong các buổi lễ Imaa thần bí. Ở đó các quả phụ sẽ tâm sự cho nhau nghe về đời sống gia đình, những cảm xúc và hoạt động chăn gối riêng tư của họ. Nếu người đàn ông nào có cảm tình đặc biệt với ai trong số đó thì anh ta sẽ tỏ ý bằng cách thường xuyên tặng quà cho đối tượng. Hành vi này được gọi là “Hembes”. Xã hội Turu đòi hỏi ở người phụ nữ đạo đức phẩm hạnh, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng tha thứ cho những tâm hồn quá ư lãng mạn và… đa tình. Nếu người đẹp ngỏ ý muốn xin cái cuốc hoặc tìm cách giấu lấy đôi dép của người đàn ông nào đó thì có nghĩa là cô ta đã phải lòng và muốn quan hệ ân ái. Song phút quyết định nhất thì đối tượng nam giới ở đó phải tự chủ động lấy. Nơi gặp gỡ của các đôi tình nhân thường là diễn ra ngay tại nhà người đẹp, hoặc ở trong rừng và những địa điểm kín đáo khác. Nhưng tuyệt nhiên họ không bao giờ kéo nhau về nhà người đàn ông. Hoạt động tình dục giữa các tình nhân thường diễn ra một cách dè dặt, có điều phong phú hơn nhiều so với khi quan hệ vợ chồng. Các đức ông chồng không hề phản đối và tỏ ra ghen tuông khi biết mình đang bị vợ “xỏ mũi”. Ngược lại họ vẫn luôn giữ bình tĩnh và lịch thiệp, thậm chí nếu chuyện tình của vợ mình đã bị vỡ lỡ, tai tiếng. Thế nhưng tại sao các bà vợ vẫn cố ý che dấu mối quan hệ lẳng lơ của mình? Rất có thể là do họ muốn thực hiện thủ thuật “bắt cá hai tay”, vừa muốn chiếm đoạt tình nhân, lại vừa muốn giữ tình cảm của chồng đối với mình, thậm chí ngay cả trong trường hợp người chồng không đồng ý.
Ở một chừng mực nhất định, tính chất Mbuia còn được thể hiện trong điệu nhảy mang tên “Uiuma Ngoy”. Đây là một loại vũ điệu có mặt trong những ngày lễ cắt âm vật của bộ tộc. Vũ điệu được thực hiện qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu chỉ có phụ nữ tham gia, gia đoạn thứ hai của nam và nữ cùng nhảy. Ở lần sau, điệu vũ có những biến thể như sau: chân phải của người phụ nữ nâng lên cao, chân trái đứng vững nhờ đôi tay giữ lấy vai hoặc hông của người đàn ông. Còn người đàn ông thì ép sát vào giữa đôi chân người phụ nữ và khi cả hai cùng xoay người nhảy thì bàn tay của anh ta hướng về chỗ kín của người đàn bà với những động tác bắt chước hình thức làm tình với nhau. Tuy vậy, tập quán ngoại tình của người Turu cũng có những khuôn khổ nhất định. Chẳng hạn luật lệ ở đây nghiêm cấm quan hệ tình dục trong anh em họ hàng cách nhau năm đời. Vì thế đàn ông Turu thường “cặp bồ” với những đối tượng không thuộc phạm vi dòng họ của mình. Như vậy để tránh hiện tượng loạn luân, người Turu cũng đã có một tập tục cấm chế nhất định. Theo tập quán ngoại tình địa phương thì các tình nhân vốn rất bí mất trong các quan hệ dan díu của mình. Người chồng không thể truy kết đối tượng đã quyến rũ vợ mình nếu thiếu những bằng cớ xác đáng. Chỉ trong trường hợp cả hai bị bắt quả tang thì anh ta mới có quyền quy kết và yêu cầu thủ phạm bồi thường là hai con bê nếu vi phạm luật loạn luân, hoặc sáu con dê nếu tình nhân là người ngoại tộc. Trong trường hợp người chồng cho phép vợ ngoại tình thì anh ta sẽ không truy cứu tình địch của mình. Tất nhiên anh ta vẫn có quyền bắt buộc mối quan hệ trên phải chấm dứt, nhưng thông thường thì rất ít khi xảy ra chuyện đó. Trong thời gian diễn ra cuộc tình, các cặp tình nhân bí mật hẹn hò và tặng quà cho nhau. Người chồng và kẻ tình địch vẫn đối xử với nhau một cách bình thường, thậm chí họ còn mới nhau uống bia, giúp nhau tu sửa nhà cửa và các công việc đồng áng v.v… Các bà vợ của họ cũng rất đoàn kết và cùng nhau tham gia đỡ đàn nhau việc nhà. Đối với người Turu mối quan hệ ngoại tình lý tưởng nhất là những cuộc tình chỉ xoay quanh trong phạm vi ái ân, tặng quà cho nhau và điều quan trọng là chúng không làm tổn hại đến cuộc sống gia đình.
Theo tập quán Turu, sự ổn định đời sống gia đình dựa trên việc thường xuyên chăn gối và tình cảm của các bà vợ đối với người chồng. Người phụ nữ ở đây không chỉ lệ thuộc vào các đức ông chồng mà còn chịu sự kiểm soát của cha đẻ và anh ruột mình. Trên thực tế, hôn nhân là hình thức người đàn ông mướn phụ nữ bằng cách thế của hồi môn của mình cho người vợ. Toàn bộ số phận của người phụ nữ bắt đầu từ lễ cắt âm vật, hành kinh lần thứ nhất đến nghi lễ Imaa huyền bí dành cho các quả phụ đều phụ thuộc vào cuộc sống của người đàn ông. Nguyên nhân của tập quán ngoại tình ở đây là gì? Theo chúng tôi, vấn đề mấu chốt trong trường hợp này là do quan niệm hôn nhân như một hình thức khế ước. Hôn nhân mà không bắt nguồn từ tình yêu thực sự thì lòng trung thành vợ chồng khó mà được bảo tồn. Một nguyên nhân khác nữa là do tâm lý cô đơn thường xuyên ám ảnh các bà vợ đã làm cho những người này thông cảm và đoàn kết với nhau. Họ đã không ghen ghét nhau mà ngược lại còn ngấm ngầm khuyến khích, ủng hộ nhau. Chính những yếu tố trên đây là mầm mống phát sinh ra tập quán ngoại tình của người Turu nhằm thỏa mãn những nhu cầu về mặt tình cảm mà tổ ấm gia đình vẫn không bị đe dọa, tổn hại. Thiếu những biểu hiện rung động trong quan hệ vợ chồng và xu hướng tìm kiếm chúng ngoài phạm vi hôn nhân là nguyên nhân đặc trưng của tình trạng ngoại tình trong các nền văn hoá không phân biệt nhau về hình thái. Ở đó hôn nhân dựa trên tính chất giao kèo chứ không phải xuất phát từ tình yêu, luyến ái và lòng say mê thực sự.

Bài liên quan:
 Các nền văn hóa buông thả: http://hoathanhques.blogspot.com/2012/11/cac-nen-van-hoa-buong-tha.html
Các nền văn hóa phóng túng: http://hoathanhques.blogspot.com/2012/11/cac-nen-van-hoa-phong-tung.html
Nền văn hóa tình dục Apollo: http://hoathanhques.blogspot.com/2012/11/van-hoa-tinh-duc-apollo.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến