Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Từ những bộ xử lý thô sơ tới máy tính cá nhân và đến siêu máy tính, IBM, còn gọi là Big Blue, luôn đóng vai trò lớn trong quá trình phát triển và tiến hóa của các xu hướng điện toán.


>> IBM tiên phong phát triển mạch tích hợp trên graphene

>> IBM Việt Nam lập trung tâm đào tạo công nghệ cao


Ngày 16/6/2011, tập đoàn IBM kỷ niệm 100 năm thành lập. Để đón sự kiện quan trọng này, từ đầu năm, ba phần tư số nhân viên IBM toàn cầu đã tham gia hơn 5.000 dự án cộng đồng và đóng góp 2,5 triệu giờ hoạt động tình nguyện tại 120 quốc gia. Tại Việt Nam, hơn 300 lượt nhân viên IBM cũng đã thực hiện các chương trình tình nguyện tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đà Lạt…


Ngày 16/6/1911, công ty Computing Scale Company of America, Tabulating Machine Company và International Time Recording Company hợp thành Computing-Tabulating-Recording (CTR), sau được đổi tên là International Business Machines (IBM) với nhiệm vụ sản xuất đồng hồ, máy lập bảng biểu điện tử… Tròn 100 năm sau, IBM là công ty công nghệ thành công nhất thế kỷ với 75.000 bằng sáng chế ở Mỹ, đã đầu tư 150 tỷ USD cho nghiên cứu và có 5 người đạt giải Nobel.


Năm 1914, CTR ra một quyết định quan trọng là mời Thomas R. Watson làm Chủ tịch. Watson dẫn dắt công ty này qua 2 cuộc Đại chiến thế giới, giai đoạn Đại khủng hoảng (Great Depression) và bắt đầu giai đoạn Chiến tranh lạnh. Ông giúp công ty nhân đôi doanh thu lên 9 triệu USD trong 4 năm đầu dẫn dắt và mở rộng ra toàn cầu. Watson nổi tiếng với phương châm IBM:Think: “Chúng ta phải trải qua 5 nấc thang đọc, nghe, thảo luận, quan sát và suy nghĩ và không được bỏ qua bất cứ công đoạn nào. Vấn đề là hầu hết chúng ta gặp rắc rối ở khâu cuối cùng, cũng là nấc thang cao nhất là tư duy. Như Nicholas Murray Butler đã nói tất cả các vấn đề của thế giới có thể dễ dàng được giải quyết nếu con người chỉ cần sẵn sàng suy nghĩ”.


Năm 1924, CTR đổi thành International Business Machines.


Những năm 30 của thế kỷ trước, Mỹ trải qua giai đoạn đại khủng hoảng kinh tế nhưng IBM vẫn thịnh vượng. Hãng này giúp chính phủ thành lập Ủy ban an ninh xã hội và sử dụng hệ thống máy dập của mình để theo dõi các khoản thanh toán thuế của 27 triệu công nhân, cho thấy doanh nghiệp và chính phủ có thể tự quản lý nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.


Watson đánh giá cao giáo dục và nghiên cứu. Ông thành lập IBM Schoolhouse năm 1933 để đào tạo nhân viên với phương châm được gắn trên các bậc thềm.


Trong thế chiến thứ hai, IBM và Đại học Harvard xây dựng máy tính tự động đầu tiên ở Mỹ có tên Automatic Sequence Controlled Calculator (Mark 1) với khả năng cộng, trừ, nhân, chia các con số dài tới 23 số.


IBM đi trước ngành công nghiệp điện toán những năm 50 của thế kỷ trước với hệ thống IBM 701 hoạt động bằng ống chân không thay vì công tắc như trong các máy tính trước đó. Bóng bán dẫn thay thế ông chân không năm 1959 với một trong những mainframe đầu tiên là IBM 7090.


Năm 1956, Thomas Watson, Jr. nhận chức CEO từ cha mình.


IBM 305 Random Access Method of Accounting and Control chứa công cụ lưu trữ dạng đĩa đầu tiên trên máy tính năm 1957.


Thập niên 50, IBM dùng băng từ thay cho các phiếu đục lỗ (punch card).


IBM giới thiệu đĩa mềm đầu tiên năm 1971 với khả năng lưu trữ 80 KB dữ liệu.


Dù máy tính đã xuất hiện trước đó và Apple, Microsoft đã đưa PC lên tầm cao mới về sau này, sự xuất hiện của IBM 5150 PC năm 1981 đã giúp thế giới hiểu thế nào là “máy tính cá nhân”. Nó quan trọng đến mức tạp chí Time bình chọn đây là “Cỗ máy của năm” thay vì chọn một nhân vật như thông lệ.


Năm 1994, kỹ sư John King và John Nilsen được cấp bằng sáng chế cho “hệ thống đặt hàng sử dụng danh mục điện tử”, mở đường cho trào lưu mua sắm trên mạng hiện nay với sự thành công của website thương mại điện tử Amazon.com.


IBM thách nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov đấu với hệ thống IBM RS/6000 SP 32-node vào năm 1996. Kasparov chiến thắng với tỷ số 4-2.


Garry Kasparov ôm đầu trong cuộc đấu với siêu máy tính Big Blue của IBM ở New York (Mỹ) năm 1997. Lần đầu tiên, một cỗ máy tính chiến thắng con người khi chơi cờ.


IBM phát triển siêu máy tính Blue Gene năm 2004 để giúp các nhà sinh học quan sát quá trình sản sinh protein và sự phát triển gene, vì thế nó có tên gọi Gene.


IBM tiếp tục ra một máy tính nữa để đấu với con người. Tháng 2 năm nay, cỗ máy Watson chiến thắng hai người chơi xuất sắc của cuộc thi đố vui Jeopardy.


Năm 2008, siêu máy tính IBM Roadrunner phá mốc 1 petaflop (1 triệu tỷ phép tính mỗi giây).


Bắt đầu từ 2008, IBM tham vọng xây dựng hành tinh thông minh hơn (Smart Planet) và đã đề ra các chiến lược phát triển cho nó.




Theo VnExpress

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/06/103265

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến