Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Murdoch muốn gì ở Google?

 
  • Muốn Google chia sẻ doanh thu quảng cáo với các phép tìm kiếm có chứa link về News corps. Google không muốn việc này bởi vì việc này tạo ra tiền lệ khiến các nhà xuất bản lớn nhỏ khác cũng đưa ra đòi hỏi tương tự. Từ đó doanh thu Google sẽ sụt giảm vì bị chia sẻ doanh thu, một tác hại lớn không kém đó là Google phải thương thảo với quá nhiều đối tác khi muốn mở rộng index.
  • Muốn Google đặt rank cao hơn cho các bài viết của News Corps trong kết quả search. Google nói rằng họ không muốn điều này, bởi vì như vậy tính khách quan trong ranking bị mất đi, và người dùng sẽ có cảm giác "nghi ngờ" rằng họ không có được kết quả tìm kiếm tốt nhất trên Google. Tuy vậy, thực tế là khi tìm kiếm tin tức, Google đang trả về kết quả của Google News ở vị trí cao.


Ai đứng về phía Murdoch? Ai đứng về phía Google?

 

  • Reuters đang có các động thái tương tự, và đang làm việc chặt chẽ với Bing của Microsoft để tạo ra các sản phẩm kết hợp. Steve Balmer cũng từng nói bóng gió tới việc sẽ chấp nhận chia sẻ doanh thu với các nhà sản xuất nội dung.
  • MSNBC, Fox, TimeWaner trước tiên sẽ ngồi im và quan sát, nhưng nhiều khả năng họ sẽ nhanh chóng nghiêng về phía Murdoch nếu ông ta dám làm.
  • Yahoo Portal, MSN, AOL – đều đã quen với việc chia sẻ doanh thu với các bên nội dung, và sẽ muốn tranh thủ dịp này để gây thiệt hại cho kẻ thù chung là Google
  • Bing của Microsoft – đây là cơ hội rất tốt để tạo sự khác biệt về sản phẩm. Bạn sẽ có một máy tìm kiếm tìm ra những thứ nổi tiếng mà Google không thể tìm ra
  • Twitter, FaceBook, Digg, LinkHay – là các nguồn tạo traffic ngày càng chiếm tỷ trọng lớn đối với các site tin tức. Độc giả đến từ các nguồn này giá trị cao đối với site tin tức vì tính nhanh chóng, sự phù hợp về tiếp thu thụ động, cũng như tính phù hợp về nội dung.
  • Ủng hộ Google là các publisher nhỏ, các blogger, các site ngách không có được địa vị thương hiệu lớn và cần Google để phát triển khách hàng mới, cũng như làm danh bạ truy cập cho khách hàng cũ, họ cũng được lợi (ít ra là trước mắt) khi các site lớn rút khỏi Google index.
  • Các nhà đấu tranh tư tưởng: bảo vệ người tiêu dùng, cạnh tranh tự do, nội dung mở, v.v.v. sẽ đứng về phía Google vì triết lý tự do của họ.
  • Các dịch vụ có tính chất tương tự ngần ngại tới lượt họ phải nộp tiền sẽ lên tiếng hoặc có cách hành động ngầm hỗ trợ Google

Thiệt hại nào cho Google?

Một số nhà bình luận cho rằng Google không thiệt hại gì, nhưng thực tế thiệt hại có thể sẽ rất lớn

  • Người tìm kiếm biết chắc trên Google sẽ không có các nội dung chất lượng cao, đẳng cấp hàng đầu của WSJ và News Corp, vì vậy mỗi lần thực hiện phép search trên Google người ta sẽ có cảm giác không tin tưởng có đầy đủ kết quả tốt nhất, từ đó sẽ thử lần thứ 2 trên Bing để đảm bảo chắc chắn. Việc này sẽ tác động lớn vào tâm lý và nhận thức người dùng, tạo điều kiện cho các đối thủ của Google vượt lên trong cạnh tranh, đe dọa địa vị dẫn đầu của Google.
  • Các website sẽ nhanh chóng tìm tới các nguồn tạo traffic thay thế như Twitter, FaceBook, LinkHay. Ảo tưởng bị thổi phồng về giá trị traffic của Google buộc phải đối mặt với thực tế mới. Đột nhiên các chủ website tin tức sẽ nhận ra rằng traffic mà Google mang lại không giá trị cao như trước đây họ vẫn nghĩ, thậm chí họ có thể chuyển sang thái cực đánh giá thấp traffic tạo ra bởi Google so với giá trị thực của nó.
  • Khi tin tức thành công thì sẽ tạo ra cả một trào lưu tương tự với nhạc, video, thương mại điện tử; cũng như hàng loạt các site tìm kiếm vertical khác được phát triển để thay thế Google.

Thiệt hại nào cho News Corps của Murdoch?

  • Theo một đánh giá sơ bộ 25% traffic tới WSJ là đến từ Google. Tuy vậy, như một phân tích từ khá lâu tôi từng chỉ ra, trong số 25% này, có tới 15% traffic vốn là của chính WSJ, chỉ là độc giả "mượn đường" đi qua Google. Có Google hay không, người ta vẫn tới thẳng websites. Có thể tạm ước lượng là WSJ sẽ mất khoảng 5% traffic vì cấm Google. Thiệt hại cho WSJ là thiệt hại về phát triển độc giả.
  • Doanh thu của WSJ có mất tới 5%? Thực tế không phải vậy, vì đa số lượt xem đến từ Google là vào thẳng bài viết, đây lại là các trang có năng lực tạo tiền kém nhất. Nếu bạn biết rằng tới 50% doanh thu đến từ trang chủ thì bạn sẽ hiểu rằng doanh thu quảng cáo cáo của WSJ sụt không quá 2.5%, một con số hoàn toàn chấp nhận được.
  • Cũng phải lưu ý rằng, lượt xem trang của một website phụ thuộc chính vào bản thân nó hơn là Google. FaceBook đâu cần Google, nhưng họ vẫn phát triển với siêu tốc độ. Các trang dạng tin tức lượt xem phụ thuộc nhiều vào chất lượng nội dung là chính. Vì vậy, ở địa vị một trang tin tức hàng đầu, trong ngắn hạn WSJ và News Corp chịu thiệt hại không đáng kể nếu xảy ra chiến tranh với Google.
  • Trong dài hạn thì vấn đề có thể khác hơn.
    • Thứ nhất, WSJ sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh với các site đối thủ như Bloomberg, BW, các blog tài chính, hay NYT về mặt phân phối nội dung, tạo ra khoảng trống "an toàn" cho các đối thủ tung hoành
    • Thứ hai. Google là cửa ngõ tới nội dung toàn cầu, cho phép các site nội dung tiếp cận tới các lớp độc giả mới hòa nhập vào Internet trên toàn cầu, hoặc lớp độc giả mới mới hòa nhập vào tri thức kinh tế Mỹ. Đối kháng với Google chính là tự cắt đi kênh tiếp cận độc giả mới quan trọng này, lớp khách hàng chiến lược 20 năm tới của WSJ.

Tại sao Murdoch muốn chiến tranh khi cả hai cùng thiệt?

Nhiều bloggers hay nhà báo nhẹ dạ vội vàng nhận định rằng Murdoch là người không có tầm nhìn và hành động của ông ta là ngu ngốc. Tuy vậy, họ dường như quên 2 điều: (1) Rupert Murdoch đủ giàu, đủ tỉnh táo và đủ người tư vấn để có những quyết định rất sâu sắc; (2) Murdoch nghĩ từ góc độ media đa dạng hơn, gồm cả truyền hình, báo giấy và online chứ không chỉ internet.

  • Quảng cáo không phải là mô hình doanh thu đủ sustainable cho một đế chế xuất bản nội dung. Ngay cả khi WSJ online có doanh thu quảng cáo gấp rưỡi hiện tại, nó cũng không đủ để duy trì bộ máy sản xuất nội dung hiện tại của WSJ. Sự thật là doanh thu quảng cáo của Google tuy lớn, nhưng nó chỉ đủ làm giầu cho Google chư không đủ để nuôi cả thế giới media.
  • Quảng cáo không phải là mô hình doanh thu hiệu quả, phù hợp với các nội dung chất lượng cao. Các nội dung chất lượng cao thường không có nhiều người đọc như các nội dung đại chúng tầm thường. Chi phí sản xuất các nội dung này lại rất lớn, trong khi đó mô hình quảng cáo trả tiền thông qua lượt xem, không đủ khả năng phân biệt lượt xem của ăn mày và tiến sỹ.
  • Murdoch không còn lựa chọn nào ngoài việc tìm kiếm một mô hình doanh thu mới, chứ không thể làm theo Google và mô hình quảng cáo của họ. Bác bỏ Google nghĩa là chấp nhận mất đi 5% doanh thu của mô hình quảng cáo, để đặt cược vào việc tìm ra một mô hình mới giúp duy trì đế chế xuất bản của ông ta.
  • Mô hình mới sẽ là gì? Còn phải thực hiện được mới biết, nhưng một cách trực diện nhất là bán nội dung. Nội dung đem bán thì không thể miễn phí, và việc đối đầu với Google giúp Murdoch đạt nhiều mục tiêu: (1) chuẩn bị tâm lý cho khách hàng, (2) gây chấn động và sự quan tâm rộng hơn với thu phí, (3) gây sức ép vào Google để đạt được các lợi ích kinh tế

Nếu Murdoch thật sự đối đầu với Google thì những ai sẽ chịu tác động? 

 

  • Cơ hội cho Bing trong việc hợp tác với giới media, để tạo ra sự khác biệt về sản phẩm và vượt lên trên Google. Google không thể trả tiền cho giới media vì thiệt hại quá lớn, Bing có thể trả đủ để làm đau Google mà thiệt hại không lớn.
  • Cơ hội cho social media – vai trò phân phối nội dung, tạo lượt đọc của Social media sẽ được nhấn mạnh, và đây sẽ là cơ hội của họ trong hệ sinh thái mới.
  • Cơ hội mới cho cả ngành media và ngành công nghệ trong việc tìm kiếm một mô hình doanh thu mới, bao gồm (mà không giới hạn trong) quảng cáo.
  • Cơ hội cho chính Google nếu họ có thể rời bỏ được tư tưởng quảng cáo là mọi thứ.

Các mô hình doanh thu nào có thể phù hợp? 

 

  • Bán đăng ký hàng tháng (kiểu WSJ)
  • Bán từng bài viết (kiểu Kindle, iTune)
  • Thu tiền thông qua thiết bị (kiểu iPhone, iPod)
  • Thu tiền thông qua đối tác (kiểu iPhone, truyền hình cáp)
  • Thu tiền thông qua dịch vụ (kiểu bloomberg)
  • Thu tiền thông qua các sản phẩm hữu hình, các ấn phẩm
  • Quảng cáo
  • Chắc còn nhiều nữa …



Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến