“Khuyến học” là một trong những tác phẩm “kinh điển” của Fukuzawa Yukichi đã được dịch ra tiếng Việt với lời giới thiệu:
“Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là cuốn Khuyến học, được ông viết trong thời gian 1872-1876. Đây không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông, nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới được in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng 35 triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Và kể từ đó đến nay, cuốn sách này đã được tái bản liên tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko đã tái bản đến 76 lần.
Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi đề cập đến tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền học vấn mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị... cuốn Khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người dân Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn "Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người", Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng – như "không tin vào tai mình" – cho đa số người dân Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng, phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học "từ chương" và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên "thực học". Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hàng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Và quan điểm xuyên suốt cuốn sách là "Làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản" trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ Châu Á thành thuộc địa.
Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong Khuyến học có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bản ở thời Minh Trị. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hóa. Ngoài ra, cuốn "Cẩm nang" của người Nhật này cũng sẽ giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phân nông nô "ăn nhờ ở đậu", nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành "quốc dân" của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh ngày nay”
Trong tác phẩm “Khuyến học”,Fukuzawa Yukichi nêu lý do tại sao phải học và học cái gì cho đúng như sau:
1) Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn.
Fukuzawa Yukichi viết “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”
Vấn đề ông đặt ra để kích thích người dân Nhật Bản phải học ngay lập tức. Tại sao lại có khoảng cách giữa người thông minh và kẻ đần độn, giữa giàu và người nghèo, giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng.
Người Nhật lúc này đang ở trong chế độ phong kiến Mạc Phủ, chính vì thế, họ giữ khư khư niềm tin “nồi nào vung nấy”, việc giàu là do sinh ra trong gia đình quý tộc, giỏi là do sinh ra trong gia đình có học thức… chính vì thế, những lời của Fukuzawa Yukichi đã tác động mạnh tới những người vô học, những người nghèo khổ, ông mang tới họ một nhận thức mới, vấn đề không phải họ dở, họ ngu dốt, họ nghèo khổ... mà do HỌ ĐANG BỊ ĐỐI XỬ THIẾU CÔNG BẰNG TRONG XÃ HỘI PHONG KIẾN, HỌ KHÔNG CÓ ĐIỀU KIỆN HỌC mà thôi.
2) Học những môn thiết thực cho cuộc sống.
Ông đặt vấn đề này bằng cách đưa ra dẫn chứng về những nhà dạy Hán văn. “Trong cuộc sống, tôi hầu như không thấy thầy dạy Hán văn nào có được tài sản đáng kể, cũng như các thương gia giỏi thơ phú vừa thành công trong kinh doanh lại càng hiếm”.
Thông điệp của Fukuzawa Yukichi muốn truyền ở đây chính là HỌC NHỮNG MÔN THIẾT THỰC… Thực học = học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống.
3) Học để nói lên chứng kiến của mình và bổn phận với đất nước
Người dân Nhật trong chế độ phong kiến Mạc Phủ hầu như bị cướp quyền tự do, rất sợ hãi. Một phần cũng chính bản thân họ không có học thức, dẫn đến tự ti, không dám nói lên chứng kiến riêng, không có chứng kiến riêng nên răm rắp hay cưỡng ép nghe theo, hệ quả sẽ là không góp được những “ý kiến trái chiều” để đất nước phát triển.
Fukuzawa Yukichi hiểu được trăn trở này của người dân, và bức xúc với chế độ phong kiến. Ông đã chỉ ra cái hậu quả của việc không học thức cho người dân biết, và ông “tạo cảm hứng cho người dân” bằng SỰ CÔNG BẰNG: từ nay trở đi, địa vị xã hội của cá nhân sẽ được quyết định tùy theo tài năng, phẩm cách và vai trò mỗi người. ”Bất mãn thì kháng nghị lên chính quyền, đường đường chính chính. Những kháng nghị hợp lòng dân, đúng đạo trời, đổi cả tính mạng chúng ta cũng phải tranh đấu.”
4) Học để hiểu rõ trách nhiệm bản thân.
Ông nêu ra những vấn đề để khiến người dân tự cảm thấy đụng chạm tới quyền tự do, lòng tự tôn dân tộc.
Về quyền tự do, ông viết: “Dân ngu tự chuốc lấy chính sách tàn bạo”, tức là khi nào dân ngu, luật sẽ bị thắt chặt, còn dân khôn, tử tế thì chính phủ cũng tử tế, công bằng"
Về lòng tự tôn dân tộc:“Có người dân nào lại mong cho nước mình bị ngoại bang khinh miệt?”
Tóm lại, 4 lý do mà Fukuzawa Yukichi khuyên người Nhật nên học ngay tức khắc:
1) Ai sinh ra đều được ĐỐI XỬ CÔNG BẰNG như nhau, dựa vào HỌC THỨC mỗi người.
2) Học để dũng cảm chiến đấu VÌ LẼ PHẢI.
3) Học để được TỰ DO, thoát khỏi sự “nghẹt thở” của luật lệ chính phủ
4) Học vì LÒNG TỰ HÀO DÂN TỘC, để ngoại bang không còn khinh miệt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét