Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Chơi băng cối không chỉ để thưởng thức thứ âm thanh nhẹ nhàng, chân thực mà với nhiều người còn là một cách để thả hồn hoài niệm giữa cuộc sống xô bồ.


Kỹ thuật số từ khi xuất hiện đã dần thay thế những công nghệ cũ hơn bởi sự tiện dụng và tính tùy biến cao. Tuy nhiên, ở lĩnh vực âm thanh, việc số hóa tín hiệu analog không thể chính xác hoàn toàn. Nhiều người nghe có thâm niên, đặc biệt là gắn bó với âm thanh từ những thập niên 70 của thế kỷ trước vẫn có thể nhận ra sự thay đổi này. Băng cối, đại diện cho một thời kỳ “vàng son” của công nghệ analog, bởi thế vẫn được nhiều người nghe lâu năm trân trọng và công phu sưu tầm. Chơi băng cối không chỉ để thưởng thức thứ âm thanh nhẹ nhàng, chân thực mà với nhiều người còn là một cách để thả hồn hoài niệm giữa cuộc sống xô bồ.


Thú chơi băng cối vẫn được duy trì và phát triển.


Tương tự như đĩa than, loa kèn…, băng cối khá kén người chơi bởi khá nhiều trở ngại cả về thời gian lẫn tiền của.


Trở ngại đầu tiên có thể kể đến là đầu đọc băng cối. Hiện hầu hết các sản phẩm trên thị trường đã có tuổi đời trên 30 năm, người mua vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn khi đánh giá chất lượng máy. Thường khi mới mua về, ít có máy nào không gặp trục trặc, hỏng hóc. Phần cơ có thể sửa dễ hơn, nhưng nếu vào phần điện, việc thay thế các linh kiện quan trọng như bộ đầu xóa/ghi/đọc có thể mất từ vài trăm đến hàng nghìn USD.


Theo một người chơi băng cối đã có tên tuổi ở Hà Nội, hiện có hai nguồn máy chính: Máy xịn, chất lượng tốt thường được thanh lý từ các studio, đài phát thanh ở nước ngoài; trong nước thì chủ yếu từ các đầu mối buôn hàng điện tử cũ, hay phổ biến nhất là người chơi tự trao đổi với nhau.


Chủng loại máy cũng khá đa dạng, từ châu Âu như các hãng Studer, Revox, Tandberg… hoặc Nhật Bản như Otari, Teac, Akai… Nhiều người chơi cho rằng đầu đọc của Đức mô phỏng âm thanh chân thật, trong khi các sản phẩm của Nhật Bản cho âm thanh dễ nghe, phù hợp hơn với đôi tai của người Á Đông.


Giá cả so với ban đầu các máy đều giảm chỉ còn một phần năm, một phần mười, nhưng vẫn không hề rẻ. Ví dụ, các đời máy cho studio chuyên nghiệp như Studer A80 mới thì khoảng 45.000 USD, được giới chơi âm thanh “trao đổi” với giá 80 đến 100 triệu đồng. Trong khi máy cũ còn sử dụng tốt có giá trên dưới 10 triệu đồng. Rẻ hơn nữa có nhiều sản phẩm của Nhật chỉ vài triệu đồng nhưng chất lượng khó đảm bảo.


Băng cối gốc rất hiếm và giá không rẻ. Ảnh: Nguyên Khánh.


Với người mới chơi, chọn mua băng cối là cả một vấn đề. Bên cạnh nhiều thông số cần nắm chắc như độ dày, độ rộng, số track, tốc độ… người chơi còn phải kiểm tra kỹ để tránh hiện tượng có tiếng xì, rè, mất lớp âm với băng chất lượng thấp, bởi phần lớn băng cối được sản xuất từ trước những năm 80.


Nội dung băng cối không mấy đa dạng, chủ yếu là nhạc vàng và cổ điển. Nhạc vàng thường được ghi tại các phòng thu Việt Nam trước năm 75, còn băng nhạc cổ điển phần lớn từ nước ngoài.


Băng gốc cũng rất hiếm và giá không hề rẻ, khoảng vài triệu đồng. Băng sang lại tầm 500 – 600 nghìn đồng. Ngoài ra, với người chơi có nhu cầu ghi lại nhạc ưa thích, hoặc muốn trải nghiệm nhạc mới qua băng cối, một cuộn băng trắng có giá khoảng 700 nghìn đồng, phí ghi dao động từ 150 đến 200 nghìn đồng.


Ngoài ra, việc bảo quản đầu đọc cũng như băng cối cũng là trở ngại lớn. Do phần lớn được sản xuất ở châu Âu và Nhật Bản, khi phải chịu khí hậu ẩm như ở nước ta, đầu đọc băng cối thường xuống cấp khá nhanh. Theo một số người chơi, cách tốt nhất là giữ cho máy móc ở nơi khô ráo, lau chùi thiết bị thường xuyên, tránh hỏng hóc phải thay sửa rất tốn kém. Đối với băng cối, nhiều người đầu tư tủ hút ẩm cho phim ảnh, vừa khô ráo lại tránh được nguồn từ trường của các vật dụng xung quanh.


Studer A80, dòng đầu đọc băng cối chuyên nghiệp. Ảnh: Nguyên Khánh.


Vượt qua những khó khăn lúc đầu, thành quả thu được của người chơi là trải nghiệm âm thanh khá mới lạ với những ai đã quen với nhạc kỹ thuật số. Cảm nhận chung của hầu hết người chơi thiết bị âm thanh “có tuổi” này, chất âm của băng cối nhẹ nhàng, thong thả, giọng hát ở nhạc vàng rất gần gũi bao trùm nhạc đệm. Âm cao tơi, trong trẻo trong khi âm trầm không quá thấp nhưng rất chân thật.


“Người chơi băng cối không nhiều, nên rất gắn bó với nhau. Đôi khi chỉ cần hai, ba anh em với cốc nước ngồi thưởng thức âm thanh, bàn chuyện thú chơi, bàn chuyện đời, với chúng tôi cũng là quý giá lắm rồi” một người chơi băng cối lâu năm tâm sự.


Theo Sohoa.net

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/06/106722

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến